Dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cuộc làm việc này nhằm triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết quả Hội nghị văn hóa toàn quốc đối với các nội dung về văn học, nghệ thuật thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu các ngành, cơ quan phối hợp nhịp nhàng, chia sẻ, lắng nghe ý kiến của nhau để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ nhằm góp phần phát triển văn học nghệ thuật đúng hướng, đúng tầm, đáp ứng yêu cầu, mong muốn của nhân dân, vì quốc gia dân tộc, xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thun hập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng phải phát triển ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Liên hiệp Hội đã báo cáo, đề xuất về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn học nghệ thuật giai đoạn mới tiến tới kỷ niệm 90năm thành lập Nước, 100 năm thành lập Đảng; Chương trình đầu tư chiều sâu cho phát triển văn học nghệ thuật chất lượng cao chào mừng kỷ niệm 90 năm thành lập Nước và 100 năm thành lập Đảng giai đoạn 2022-2025 và 2026-2030; xây dựng ngân hàng dữ liệu số về tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam giai đoạn 2022-2030; Chương trình xây dựng không gian sáng tạo và chuyển đổi số về tác phẩm nhiếp ảnh Việt Nam…
Các đại biểu cảm ơn những chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cho rằng những chia sẻ của Thủ tướng thể hiện sự thấu hiểu những vấn đề cơ bản nhất của văn học, nghệ thuật và tình hình phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay. Các đại biểu cũng đề cập nhiều vấn đề như định hướng thẩm mỹ, tư tưởng của giới trẻ; đầu tư bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ những người làm văn học, nghệ thuật, nhất là thế hệ trẻ; quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới…
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ niềm tự hào với thành tựu nền văn học, nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là từ khi có Đảng; cho rằng văn học, nghệ thuật đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình, đồng hành cùng đất nước, nhân dân, góp phần và cùng dân tộc vươn lên.
Trong quá trình phát triển, mặc dù có những thăng trầm, song luôn luôn xuất hiện những tác giả, tác phẩm xuất sắc, góp phần khắc họa giá trị con người Việt Nam, xây dựng bản sắc văn hóa Việt Nam, khơi dậy sức mạnh nội sinh to lớn của dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Văn học, nghệ thuật đã truyền tải sâu sắc, toàn diện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là sau 35 năm đổi mới, góp phần làm cho nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng phát triển để có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay.
Thành tựu đó có được là do văn học, nghệ thuật nước nhà đã bám sát đường lối của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng, bằng tâm huyết, trách nhiệm, lao động nghệ thuật không mệt mỏi của các văn nghệ sĩ; xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong toàn lực lượng để phát huy những giá trị cốt lõi của mình và khắc phục, vượt qua những hạn chế; đặc biệt là nhờ có sự ủng hộ, quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, nhất là của nhân dân đối với giới văn học, nghệ thật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập như gần đây,mặc dù có chất liệu phong phú, có không gian cho văn học nghệ thuật sáng tạo, phát triển, song chúng ta chưa có những tác phẩm văn học nghệ thuật “để đời”, đi sâu vào lòng người, xứng tầm với sự nỗ lực, cố gắng, thành quả đạt được của đất nước ta, nhân dân ta, sự vươn lên mạnh mẽ Việt Nam trên trường quốc tế, giúp bạn bè, đối tác quốc tế với tình cảm, sự tôn trọng và ngưỡng mộ dành cho Việt Nam ngày càng hiểu hơn về đất nước, con người, nền văn hóa của chúng ta.
Đơn cử, trong thời gian vừa qua khi cả nước chung tay phòng, chống dịch COVID-19, chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc khắc họa được sự khốc liệt của dịch bệnh, cũng như sự kiên cường, hy sinh, đoàn kết, đồng lòng của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần cổ vũ, truyền cảm hứng, tạo động lực,khơi dậy sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thách thức và phát triển.
Thủ tướng cũng chia sẻ với các văn nghệ sĩ những khó khăn, thách thức trong dịch bệnh như hạn chế các buổi biểu diễn tập trung đông người, đồng thời biểu dương những cách làm sáng tạo như tổ chức hòa nhạc trực tuyến… Thủ tướng đặt vấn đề, khi dân tộc có những khó khăn, thách thức, như trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, văn học, nghệ thuật hết sức phát triển, đạt được nhiều thành tựu, góp phần nhân lên gấp bội sức mạnh của dân tộc, phải chăng do khó khăn, thách thức cũng tạo chất liệu, không gian tốt để giới văn học, nghệ thuật sáng tạo?
Trên tinh thần đó, Người đứng đầu Chính phủ định hướng một số công việc cần thực hiện trong thời gian sắp tới. Theo đó, Liên hiệp Hội và các hội viên tiếp tục đoàn kết, thống nhất, phát huy trí tuệ và tinh thần dân chủ để phát triển văn học, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật,văn hóa, con người Việt Nam, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các giải pháp, nhiệm vụ đột phá được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm của Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Phát triển văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng phải ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa, nghệ thuật phải lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu và động lực của sự phát triển…
Cơ bản đồng tình với các kiến nghị, đề xuất tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan phối hợp với Liên hiệp Hội để hoàn thiện các chương trình, đề án trình cấp có thẩm quyền. Trong đó, lựa chọn một số vấn đề quan trọng, cấp bách và có hiệu quả để làm trước, lưu ý tới việc ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tạo điều kiện về cơ sở, vật chất, không gian sáng tạo cho giới vănhọc, nghệ thuật…/.
Theo N. Trường (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/van-hoa-la-nen-tang-tinh-than-cua-xa-hoi-la-suc-manh-noi-sinh-dong-luc-phat-trien-dat-nuoc-d172635.html