Văn hóa các dân tộc Sơn La giàu bản sắc

Những năm gần đây, du khách thập phương biết đến Sơn La không chỉ nhờ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp, mà chính bởi những giá trị văn hóa giàu bản sắc của 12 dân tộc anh em cùng sinh sống nới đây, với mảnh đất, con người thân thiện, giàu giá trị truyền thống.

Đoàn nghệ nhân Sơn La giới thiệu điệu “Xòe Thái” tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội (Ảnh: Trung Hiếu)

Kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc

Sơn La có nền văn hoá đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc, là nơi hội tụ sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có một nền di sản văn hoá mang sắc thái riêng, quý giá và độc đáo, là minh chứng rõ nét cho lịch sử hình thành của đồng bào qua hàng ngàn vạn năm sinh sống nơi đây và cả những chứng tích của một thời kháng chiến hào hùng của các dân tộc Sơn La.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 91 di tích, trong đó, 63 di tích đã được xếp hạng, bao gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 15 di tích quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh. Các di tích được phân bố ở cả 12 huyện, thành phố, đủ cả 4 loại hình, gồm: Di tích lịch sử – văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Sơn La cũng là địa phương có các loại hình khảo cổ đa dạng, toàn tỉnh có 11 di tích khảo cổ đã được công nhận xếp hạng, xác định vị trí và tên gọi địa điểm khảo cổ, được lập hồ sơ khoa học. Có trên 24.000 hiện vật, tư liệu với loại hình đa dạng, phong phú từ thời tiền, sơ sử cho đến thời kỳ hiện đại hiện đang được Bảo tàng tỉnh quản lý và bảo quản.

Du khách tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, từ năm 2011, tỉnh Sơn La đã tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 9 dân tộc theo 7 loại hình. Tiến hành lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 15 di sản văn hóa của các dân tộc, bao gồm các nghi lễ truyền thống, nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục, nghệ thuật Xòe Thái, múa khèn… Trong đó, “Nghệ thuật Xòe Thái” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bên cạnh đó, các dân tộc ở Sơn La còn có rất nhiều các lễ hội trong năm điển hình cho phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống mang những nét đặc sắc riêng có. Đặc biệt là những lễ hội lớn được duy trì hằng năm như: Lễ hội đua thuyền truyền thống của dân tộc Thái huyện Quỳnh Nhai; lễ hội Hoa Ban tại Thành phố và Vân Hồ, cùng nhiều nghi lễ, lễ hội thường xuyên được phục dựng tạo nên những dịp đặc biệt để quảng bá hình ảnh địa phương như: lễ hội Xên Mường, lễ mừng cơm mới của dân tộc Lào; nghi lễ Cầu an (Pang A) của dân tộc La Ha; lễ Hết Chá của dân tộc Thái trắng Mộc Châu; nghi lễ cúng dòng họ của dân tộc Mông…

Những năm gần đây, các địa phương tổ chức các ngày hội để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: Ngày hội hái quả Mận, ngày hội Trà (Mộc Châu); ngày hội nhãn (Sông Mã); ngày hội xoài (Yên Châu); ngày hội cam (Phù Yên), ngày hội quả sơn tra (Bắc Yên), ngày hội cà phê (Mai Sơn)… Tất cả đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng, phong phú và đặc sắc, với nhiều điểm nhấn nổi bật, tô điểm cho mảnh đất Sơn La thêm giàu đẹp.

Biểu diễn điệu múa chuông của dân tộc Dao tại Phố đi bộ – chợ đêm Mộc Châu

Phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Sơn La và vùng Tây Bắc, xây dựng con người phát triển toàn diện”; đồng thời, “lấy phát triển văn hóa, xây dựng con người làm yếu tố cốt lõi để phát triển kinh tế – xã hội”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Kết luận số 335-KL/TU ngày 26/7/2021 về việc phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm tập trung xây dựng và phát triển văn hóa Sơn La từng bước trở thành nguồn lực quan trọng của mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong phát triển văn hóa Sơn La. Đặc biệt là triển khai thực hiện lồng ghép các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển hoạt động văn hóa như: Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025…

Tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch, tạo thành kênh quan trọng trong công tác đối ngoại của tỉnh và giới thiệu hình ảnh con người, văn hóa các dân tộc Sơn La. Trong đó có những sự kiện nổi bật như: Sự kiện du lịch Sắc Màu Sơn La – Tây Bắc lần thứ II tại Hà Nội; sự kiện Văn hóa-Du lịch “Bản tình ca Sơn La – Luông Pha Băng” tại tỉnh Luông Pha Bang, nước CHDCND Lào…

Đặc biệt là đón nhận giải thưởng du lịch “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu Châu Á” và “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới” năm 2022 đối với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã giúp quảng bá sâu rộng hình ảnh con người và văn hóa Sơn La ra thế giới.

Du khách hào hứng với điệu nhảy sạp của dân tộc Thái khi đến Mộc Châu

Với việc duy trì trên 3.000 đội văn nghệ quần chúng ở các bản, các phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ đã giúp nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Công tác bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa cũng được tỉnh chú trọng tăng cường, đồng thời khuyến khích hoạt động của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, tôn vinh những nghệ nhân có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Hiện nay, toàn tỉnh có 2 nghệ nhân Nhân dân, 34 nghệ nhân Ưu tú là những nhân tố tích cực trong việc truyền dạy, lưu giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Với mục tiêu “Phát triển Văn hóa Sơn La, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, thời gian tới, ngành VHTT&DL tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học công nghệ, sự phát triển của kinh tế số để bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giàu bản sắc của các dân tộc. Chú trọng công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội dân gian truyền thống, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản đại diện của nhân loại gắn với phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương.

Các đội văn nghệ quần chúng là nhân tố giúp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc

Văn hóa các dân tộc Sơn La đang phát huy hiệu quả thông qua những giải pháp tích cực theo hướng phát triển dựa trên việc bảo tồn giá trị truyền thống. Nhờ đó, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La trong những năm qua đã và đang đạt được nhiều thành tựu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội.

Những “điệu xòe Thái”, lễ cấp sắc của đồng bào Dao, nhảy “tha kềnh” của dân tộc Mông, những nghi lễ truyền thống, những tạo hình hoa văn đặc sắc của các dân tộc đã và đang được phổ biến đến đại chúng, được du khách trong và ngoài nước biết đến, yêu thích và ấn tượng sâu sắc, giúp đưa hình ảnh về mảnh đất, con người và văn hóa Sơn La được quảng bá ngày càng sâu rộng hơn, là động lực cho du lịch tỉnh nhà phát triển.

Thanh Đào

Nguồn Báo Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa-cac-dan-toc-son-la-giau-ban-sac-KWfmrgQVg.html