Ukraine thẳng thừng gạt Nga, lựa chọn Mỹ-NATO-EU: Cái giá rất đắt cho Kiev

Tổng thống Putin gặp nhiều thách thức sau khi Crimea sáp nhập Nga. Ảnh: AP

Tất cả những diễn biến trong thời gian vừa qua đều theo chiều hướng chung là làm cho mối quan hệ giữa Nga và Ukraine trở nên căng thẳng hơn, thậm chí thù địch nhau hơn.

Nga có những biện pháp củng cố thêm sự gắn kết của Crimea vào Nga. Một thủ lĩnh của lực lượng ly khai chống chính phủ Ukraine bị ám sát mà người này lại đại diện chính thức cho một trong những bên đàm phán và ký kết thoả thuận hoà bình ở Minsk.

Nga đưa ra những bằng chứng về việc tên lửa từ phía quân đội chính phủ Ucraine bắn rơi chiếc máy bay hành khách của hãng hàng không Malaysia Airlines.

Mỹ tiếp tục duy trì và gia tăng những biện pháp trừng phạt Nga có liên quan đến Crimea và Ukraine cũng như quyết định cung cấp vũ khí cho phe chính phủ Ukraine.

Bất chấp sự phản đối và chống phá của Mỹ, Nga vẫn cùng EU thúc đẩy thực hiện dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt North Stream II dẫn khí đốt của Nga sang Tây Âu mà không cần đi quá cảnh qua Ukraine nữa. Và Ucraine không gia hạn Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Nga nữa.

Sau thực chất đến danh nghĩa

Hiệu ước này được Nga và Ukraine ký kết năm 1997, có hiệu lực từ năm 1999 và đưa hai nước láng giềng của nhau này thành đối tác chiến lược của nhau. Nó có thời hạn 10 năm và tự động được gia hạn thêm 10 năm nếu cả hai bên cùng muốn tiếp tục – như năm 2009.

Nếu không muốn gia hạn hiệu lực của hiệp ước này, phía Ukraine chậm nhất cho tới cuối tháng 9 năm nay phải thông báo chủ ý ấy cho Nga. Chính phủ Ukraine đã quyết không gia hạn hiệp ước ấy nữa và giờ chỉ còn chờ quốc hội phê chuẩn quyết định.

Ukraine thẳng thừng gạt Nga, lựa chọn Mỹ-NATO-EU: Cái giá rất đắt cho Kiev - Ảnh 1.

Ngày 21/9, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin xác nhận chính quyền Kiev đã thông báo với Nga rằng hiệp ước hữu nghị Nga – Ukraine sẽ không được gia hạn. Ảnh: Reuters

Một nội dung chủ chốt của hiệp ước này là hai bên ký kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, hợp tác chứ không thù địch với nhau, tức là tôn trọng sự bất di bất dịch của đường biên giới phân định giữa hai quốc gia hiện tại.

Một khi không còn hiệp ước này nữa thì hai bên ký kết không còn bị ràng buộc gì nữa vào cam kết trọng tâm này.

Nghe qua không thể gạt bỏ đi được cảm nhận thấy mâu thuẫn. Hiện tại, chính phủ Ukraine phải đối phó với cuộc ly khai của vùng lãnh thổ miền đông trong khi Crimea đã gia nhập Nga.

Ở Ukraine cũng như trên thế giới không ai có ảo tưởng rằng chính phủ Ukraine tự thân và dùng biện pháp quân sự, cho dù được cả Mỹ, Nato và EU hậu thuẫn trên mọi phương diện, có thể giành về Crimea từ Nga và đè bẹp được phe ly khai.

Trong bối cảnh tình hình và triển vọng như thế, lẽ ra phía Ukraine phải tiếp tục bám giữ vào hiệp ước này vì chỉ như thế mới có cơ sở pháp lý quốc tế để đấu tranh với Nga. Từ bỏ hiệp ước này đồng nghĩa với việc Ukraine không còn có được sự đảm bảo về pháp lý quốc tế từ phía Nga nữa cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Tức là phía Ukraine không thể phê trách gì được Nga khi các khu vực lãnh thổ ly khai chính phủ trung ương ở Ukraine cứ dần “thân Nga hơn” và “sơ Ukraine hơn”.

Chính phủ Ukraine vẫn chủ trương chấm dứt hiệp ước nói trên với Nga vì hai lý do chính.

Thứ nhất, nhìn vào mức độ quan hệ hiện tại giữa hai nước mà suy xét thì hiệp ước này hiện chỉ còn danh chứ đã hết thực. Nó đã bị vô hiệu hoá và mất tác dụng trên thực tế.

Phía chính phủ Ukraine chắc cho rằng dẫu có tiếp tục hiệp ước này thì cũng không giành về được Crimea và không ngăn cản được sự ly khai của những vùng lãnh thổ ở miền đông đất nước.

Một khi hiệp ước không còn giá trị trên thực tế thì duy trì giá trị của nó trên danh nghĩa chẳng có lợi gì cho chính phủ Ukraine.

Trong khi đó, và đây là lý do thứ hai, huỷ bỏ hiệp ước này lại có thể có được tác động chính trị không nhỏ cho chính phủ Ukraine.

Việc huỷ bỏ hiệp ước với Nga là bước đi cuối cùng trong quá trình đoạn tuyệt quan hệ hoàn toàn với Nga, chính thức hoá việc chuyển từ bạn sang thù, từ đối tác chiến lược sang địch thủ nguy hiểm nhất.

Chính phủ Ukraine muốn phát đi thông điệp gửi về phía Mỹ, Nato và EU là Ukraine đã lựa chọn Mỹ, Nato và EU chứ không lựa chọn Nga, không gắn tương lai của Ukraine vào quan hệ với Nga mà vào quan hệ với Mỹ, EU và Nato, tức là nhất biên đảo tuyệt đối chứ không cân bằng quan hệ, càng không có chuyện lợi dụng Mỹ, EU và Nato hiện tại nhưng để ngỏ dư địa cho nghiêng về Nga trong tương lai.

Sự đánh đổi này về lâu dài sẽ chứng tỏ là cái giá rất đắt đối với Ukraine. Trước mắt, hệ luỵ trực tiếp của nó là giải pháp chính trị hoà bình cho toàn bộ vấn đề Ukraine càng thêm khó có thể có được.