“Sự trưởng thành luôn đi kèm với sự không hài lòng và cả những nỗi đau” – HLV Park Hang-seo lý giải về chiến thắng khó khăn của U23 Việt Nam trước đối thủ Indo. Dường như, đấy là một lời cất lên tự đáy lòng để tri ân những người tiền nhiệm…
Ông Park luôn là như vậy, một người đúng mực và biết nhìn xa trông rộng cũng như biết trước biết sau. Sau trận thắng U23 Indonesia để nuôi hy vọng lọt qua vòng loại U23 châu Á, ông thừa nhận không hài lòng và các học trò đã thắng may. Nhưng để có được may mắn ấy, ông và U23 Việt Nam đã phải lao động, nỗ lực trong suốt 94 phút đầy cực nhọc.
Sự không hài lòng có lẽ là tất yếu. Người hâm mộ chắc chắn không hề viên mãn với cách đá của U23 Việt Nam. Bản thân các cầu thủ U23 Việt Nam cũng chẳng thể vui khi nhìn lại những bước chạy của mình. Và ông Park, ông hiểu rằng nếu Triệu Việt Hưng không đánh đầu một cú xuất thần ở ranh giới mong manh ấy, tương lai của cả đội hẳn là đã khác lắm rồi…
Việt Hưng có thể là người hùng mang về 3 điểm, nhưng đóng góp của anh cho lối chơi chung rõ ràng không ấn tượng. Cùng với Thái Quý, anh đã tạo ra bộ đôi tiền vệ trung tâm mong manh trong phòng ngự và bối rối trong tấn công. Điều ấy lý giải vì sao U23 Việt Nam trong hiệp 1 không duy trì được sức ép liền mạch, trong khi luôn phấp phỏng bị phản đòn.
Với trục giữa không đủ mạnh, vai trò sáng tạo của Quang Hải cũng bị lu mờ. Văn Hậu, Thanh Thịnh không còn thoải mái leo biên, còn Hoàng Đức và Đức Chinh nhiều thời điểm chẳng biết làm thế nào để kết nối được nhau, dẫu khoảng cách chỉ là vài bước chân chạy chỗ.
Dù sao vẫn còn may mắn là chúng ta có ông Park Hang-seo ngồi đó và đọc trận đấu theo cảm quan đầy kinh nghiệm. Ông liên tiếp có những điều chỉnh kịp thời, như rút Thái Quý ra để Quang Hải, Hoàng Đức luân phiên “chia bài”, đưa Đình Trọng vào để trấn an hàng thủ đột nhiên chao đảo, hay trao cơ hội cho Thanh Bình, Danh Trung… hòng tìm những đột biến cho hàng công bế tắc.
Bàn thắng bằng đánh đầu của Việt Hưng đến đúng lúc những tia hy vọng dần cạn kiệt, vì suốt trận, chúng ta có đến vài chục pha bóng “tĩnh” kiểu này nhưng đều vô hại. Nó là phần thưởng cho những cố gắng của cả thầy và trò, nhưng nó không thể hiện được sự sáng sủa trong thế trận chung.
Vì muốn có được sự sáng sủa như thế, sự sáng sủa mà ông Park từng mang đến cho lứa U23 lịch sử ở Thường Châu, cho tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup… chúng ta phải chờ đợi, phải kiên nhẫn, thậm chí phải chấp nhận trả giá cho những nỗi đau, như ông thầy Hàn Quốc đề cập đến.
Nỗi đau ấy chính là di sản mà những người tiền nhiệm để lại cho ông. Nhờ kế thừa được nó, ông Park mới là “phù thuỷ” của chúng ta như bây giờ. Ông không bao giờ quên điều đó.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà ông Park so sánh lứa cầu thủ ông đang có với lứa Duy Mạnh, Công Phượng, Xuân Trường… Thực tế là không biết bao nhiêu năm sau nữa bóng đá Việt Nam mới có được một lứa trẻ nhưng trận mạc dạn dày đến vậy. Trước khi được thổi bùng lên bởi ngọn lửa Park Hang-seo, chính họ cũng đã thấm đầy đau khổ, thất vọng và cả cảm giác bị hắt hủi, để trưởng thành.
Họ là những người từng được kỳ vọng chinh phục châu Âu nhưng rốt cuộc ngã ngay cả ở bậc thềm thấp nhất ở SEA Games – những đứa con bầu Đức. Họ là những người bị chê trách, miệt thị sau mỗi giải đấu thảm hại của đội tuyển – những học trò của Hữu Thắng, Miura… Nếu không có những vết thương rỉ máu, làm sao họ trở thành người bất khả chiến bại như những ngày oanh liệt vừa qua?
U23 hiện tại chỉ có phân nửa là những cái tên thiện chiến cùng ông Park. Phần còn lại, hầu hết đều đang “ăn mày” thứ dĩ vãng rất mơ hồ là World Cup U20. Họ đến đó là một dấu son lịch sử, nhưng trở về rất đỗi bình thường và chìm hẳn trong hệ thống giải quốc nội. Họ, hoặc là một phần nhạt nhoà của V.League (Thái Quý, Việt Hưng), hoặc chỉ nổi lên ở hạng Nhất (Hoàng Đức, Đức Chiến), hoặc không biết bao giờ mới xuất hiện lại (Thanh Hậu, Trần Thành)…
Và ông Park nói đúng, khi những con người non trẻ ấy còn chưa biết thế nào là đau đớn, thì giới chuyên môn hay người hâm mộ cũng đừng nên kỳ vọng ở họ quá nhiều. Không có điều kỳ diệu nào từ trên trời rơi xuống!