Lịch sử để lại những con số khá “ám ảnh” khi chúng ta để thua tới 17 trận, hoà 4 và chỉ có 4 lần vượt qua Thái Lan ở cấp độ đội tuyển Quốc gia trong suốt 25 năm qua. Nhưng hôm nay, dưới thời HLV Park Hang-seo, với một tâm thế khác, tuyển Việt Nam sẵn sàng đập tan nỗi ám ảnh trong lịch sử này.
Đồ hoạ: Giang Nguyễn
Bàn thắng của Trương Việt Hoàng và lần đầu vượt qua người Thái
Kể từ SEA Games 1995 tới trước khi trận bán kết Tiger Cup 1998 (tiền thân của AFF Cup ngày nay) diễn ra, những cuộc đối đầu với Thái Lan chỉ toàn là niềm đau với người hâm mộ Việt Nam. Bốn trận đấu toàn thua, vào lưới nhặt bóng 13 lần và chỉ có vỏn vẹn 4 bàn thắng. Những con số ấy đủ cho thấy Thái Lan thời bấy giờ mạnh hơn đội tuyển Việt Nam đến dường nào.
Nhưng mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn từ sau trận đấu diễn ra vào ngày 3/9/1998, ngày mà hơn 22.000 nghìn khán giả có mặt trên sân Hàng Đẫy vỡ òa trong men say chiến thắng trước người Thái. Cú nã đại bác từ ngoài vòng cấm của Trương Việt Hoàng ở phút 17 cùng 2 bàn thắng trong của Nguyễn Hồng Sơn và Văn Sỹ Hùng ở hiệp 2 giúp “Những ngôi sao vàng” đả bại Thái Lan 3 bàn không gỡ, hiên ngang bước vào trận chung kết Tiger Cup lần đầu tiên trong lịch sử.
Trương Việt Hoàng (số 19 – ảnh trái) và Nguyễn Hồng Sơn là những cầu thủ trong thế hệ vàng lần đầu tiên đánh bại Thái Lan. Ảnh: BongdaPlus, Nguyễn Quang Minh
Dù không thể lên ngôi vô địch năm đó song chiến tích trên sân Hàng Đẫy ngày ấy vẫn mãi là mốc son đáng nhớ trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Cái ngày mà hàng triệu người dân Việt Nam đổ ra đường ăn mừng và cùng nhau hô to: “Việt Nam vô địch!”. Thế hệ ngày ấy của những Việt Hoàng, Hồng Sơn, Nguyễn Đức Thắng,… vẫn mãi được người hâm mộ chiều chuộng dành cho cái tên “Thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam.
Nỗi ám ảnh mang tên Thái Lan trong suốt 10 năm và bàn thắng ở phút 90+4 của Công Vinh trong trận chung kết AFF Cup 2008
Chiến tích Hàng Đẫy năm nào giờ chỉ còn là kỷ niệm để người hâm mộ Việt Nam lấy ra an ủi bản thân trong suốt 10 năm tiếp theo. Trong cuốn tự truyện “Phút 89” của mình, cựu tiền đạo Lê Công Vinh từng bộc bạch: “Tôi từng muốn giã từ đội tuyển quốc gia vì quá đau xót với những thất bại trước Thái Lan”. Đến một người giàu nghị lực và quyết tâm như Công Vinh còn từng có suy nghĩ như vậy thì đủ hiểu cái tên Thái Lan đã trở thành nỗi ám ảnh đến nhường nào với những người yêu mến bóng đá nước nhà.
Bởi lẽ kể từ năm 1999 tới trước trận chung kết AFF Cup 2008, đội tuyển Việt Nam sở hữu thành tích đối đầu tệ hại trước người Thái. Đó là 10 trận chỉ biết hòa và thua ở cấp độ ĐTQG trong mọi giải đấu mà hai đội tham dự. Cay đắng nhất trong số đó có lẽ là thất bại 0-2 tại SEA Games năm 1999 bởi đó được xem như cơ hội cuối cùng dành cho “thế hệ vàng” của Hồng Sơn, Huỳnh Đức có thể đem về tấm huy chương vàng SEA Games đầu tiên cho bóng đá Việt Nam.
Nhưng rồi đến khi rơi xuống tột cùng của sự thất vọng, các chàng trai Việt Nam của thầy “phù thủy” Calisto đã tạo ra một kỳ AFF Cup 2008 đầy mộng mơ cho người hâm mộ. Rũ bùn đứng dậy sau chuỗi thành tích bết bát, vượt qua nỗi ám ảnh mang tên Thái Lan để mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Cú đánh đầu ngược của Công Vinh ở phút cuối cùng giúp bóng đá Việt Nam lần đầu trở thành nhà vua của bóng đá Đông Nam Á. Và còn gì ngọt ngào hơn khi đó lại là chiến thắng trước đối thủ truyền kiếp Thái Lan. Cảm xúc bùng nổ trên khắp các khán đài, trên từng con phố của Việt Nam trong khoảnh khắc ấy thật không sao diễn tả thành lời.
Thái Lan đã dạy cho Việt Nam bài học về việc làm thế nào để trở thành một “ông lớn”
Thái bại trước Việt Nam tại chung kết 2008 thực tế không phải bởi Thái Lan yếu hơn Việt Nam. Chỉ là khi ấy, đoàn quân của HLV Calisto thi đấu quá kiên cường và được thần may mắn ủng hộ trong khoảnh khắc xuất thần của Công Vinh.
Bởi cũng chỉ 2 năm sau, vẫn những con người đó, đội tuyển Việt Nam đã không thể bảo vệ được ngôi vương và bị loại từ bán kết. Và cũng chỉ mất thêm 2 năm nữa, tại AFF Cup 2012, Thái Lan đã đòi lại món nợ năm nào bằng chiến thắng 3-1 tại vòng bảng. Nhưng đó chưa phải điều khủng khiếp nhất bóng đá Thái Lan khiến “Những chiến binh sao vàng” phải chịu đựng.
Duy Mạnh là một trong những chứng nhân cho thất bại tủi hổ của Việt Nam trước Thái Lan cách đây 4 năm. Ảnh: VFF
Lượt về vòng loại World Cup 2018, những Theerathon Bunmathan, Teerasil Dangda hay đặc biệt là Chanathip Songkrasin đã biến những cầu thủ Việt Nam trở thành những “gã hề” trong chiến thắng 3-0 của người Thái ngay tại Mỹ Đình. Có lẽ cho tới giờ này, những cầu thủ như Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh, Huy Hùng là những người thấu hiểu rõ nhất thất bại tối ngày 13/10/2015 ấy.
Để rồi sau đó, HLV trưởng đội tuyển Thái Lan, ông Kiatisuk đã phát biểu: “Phải 10 năm nữa, Việt Nam mới theo kịp Thái Lan”. Tuyên bố ấy chẳng khác nào con dao đâm thẳng vào trái tim những người yêu bóng đá Việt Nam. Và rồi nhiều người lại tự hỏi: “Bao giờ Việt Nam mới vượt qua cái bóng của Thái Lan”.
Nhưng Thái Lan ơi, xưa rồi…
Tất cả những câu chuyện trên, những ký ức đẹp hay những kỷ niệm buồn chẳng muốn nhắc lại ấy của người hâm mộ Việt Nam đã trở thành dĩ vãng. Bởi lẽ, vị thế của Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã khác xưa rất nhiều.
HLV Park Hang-seo đến Việt Nam và mang theo một luồng gió mới, giúp bóng đá Việt Nam vươn mình trở thành một thế lực tại Đông Nam Á và là “kẻ ngáng đường khó chịu” với các ông lớn trong châu lục. Chiến tích AFF Cup 2018 thể hiện sức mạnh tuyệt đối của “Những chiến binh sao vàng” so với các đối thủ trong khu vực.
Không chỉ trở thành vua của Đông Nam Á, Việt Nam đã và đang vươn tầm châu lục. Ảnh: Tiến Tuấn, Hiếu Lương
Nhưng trên con đường trải đầy hoa hồng ấy, chúng ta đã khiến người Thái cảm thấy “cay cú” như món lẩu của chính họ vậy. Dư luận Thái Lan cho rằng, Việt Nam lên ngôi vô địch là bởi chưa gặp Thái Lan. Và rồi, cuộc đối đầu tại King’s Cup hồi tháng 6/2019 như một cách để người Thái lấy lại thể diện.
Tuy nhiên, bàn thắng của Anh Đức đem về chiến thắng 1-0 trước Thái Lan và hành trình tại King’s Cup của Quế Ngọc Hải và các đồng đội đã chứng minh, đội tuyển Việt Nam giờ đã không còn bị nỗi ám ảnh Thái Lan bủa vây. Một Việt Nam bản lĩnh, một Việt Nam kiên cường và đầy tỉnh táo sẵn sàng đối diện với bất kỳ thách thức nào dù cho đó có là Thái Lan đi chăng nữa.
Trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan tại vòng loại World Cup 2022 trên sân Thammasat tối 5/9 sẽ là một cơ hội nữa, để thầy trò HLV Park Hang-seo thể hiện bản lĩnh ngay trên đất Thái. 25 năm là quá dài cho việc “lật đổ” cái bóng Thái Lan. Giờ là lúc Quang Hải cùng các đồng đội lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ, để fan lại có dịp tự hào tuyên hy vọng: “Quá khứ là của Thái Lan, nhưng hiện tại và tương lai sẽ thuộc về Việt Nam”.
Đối đầu với Thái Lan tại Vòng loại World Cup 2022 sẽ lại là cơ hội để đội tuyển Việt Nam thể hiện sự trưởng thành trong thời gian qua. Ảnh: Tiến Tuấn