Người biểu tình ở thủ đô Moskva, Nga, tuần hành để ủng hộ các ứng viên độc lập trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố Moskva vào tháng 9/2019 (Ảnh: Sputnik / Vladimir Astapkovich)
Nga và Trung Quốc có kế hoạch thảo luận về vấn đề “can thiệp từ nước ngoài” trong khi các cuộc biểu tình chống chính phủ leo thang tại Moskva và Hồng Kông.
Nga-Trung ủng hộ lẫn nhau trong vấn đề biểu tình ở Moskva và Hồng Kông
Moscow Times đưa tin, các nhà lập pháp Nga cho biết họ có kế hoạch cắt ngắn kỳ nghỉ hè để tiến hành thảo luận về sự can thiệp của các thế lực bên ngoài “vào những vấn đề nội bộ”. Nga đã cáo buộc Google dính líu đến việc làm lan truyền trên Youtube thông tin về cuộc biểu tình quy mô lớn được cho là thu hút gần 50.000 người tại thủ đô Moskva hồi đầu tháng này. Còn Bắc Kinh cáo buộc các quan chức và chính khách Mỹ phát đi nhiều thông điệp sai lầm cổ súy cho các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hồng Kông kéo dài từ tháng 6.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 9/8 nói rằng Moskva “đánh giá nghiêm túc” cáo buộc của Trung Quốc rằng các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây “tham gia trực tiếp và tổ chức biểu tình” tại Hồng Kông.
“Chương trình tham vấn với các đồng sự Trung Quốc đã được lên kế hoạch. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ trao đổi sớm với họ và thảo luận về vấn đề này,” bà Zakharova nói. “Tôi nghĩ việc để cho các cơ quan liên quan trao đổi thông tin là đúng đắn và hữu ích.”
Chính phủ Trung Quốc thể hiện đồng thuận với Nga trong cách thức xử lý các cuộc biểu tình tại thủ đô Moskva (Ảnh: BNGTQ)
Lãnh đạo thiểu số tại Hạ viện Mỹ Steny Hoyer đã bày tỏ ủng hộ những người biểu tình xuống đường ở Moskva để phản đối nhà chức trách tước bỏ quyền tham gia tranh cử của các ứng viên độc lập trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng 9, với lý do các ứng viên gian lận trong quá trình thu thập chữ ký cử tri.
Moskva cáo buộc Đại sứ quán Mỹ tại Nga can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, sau khi sứ quán đăng tải một bản đồ thể hiện cuộc biểu tình không được cấp phép của phe đối lập ngày 3/8. Bộ ngoại giao Nga cũng chỉ trích đài Deutsche Welle (Đức) vì kêu gọi người dân Nga tham gia vào biểu tình của phe đối lập.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục bảo vệ lập trường của chính phủ nước này về việc tái lập trật tự tại Hồng Kông và dẹp yên các cuộc biểu tình.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng ngày 20/8 chỉ trích Mỹ đứng sau ủng hộ làn sóng biểu tình kéo dài từ tháng 6 ở Hồng Kông nhằm phản đối dự luật cho phép dẫn độ tội phạm hình sự về Đại lục.
Ông Cảnh Sảng cho biết Trung Quốc đánh giá cao việc Moskva ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề Hồng Kông, giữa lúc Nga cũng đối diện với tình hình tương tự.
“Chúng tôi đồng thuận sâu sắc với lập trường của Nga,” ông Cảnh nói. “Gần đây ở Moskva xảy ra nhiều vụ tuần hành trái phép, chính phủ Nga đã áp dụng các biện pháp gìn giữ ổn định xã hội với đầy đủ căn cứ pháp luật. Nhưng điều gây bất an là một số nước phương Tây nhân lúc này để hành động tiểu xảo. Như phía Nga đã nói, đây là hành động can thiệp nội chính điển hình, là biểu hiện của chủ nghĩa bá quyền.”
“Tôi cần chỉ ra rằng, mưu đồ của một số thế lực nước ngoài tại Nga rất giống với những hành động của họ trong tình hình Hồng Kông thời gian gần đây.”
Người biểu tình phủ kín đường Causeway ngày 18/8, trong cuộc tuần hành từ Công viên Victoria đến khu Trung Hoàn (Ảnh: Photo: Edmond So/SCMP)
Trung Quốc sẽ hợp tác với Nga để bảo vệ lợi ích?
Tờ Newsweek (Mỹ) cho hay, giới chức cấp cao trong chính quyền tổng thống Donald Trump đã gặp gỡ một số nhân vật nổi bật để thể hiện sự ủng hộ với các cuộc biểu tình đối lập tại Hồng Kông. Ông Trump – trước sức ép của đảng Cộng hòa – thậm chí đã liên hệ số phận cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung với cách thức và kết quả xử lý của chính phủ Trung Quốc đối với các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Ông Trump cũng gợi ý chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ trực tiếp người biểu tình, và thúc giục Bắc Kinh “xử lý nhân đạo”.
Anh – quốc gia thuộc địa Hồng Kông trong khoảng 150 năm, cho đến năm 1997 – cũng bày tỏ ủng hộ người biểu tình Hồng Kông. Canada mới đây đã tham gia cùng Liên minh châu Âu (EU) để ra một tuyên bố kêu gọi “đối thoại bao quát và toàn diện” cũng như quyền “tự do hội họp”.
“Bất chấp lập trường nghiêm khắc của Trung Quốc, luật pháp quốc tế và những chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế, phía Canada đã nhiều lần đưa ra phát biểu vô trách nhiệm về sự vụ của Hồng Kông và can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc,” ông Cảnh Sảng phát biểu trong cuộc họp báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc tuần này.
Chính phủ Trung Quốc cũng chỉ trích các mạng xã hội Facebook và Twitter, khi các hãng này cáo buộc Bắc Kinh thao túng một số chiến dịch trực tuyến nhằm làm xấu người biểu tình Hồng Kông. Hai trang này đã đình chỉ hàng trăm tài khoản bị cho là đưa thông tin sai lệch về tình hình Hồng Kông.
Ông Cảnh Sảng tán đồng phát biểu của đồng cấp Nga Zakharova, cho rằng “sự can thiệp của các nước phương Tây vào công việc nội bộ Trung Quốc không chỉ ở lý thuyết, mà họ chống lại Trung Quốc bằng mọi cách”.
“Nga-Trung có lợi ích và yêu cầu chung trong vấn đề bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, gìn giữ ổn định và trật tự xã hội, phản đối can thiệp bên ngoài,” ông Cảnh nói trong cuộc họp báo ngày 20. “Trung Quốc sẵn sàng chung tay với Nga – dựa trên nhận thức chung quan trọng mà nguyên thủ hai nước đạt được – kiên định làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới; triển khai trao đổi tham khảo lẫn nhau, tăng cường hỗ trợ lẫn nhau, liên lạc hợp tác chặt chẽ, gìn giữ lợi ích chung trong các vấn đề quan tâm chung.”
Việc Trung Quốc liên hệ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông với biểu tình ở Moskva được xem là động thái “bình thường hóa” phản ứng cứng rắn mà Bắc Kinh có thể tiến hành để lập lại trật tự ở đặc khu hành chính.
Tham gia chương trình The World This Week của đài BBC hôm 18/8, Công sứ Trung Quốc tại Anh Trần Văn đề cập việc các phương tiện quân sự của nước này tập trung ở thành phố Thâm Quyến, gần biên giới với Hồng Kông.
Lặp lại phát ngôn trước đó của Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh, ông Trần tuyên bố “Nếu tình hình ở Hồng Kông phát sinh cục diện không thể kiểm soát thì chính phủ trung ương sẽ không ngồi nhìn. Căn cứ vào Luật cơ bản, chúng tôi có đầy đủ giải pháp và sức mạnh để nhanh chóng dập tắt bất kỳ bạo loạn nào.”
Trong diễn biến mới tại Hồng Kông, sau khi các cuộc tuần hành diễn ra cuối tuần qua được nhà tổ chức khẳng định là thu hút tới 1.7 triệu người tham gia, Trưởng đặc khu Carrie Lam ngày 20/8 đã thông báo chính quyền sẽ lập tức khởi động nền tảng đối thoại với các tầng lớp trong xã hội, nhằm tháo gỡ mâu thuẫn, thông qua đối thoại để thấu hiểu lẫn nhau và đưa Hồng Kông thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay.