Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga triển khai tại Syria. Ảnh: BQP Nga
Mỹ có thể thực hiện nghe lén điện thoại trên toàn thế giới nhưng trong việc vô hiệu hóa các thiết bị điện tử, hiện nay họ đã bị tụt hậu một khoảng cách khá xa so với quân đội Nga.
Từ mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Na Uy…
Na Uy không phải là quốc gia đầu tiên ở khu vực Scandinavia lo lắng về sự đe dọa của các tổ hợp tác chiến điện tử (EW) của Nga. Những tổ hợp này được bố trí gần biên giới Na Uy, đã “gây nhiễu” tín hiệu vệ tinh GPS và vấn đề này thực sự là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Na Uy.
Một thực nghiệm được thực hiện bởi các chuyên gia của Na Uy khi họ đã ghi lại được các tác động của việc gây nhiễu với các thiết bị vô tuyến bởi các tổ hợp tác chiến điện tử của Nga. Thậm chí có những hình ảnh cho thấy, nhiễu do các tổ hợp EW gây ra gần như bóp nghẹt hoạt động bình thường của tín hiệu GPS trong phạm vi bán kính từ 150 đến 200 km.
Đây là bằng chứng đầu tiên về tác động của các hệ thống EW đối với hoạt động của hệ thống GPS ở miền bắc Na Uy.
Cần lưu ý rằng Na Uy là một quốc gia nằm trong khối NATO, với vị trí địa lý chiến lược của mình, họ có khả năng theo dõi lối ra vào của tàu ngầm Nga qua biển Barents đến các đại dương trên thế giới.
Từ năm 2017, trước sự gia tăng căng thẳng với Nga, Mỹ đã tăng cường sự có mặt quân sự tại đây và hiện nay căn cứ quân sự của Mỹ tại Na Uy số lượng đã tăng gấp đôi. Ngoài ra, quân đội Mỹ đang xây dựng tại đây một trạm radar, nâng cấp một số sân bay và quân cảng Grotsund để có thể tiếp nhận tàu ngầm hạt nhân.
Với vị trí chiến lược quan trọng, kiểm soát toàn bộ lối vào Biển Bắc và là địa điểm thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận của khối NATO gần biên giới Nga và thật ngây thơ khi cho rằng, Nga bỏ qua các hoạt động trinh sát và gây nhiễu điện tử với khu vực này.
Quân đội Nga triển khai hệ thống tác chiến điện tử mặt đất “Krasnukha-4”
…đến mối lo lắng của các chỉ huy chiến trường NATO
Trung tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu bi quan khi cho rằng: “Các đơn vị tác chiến điện tử của Nga có khả năng làm tê liệt chỉ huy NATO tại Châu Âu”.
Còn Thiếu tướng Frank Gorenk, Tư lệnh không quân Mỹ thừa nhận: “Các phương tiện tác chiến điện tử mới nhất của Nga có thể làm tê liệt và vô hiệu hóa hầu hết các loại vũ khí, phương tiện chiến đấu công nghệ cao mà NATO đang sở hữu như trang thiết bị radar, vô tuyến, quang điện tử lắp đặt trên tên lửa, máy bay và chiến hạm…”.
Vì vậy, cũng dễ hiểu về sự hoảng loạn của quân đội Na Uy khi những tín hiệu GPS bị tắc nghẽn. Thậm chí họ còn đặt ra giả thiết về vụ va chạm của tàu Hải quân với một tàu chở dầu vào tháng 11 năm ngoái, là do tín hiệu vệ tinh GPS bị gây nhiễu.
Nhà bình luận quân sự Nga Vladislav Shurygin cho biết, quân đội Mỹ và NATO chưa từng chiến đấu trong hoàn cảnh bị chế áp điện tử, vì vậy họ thực sự không biết làm thế nào để hành động trong những tình huống như vậy. Họ không có chiến thuật và kỹ năng hành động trong trường hợp thông tin bị cắt đứt.
Người Mỹ có thể rất giỏi trong việc tổ chức tình báo vô tuyến, họ có thể thực hiện việc nghe lén điện thoại trên toàn thế giới nhưng trong việc vô hiệu hóa các thiết bị điện tử, hiện nay họ đã bị tụt hậu một khoảng cách so với quân đội Nga, ông Shurygin kết luận.
Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-2 của Nga được cho là đã triển khai tới Syria. Ảnh: IB Times
Đa dạng hóa các phương tiện chế áp điện tử
Trong những năm gần đây, các tổ hợp công nghiệp quân sự Nga đã trang bị cho quân đội của họ một loạt các thiết bị tác chiến điện tử, có thể vô hiệu hóa các cuộc tấn công của kẻ thù tiềm năng từ trên không, mặt đất và dưới nước.
Tổ hợp EW di động “Mercury-BM” được thiết kế để làm vô hiệu hóa các loại đạn pháo “thông minh” của đối phương. Một hệ thống này có thể bảo vệ một diện tích từ 20 đến 50 ha.
Còn hệ thống EW “Infauna” có tác dụng vô hiệu hóa các ngòi nổ của tên lửa không đối đất và vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao, cũng như chế áp các thiết bị chỉ huy, điều khiển và liên lạc của đối phương.
Tổ hợp EW “Khibiny” được lắp trên các phương tiện hàng không, như máy bay ném bom Su-34, máy bay chiến đấu Su-30SM khiến máy bay trở nên vô hình trước các phương tiện trinh sát vô tuyến điện tử. Các hệ thống di động “Krasnoyha-4” và “Moscow-1” có thể làm tê liệt tất cả các loại vũ khí tấn công và phòng thủ.
Được biết tổ hợp Krasnoyha-4 trong bán kính 300 km có thể làm tê liệt những thiết bị như vệ tinh gián điệp, radar mặt đất, máy bay chỉ huy, cảnh báo sớm trên không AWACS, hệ thống thông tin liên lạc và EW của đối phương khiến vũ khí Nga hoàn toàn vô hình. Hệ thống cũng có thể chặn hoặc chiếm quyền điều khiển các loại máy bay không người lái.
Moskva-1 có thể theo dõi và bám bắt tất cả các mục tiêu trên không ở khoảng cách 400 km. Ảnh: Army Recognition
Tổ hợp “Moscow-1” làm việc theo nguyên lý quét điện tử thụ động (không phát sóng vô tuyến), phát hiện các phương tiện bay khi dò theo bức xạ phát ra từ mục tiêu. Mục tiêu bị phát hiện không chỉ là máy bay, tên lửa mà cả các loại đạn pháo. Khả năng phát hiện các mục tiêu trên không đến khoảng cách 400 km.
Tháng 4/2017, quân đội Mỹ đã phóng 59 tên lửa Tomahawk vào sân bay quân sự Al-Shayrat để đáp trả việc Syria bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học ở tỉnh Idlib. Theo ghi nhận, 36 tên lửa Tomahawk đã không đến được mục tiêu và rơi xuống biển.
Các nhà phân tích quân sự nghi ngờ rằng số tên lửa bị rơi là do tác động của các hệ thống EW Krasnukha-4 của Nga đang hiện diện tại Syria. Số tên lửa còn lại tuy đến được mục tiêu, nhưng không gây ra thiệt hại đáng kể cho mục tiêu, do sự can thiệp hạn chế từ các trạm EW của Nga tại đây.
Một hệ thống EW khác của Nga là Leer-3, có khả năng chặn hoàn toàn liên lạc của bất kỳ thiết bị di động nào hoạt động trên băng tần GSM và gửi tin nhắn giả. Hệ thống này hiện cũng được tích hợp vào cùng với hệ thống Krasnukha-4.
Leer-3 còn được gọi với tên khác là “Máy gây nhiễu các thiết bị đầu cuối của thuê bao thông tin di động hoạt động trên băng tần tiêu chuẩn GSM”.
Nguyên lý hoạt động của Leer-3 là mô phỏng hoạt động của trạm gốc (BTS) của mạng di động, bằng cách sử dụng một máy phát nhiễu lắp trên máy bay không người lái Orlan-10. Một hệ thống Leer-3 có 2 chiếc Orlan-10 thay nhau hoạt động liên tục, hoặc khi cần thiết để nâng công suất chế áp, 2 chiếc có thể hoạt động đồng thời một lúc.
Tổ hợp Leer-3 được lắp trên khung gầm xe vận tải quân sự KAMAZ-5350, nhìn bên ngoài, thiết bị trông giống một xe công trình, chuyên làm nhiệm vụ sửa chữa lưu động. Chỉ đến khi triển khai, radar của Leer-3 mới nhô ra.
Gần đây Nga (cụ thể là công ty điện tử quốc phòng hàng đầu KRET -Radioelectronic Technologies Concern) đã phát triển một loại vũ khí vũ khí xung mạch điện từ (EMP) có tên là Alabuga.
Về nguyên tắc hoạt động của vũ khí EMP là khi phát nổ sẽ tạo ra một trường điện từ cực lớn (giống như nguyên lý vụ nổ bom hạt nhân), phá hủy các lưới điện, gây nghẽn mạch và phá hủy về mặt vật lý các thiết bị điện tử trong phạm vi tác chiến, gây ra những tổn thất rất nghiêm trọng cho các thiết bị chỉ huy, điều khiển trên diện tích tích 3,5 km2 chỉ với một lần tấn công.
Trên thực tế, đây là một tên lửa mang các thiết bị điện tử. Bản thân tên lửa chỉ là một phương tiện mang phóng và rất có thể, nó là một tên lửa hành trình của gia đình tên lửa Calibre lừng danh, có thể hoạt động cả trên biển và trên mặt đất.
Vũ khí EMP hiện đang được Nga hết sức quan tâm đầu tư phát triển. Đây là một loại vũ khí sát thương mềm, không gây hủy diệt môi trường xung quanh bằng sóng xung kích từ những vụ nổ hoặc sát thương của những mảnh đạn nhưng hiệu quả của nó đem lại tương đương với một cuộc tấn công hạt nhân cỡ trung bình.
Theo nhà sáng lập cổng thông tin điện tử quân đội Nga và là cây bình luận quân sự nổi tiếng Dmitry Kornev, vũ khí điện từ là sự phát triển của tư tưởng quân sự mới. Những thử nghiệm cho thấy, có thể các chuyên gia điện tử của KRET đã thực hiện một bước đột phá trong những công nghệ then chốt của vũ khí điện từ.
Các nhà khoa học Nga giải quyết được vấn đề quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ, cản trở sự phát triển của vũ khí điện từ, đưa Nga trở thành quốc gia hàng đầu trong phát triển vũ khí trên những nguyên tắc vật lý mới./.
Giới thiệu tính năng hệ thống tác chiến điện tử Krasukha 4 của Nga