Chuẩn tướng Hossein Salami, Tư lệnh lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Ảnh: ATTA KENARE | AFP | Getty Images
Hôm 19/5, lãnh đạo lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố Iran không muốn gây chiến với Mỹ.
Trả lời trên cơ quan truyền thông địa phương Fars, Chuẩn tướng Hossein Salami – Tư lệnh của IRGC – tuyên bố: “Điểm khác biệt giữa họ [Mỹ] và chúng ta là họ rất sợ chiến tranh và không có ý chí để gây chiến”.
Trước đó, ông Salami cũng có lời chỉ trích và mỉa mai nước Mỹ: “Hệ thống chính trị của Mỹ đầy lỗ hổng. Mặc dù nhìn bên ngoài rất đáng kinh ngạc, nhưng thực chất lại như mắc bệnh loãng xương vậy. Trên thực tế, nước Mỹ giống như tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới. Chỉ cần một cú đấm bất ngờ, Mỹ sẽ sụp đổ”.
Lời chỉ trích của ông Salami được đưa ra vài tuần sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump liệt IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố. Đây là lần đầu tiên một tổ chức quân sự của chính phủ nước ngoài phải nhận “danh xưng” này.
Lời bình luận được đưa ra giữa lúc căng thẳng leo thang giữa Tehran và Washington chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, và vài ngày sau khi lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn thực hiện cuộc tấn công bằng drone nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi. Mỹ sau đó đã rút hầu hết các nhân viên ngoại giao khỏi Iraq, với lí do rằng các báo cáo tình báo cho thấy Iran đã tăng cường đe dọa và triển khai thêm nhiều cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở quốc gia này.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã có cuộc gặp với một số các lãnh đạo nước ngoài và phủ nhận khả năng chiến tranh. “Sẽ không có cuộc chiến nào xảy ra bởi cả hai quốc gia đều không muốn chiến tranh, và cũng chẳng ai có ý nghĩ hay ảo tưởng rằng có thể đối đầu được với Iran trong khu vực,” ông Zarif trả lời truyền thông địa phương.
Tuần lễ căng thẳng
Việc hai nước tăng cường các hoạt động quân sự đã khiến các quan sát viên khu vực và đồng minh của Mỹ lo ngại rằng một sự tính toán sai lầm cũng khiến mâu thuẫn toàn diện bùng nổ.
Tuần trước, máy bay ném bom và tàu sân bay của Mỹ đã tới vịnh Ba Tư với lí do “có những lời đe dọa lớn” từ Iran.
Đầu tháng này, Iran thông báo sẽ kết thúc một số điểm then chốt trong thỏa thuận hạt nhân hồi năm 2015 – quay lại làm giàu uranium và tích trữ hạt nhân – nếu các nước châu Âu tham gia kí kết không chịu cứu vãn ngành dầu mỏ và ngân hàng của Iran hiện vẫn bị cấm vận làm tổn hại nặng nề.
Chính quyền ông Trump đã xiết chặt xuất khẩu dầu mỏ Iran và ngành công nghiệp kim loại của nước này trong chiến dịch “áp lực tối đa”. Động thái của Mỹ đã khiến các lãnh đạo Iran phải mô tả tình hình kinh tế đất nước này đang trải qua thời kì khó khăn hơn thời chiến tranh Iraq-Iran hồi những năm 1980.
Mặc dù một số người cho rằng áp lực có thể buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán, nhưng hầu hết các nhà phân tích đồng ý rằng Tehran sẽ không sớm “đầu hàng”. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói sẵn sàng nhận lời điện đàm từ chính phủ của ông Rouhani.
Các báo cáo nội bộ cho thấy cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã sẵn sàng cho kế hoạch chiến tranh với Iran mặc dù ông Trump vẫn tỏ ra do dự. Hai bên Iran-Mỹ đã khẳng định không muốn chiến tranh và mong muốn có giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng những yêu cầu cứng nhắc từ cả hai nước sẽ không giúp đưa ra được giải pháp thích hợp nào để Iran – Mỹ rút lui.