Trở lại với những dãy núi cao miền biên giới, nơi quanh năm chìm trong mây ngàn chúng tôi lại một lần nữa được chứng kiến và thấu hiểu những vất vả, thiếu thốn mà thầy và trò ở Tri Lễ đang trải qua. Hành trình con chữ của thầy và trò ở nơi này chưa bao giờ là một con đường bằng phẳng.
Những con đường đất trơn, nhỏ xíu, chỉ đủ cho 1 chiếc xe máy chạy, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, thầy giáo phụ trách việc chở tôi vào bản là một người có dày dặn kinh nghiệm đi đường núi, biết vậy nhưng không ít lần tôi tái mét mặt mày vì những pha đổ dốc đầy rủi ro. Đoạn lên con dốc cao thầy ra hiệu lệnh: “Anh chúi người về phía trước để lấy đà lên dốc nhé! Không sao đâu!”.
Tôi nhẹ nhàng đáp: “Thôi thầy cho em xuống đi bộ!”.
Những con đường nguy hiểm dẫn vào Tri Lễ.
Mỗi ngày đến trường là một “cuộc chiến”
Học sinh Việt Nam vẫn quen thuộc với khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, thế nhưng với thầy trò ở vùng núi Tri Lễ thì mỗi ngày đến trường, để có được niềm vui thì thật sự phải qua một “cuộc chiến”, cuộc chiến với ý chí và cả tính mạng của bản thân. Đoạn đường từ thị trấn Châu Thôn vào đến điểm trường chính của trường tiểu học Tri Lễ 4 chỉ vỏn vẹn 15km nhưng thời gian để đi hết cái hành trình đó là cả một câu chuyện dài đôi khi ngồi kể cả ngày không hết. Tôi gần như kiệt sức và chưa hết bàng hoàng khi chiếc xe máy chính thức dừng lại trong sân trường. May mắn hôm nay là ngày khô ráo, nếu ngày mưa tôi không dám tưởng tượng đường đi sẽ gian nan đến thế nào!?
Câu chuyện về ngôi trường gần 40 năm chỉ có thầy giáo mà không có một bóng hồng nào ở vùng Tri Lễ này hẳn đã không còn xa lạ gì với độc giả cả nước. Bởi hành trình vượt qua những gian khó để cõng con chữ lên vùng cao miền biên giới đã truyền cảm hứng cho rất nhiều trái tim người Việt.
Mỗi ngày đến trường các thầy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Buổi chiều hôm đầu tiên ở Tri Lễ, tôi theo chân nhóm thầy Sáng vào rừng đào măng đắng. Vốn đã quá quen với việc đi rừng, các thầy thoăn thoắt băng từ mảnh rừng này đến mảnh rừng khác, chẳng mấy chốc đã đào được một bao đầy. Nghỉ chân bên mé rừng các thầy tâm sự: “Ở trong bản, người dân vẫn quen với lối sống tự cung tự cấp vì vậy quanh đây không có chợ hay tiệm tạp hoá, chúng tôi thường vẫn phải đem thức ăn lên vào mỗi đầu tuần, nhưng dùng 2 – 3 hôm là hết, vì vậy phải trông cậy vào nguồn thức ăn thiên nhiên như cá dưới suối, chuột rừng, rau rừng hay măng đắng…”. Ở nơi này cái ăn cũng là một cuộc chiến mà đôi khi những “chiến sĩ thầy giáo” phải luôn nỗ lực để bữa ăn không quá nghèo nàn.
Ngó vất vả là vậy, nhưng sống trong cái khổ lâu dần cũng quen, các thầy chấp nhận những thiếu thốn này như một phần của cuộc sống mà những học trò mình cũng đang phải trải qua mỗi ngày, hiểu vậy để thương các em nhiều hơn. Không ít lần các em học sinh ngất trong lớp vì đói, chính các thầy phải pha nước đường rồi lấy cơm cho các em ăn, hay những lúc học trò chóng mặt, đau bụng các thầy kiêm luôn vai trò làm bác sĩ để sơ cứu cho các em. Tôi nói đùa: “Ở Tri Lễ, thầy giáo cũng như mẹ hiền”.
Các thầy cười bảo: “Ở trên này các em không rành tiếng Kinh, nên không biết cô giáo đâu, hễ có cô nào ghé thăm trường thì tụi nhỏ đều gọi là thầy tóc dài”.
Thương học trò các thầy cũng quen dần với điều kiện thiếu thốn.
Tiếng cười đùa vẫn rôm rả từ ngoài suối vào tận căn bếp nhỏ, các thầy mỗi người một tay phụ nhau nấu bữa cơm tối. Trăng mười lăm tròn vành vạnh chiếu sáng cả một khoảng sân rộng, chúng tôi ngồi bên mâm cơm đạm bạc giữa núi rừng, nghe tâm mình bình yên đến lạ, có những thanh bình mà không phải nơi nào cũng hiện hữu.
Tuổi xuân lặng lẽ sau những cánh rừng già
“Phải sống xa gia đình, sống trong điều kiện thiếu thốn, đường đi thì nguy hiểm, đôi khi đe doạ cả tình mạng, vậy điều gì đã đã giữ chân thầy ở lại nơi này suốt 10 năm qua?” – tôi hỏi thầy Khoa, một trong những thầy giáo người miền xuôi hiếm hoi gắn bó với mảnh đất Tri Lễ xa xôi này. Thầy Khoa lặng nhìn vào thinh không, có lẽ chặng đường 10 năm qua không hề là một câu chuyện có thể kể vỏn vẹn vài giờ đồng hồ ngắn ngủi, “Vì cuộc sống của bản thân và gia đình mình” – thầy buông nhẹ câu nói, gọn gàng nhưng đầy tự sự.
44 thầy giáo ở Tri Lễ là 44 cuộc đời, 44 câu chuyện khác nhau, nhưng có lẽ câu chuyện của thầy Nguyễn Văn Khoa (SN 1983) vẫn luôn đem đến cho tôi nhiều cảm xúc. Nhà thầy Khoa ở thị xã Hoàng Mai (Quỳnh Lưu) cách trường tiểu học Tri Lễ 4 (Quế Phong) hơn 200km, đều đặn hơn 10 năm qua thầy vẫn miệt mài vượt hơn 200km đường lộ lẫn đường núi để đến trường dạy con chữ. Còn nhớ những năm đầu vào dạy học, lúc bấy giờ chưa có đường cho xe máy vào, thầy Khoa gửi xe ngoài Châu Thôn rồi đi bộ mất nửa ngày trời mới vào đến trường, thế nên đôi khi phải ở lại trường 1 tháng hoặc 2 tháng mới về thăm nhà 1 lần.
Ngày đó điện không có, sóng điện thoại càng không nên việc liên lạc về gia đình là điều vô cùng khó khăn. Hễ gia đình có chuyện gì thì chỉ có thể viết thư rồi nhờ ai đó chuyển vào giùm. Những đêm mùa đông ở cổng trời Tri lễ lạnh tê da, nỗi cô đơn cùng cực vây lấy chàng giáo viên trẻ, khóc vì nhớ nhà, khóc vì cảm thấy lạc lõng. Chẳng ai muốn chôn chân mình ở nơi rừng thiêng nước độc này, nơi mà các thầy nói mọi người không hiểu và ngược lại người dân nói mình cũng không hay.
“Nhưng vì cuộc sống buộc phải bỏ qua hết những buồn tủi mà cố gắng vượt qua khó khăn. Ở miền xuôi không còn biên chế, vì vậy tôi quyết định xin lên đây để dạy hợp đồng. Đó là cách duy nhất để tôi ở lại với nghề và có thể nuôi sống bản thân và gia đình” – thầy Khoa tâm sự.
Đôi khi chúng ta không có quyền lựa chọn con đường mà mình đi, nhưng có quyền lựa chọn cách sẽ đi trên con đường đó. Vượt qua những khó khăn bằng sự lạc quan chính là cách mà thầy Khoa đã chọn để đi trên con đường của mình. Thầy thích hát và luôn cười tít mắt khi kể về những học trò. Chính tình cảm chân thành với những đứa trẻ ngây ngô ở mảnh đất này đã giữ chân thầy ở lại với Tri Lễ suốt 10 năm qua.
Đôi khi chúng ta không có quyền lựa chọn con đường mà mình đi, nhưng có quyền lựa chọn cách sẽ đi trên con đường đó.
“Vậy điều gì mà thầy cảm thấy nuối tiếc nhất trong những năm tháng tuổi trẻ của mình?” – tôi hỏi, thầy Khoa không mất quá nhiều thời gian để trả lời: “Đó là không thể dành nhiều thời gian để ở bên gia đình!”.
Ngừng một chốc, thầy nói tiếp: “Từ ngày lập gia đình, mọi công việc nặng nhẹ trong nhà đều do vợ gánh vác. Mỗi lần về thăm nhà là thấy con mỗi khác, mỗi lớn lên, dù ở xa bố nhưng các con vẫn luôn yêu thương và thấu hiểu cho công việc của bố” – những giọt nước mắt trực trào trên khoé mắt khi anh nhắc về cậu con trai nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh, và khi anh chợt nhớ rằng để hoàn thành nhiệm vụ của một người thầy anh đã không thể làm tròn bổn phận của một người cha.
Đôi khi không thể trọn vẹn được thiên chức làm bố của mình.
Đánh đổi là một điều mà những thầy giáo ở đây phải lựa chọn, tôi vẫn nhớ buổi chiều ngồi ở sân trường Huồi Xái 2, thầy Lang Văn Lịch (SN 1993) đã kể:“Đây là năm đầu tiên em lên đây để dạy học, cảm giác cô đơn lắm, ở nhà thì điện đài, internet đầy đủ lên đây thì cái gì cũng thiếu, buổi tối chỉ nằm nghe nhạc rồi đi ngủ sớm. Ở đây có thầy hơn 40 tuổi mà không có vợ mà, tụi em vào đây là cũng xác định trước nguy cơ ế rồi” – nói rồi thầy cười, cười nhưng không giấu được cái tủi thân của những người trẻ, đầy nhiệt huyết thanh xuân giữa núi rừng hùng vĩ.
Những cánh chim trời bay đi muôn nơi
Mùa đông ở Tri Lễ sương mù dày đặc tầm nhìn rất hạn chế, vì vậy việc học tập trong một môi trường thiếu ánh sáng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giảng dạy cũng như tiếp thu bài. Chưa kể điều kiện vệ sinh thiếu thốn sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Các thầy vẫn thường xuyên tự thân vận động, xin áo ấm ở miền xuôi để học trò được ấm áp trong những ngày đến trường giá lạnh. Tuy nhiên chuyện học hành đối với người đồng bào vẫn chưa được xem trọng. Ở đây trẻ em 4 tuổi đã phải biết trông em, lớn hơn 1 tí là phải theo bố mẹ ra đồng, lên nương, làm sao có đủ thời gian để học chữ.
Thầy giáo chỉ mong các em có thể học được con chữ để tìm thấy ánh sáng của cuộc đời mình.
Đó là chưa kể đến những hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại gây cản trở rất nhiều trong quá trình học tập. “Ở đây các em hay tảo hôn, chưa đủ tuổi mà đã lập gia đình, hệ luỵ là hạnh phúc gia đình không trọn vẹn, kinh tế thì không ổn định. Hủ tục cướp vợ vẫn tồn tại, gây ra rất nhiều câu chuyện thương tâm, đôi khi phải dùng đến lá ngón để kết thúc. Mình thật sự không mong các em có thể trở thành những người tài giỏi vượt trội, chỉ mong các em có thể biết đọc biết viết, để có thể học hỏi những điều mới mẻ, giữ gìn nét đẹp của dân tộc mình và bỏ bớt những hủ tục lạc hậu” – thầy Mùi chia sẻ.
Thầy Khoa bảo: “Ít ra khi đọc được cái chữ các em có thể đón đúng chuyến xe đi Vinh, mà không bước lên nhầm chuyến. Hay biết tính toán cơ bản để khi đem đồ xuống chợ bán không bị thua thiệt. Hay đơn giản như biết dùng đúng liều lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt để không gây ảnh hưởng đến cây trồng…chỉ thay đổi những điều nhỏ nhỏ đó thôi cũng có thể cải thiện đời sống của gia đình các em sau này”.
Cũng giống như việc chúng ta học ngoại ngữ để có thể bước ra thế giới, những em nhỏ ở nơi này chúng cũng cần trang bị kiến thức để bước ra khỏi những cánh rừng bạt ngàn học hỏi thêm những điều hay và trở về phát triển quê hương. Các em như những cánh chim trời khát khao được vượt qua những ngọn núi, thế nhưng hành trình đó vẫn còn lắm gian nan!
WeChoice Awards 2018 xin gửi lời cảm ơn chân thành đến nhà tài trợ chính Công ty Điện tử Samsung Vina đã đồng hành cùng chúng tôi trong dự án “Mặt trời mơ ước” của WeDo.
WeChoice Awards 2018 là một giải thưởng thường niên được tổ chức nhằm mục đích tôn vinh những con người, kể những câu chuyện đầy cảm hứng, lan tỏa và hướng mọi người đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
WeChoice Awards hi vọng rằng các nhà tài trợ sẽ tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng chúng tôi ở những mùa giải tiếp theo.