Trung tướng Không quân VeraLinn Jamieson từng phải thừa nhận, Không phận Iraq và đặc biệt là Syria thực sự đã trở thành “kho báu” để Nga nghiên cứu hoạt động tác chiến của Mỹ.
Việc Nga điều động một số lượng lớn các phương tiện vũ khí hiện đại tham gia cuộc chiến chống khủng bố ở Syria được cho là đã mang lại cho Mỹ một cơ hội vô giá để nghiên cứu về các chiến dịch quân sự mà Moscow triển khai cũng như thu thập được nhiều thông tin rất có giá trị.
Các nhà hoạch định chiến lược quốc phòng Mỹ coi Nga là một trong 4 đối thủ lớn và thực tế cũng là một trong những cường quốc về công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới. Vì thế, những thông tin tình báo thu thập được về các khả năng quân sự của Nga và tính năng hoạt động của các phương tiện chiến đấu mới nhất được Mỹ và các nước phương Tây đáng giá rất cao.
Bình luận về vấn đề này, Trung tướng Jeffrey Harrigian – Chỉ huy Bộ tư lệnh Trung tâm Không quân Mỹ từng cho biết: “Chắc chắn chúng tôi đã học được rất nhiều thứ về các khả năng của Nga ở Syria. Tôi không muốn đi vào chi tiết nhưng có một số thứ chúng tôi biết mình phải tận dụng, trên cả khía cạnh tình báo và hệ thống vũ khí”.
Nhận xét về những kết quả mà Nga có thể thu nhận được từ cuộc chiến ở Syria, chẳng hạn như việc Moscow thử nghiệm vũ khí mới nhất hay kinh nghiệm chiến đấu quý giá mà các phi công nước này đã trải qua, tướng Harrigian phải thừa nhận:
“Rõ ràng người Nga đã tận dụng chiến trường Syria như một cơ hội để kiểm nghiệm các khả năng của họ, qua đó biết được họ đang ở mức độ nào, không chỉ trên khía cạnh vũ khí mà quan trọng hơn là con người, bởi binh lính Nga đã được luân chuyển trải nghiệm chiến đấu tại đây, cả trên không và trên bộ”.
Tiêm kích bom Su-34 Su-34 (trước) và cường kích Su-24 của Không quân Nga
Mặc dù lực lượng không quân của Nga ở Trung Đông còn tương đối nhỏ so với các đối thủ nhưng Moscow đã triển khai tới đây những máy bay chiến đấu tinh nhuệ nhất như Su-24, Su-30, MiG-29SMT, Su-34, Su-35, Su-25 cùng khá nhiều trực thăng và phương tiện hỗ trợ khác.
Đô đốc Kuznetsov, tàu sân bay duy nhất cũng đã được Nga triển khai tới tham chiến tại Syria, dù chỉ trong thời gian ngắn. Nhờ đó, phi công hải quân Nga và các thủy thủ đã được trải nghiệm hoạt động trong các điều kiện chiến đấu thực tế.
Ngoài ra, nhiều phương tiện chiến đấu khác cũng đã được Nga điều tới Syria “thử lửa”, trong đó có các máy bay ném bom chiến lược tầm xa, tàu ngầm mang tên lửa hành trình cùng hàng loạt các hệ thống vũ khí khác cũng lần đầu lâm trận như hệ thống phòng không Pantsir-S1, tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa Kh-101 trang bị cho máy bay ném bom Tu-160.
Syria – kho báu công nghệ Mỹ “dâng tặng” cho Nga?
Trong khi hoạt động bên cạnh các lực lượng Nga tại Syria, Quân đội Mỹ có cơ hội đánh giá về khả năng của Moscow thì ở chiều ngược lại, các lực lượng vũ trang Nga cũng gặt hái được đáng kể từ việc theo dõi hành động của các lực lượng Mỹ. F-22 Raptor là một trường hợp điển hình.
Trung tướng Không quân Mỹ VeraLinn Jamieson từng cho biết hồi tháng 1/2018 rằng, các máy bay F-22 ở Syria đã mang lại cho Nga một cơ hội vô giá để theo dõi cách thức hoạt động của Raptor.
Tiêm kích F-22 Raptor của không quân Mỹ
“Không phận Iraq và đặc biệt là Syria thực sự đã trở thành kho báu để họ nghiên cứu hoạt động của chúng ta. Đối thủ đang theo dõi chúng ta và họ học tập được từ chúng ta. Người Nga đã gặt hái được những thông tin vô giá khi hoạt động bên cạnh chúng ta ở Syria”.
F-22 bị Mỹ cấm xuất khẩu – một biện pháp nhằm bảo vệ các bí mật công nghệ nên việc nghiên cứu được khả năng của một loại máy bay chiến đấu thế hệ kế tiếp như F-22 thực sự là một cơ hội độc nhất và vô giá, đặc biệt khi Nga cũng đang trong quá trình phát triển một phiên bản cùng thế hệ – tiêm kích tàng hình Su-57.
Một nguồn thông tin giá trị nữa cần phải nhắc tới đó là việc Nga có thể đã thu thập được những bí quyết công nghệ từ các tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa tấn công từ ngoài ô phòng không đối phương (JASSM) khi chúng đã không kích nổ trong vụ liên quân tấn công Syria hồi tháng 4/2018 mà Quân đội Syria sau đó đã chuyển giao cho Nga nghiên cứu.
Tổng thống Syria Bashar Assad ngồi thử buồng lái Su-35 tại căn cứ Khmeimim