Từng bước hình thành thói quen thưởng thức nghệ thuật có trách nhiệm

Chương trình hát Dân ca Quan họ trên thuyền phục vụ nhân dân tại thành phố Bắc Ninh được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện từ năm 2017 đến nay nhằm tuyên truyền, quảng bá di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh, tạo ra sản một phẩm du lịch hấp dẫn, đặc thù, riêng có của thành phố miền Quan họ.

Thực tế, thời gian đầu tổ chức, các chương trình diễn xướng Quan họ trên thuyền thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng khán giả trong và ngoài tỉnh, trong đó có rất nhiều khán giả trẻ. Đáng nói là, thông qua các nền tảng trực tuyến, nhiều đồng bào xa Tổ quốc có cơ hội được thưởng thức những giai điệu quê hương đặc sắc và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sức hút của chương trình đang giảm dần, cho thấy việc biểu diễn phục vụ miễn phí không giúp thu hút sự quan tâm của công chúng, mà còn không hình thành được thói quen thưởng thức nghệ thuật có trách nhiệm trong khán giả.

Khán giả xếp hàng nhận vé miễn phí khi vào xem biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh (khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh).

 

Kể từ tháng 5-2023, được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh định kỳ tổ chức diễn xướng Quan họ trên thuyền vào ngày mồng 1 âm lịch hàng tháng tại hồ Vua Bà và biểu diễn trên sân khấu trong hội trường lớn của Nhà hát Dân ca Quan họ vào tối thứ Bảy. Đây đều là các chương trình phục vụ miễn phí nhân dân và du khách thập phương. Mục tiêu của các chương trình nhằm tuyên truyền, quảng bá vẻ đẹp của di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh; thu hút công chúng đến Nhà hát, kích thích sự quan tâm, tìm hiểu văn hóa Quan họ, từng bước tạo lập thói quen, tâm lý đến nhà hát để thưởng thức nghệ thuật trong các tầng lớp nhân dân.
Đối với các chương trình biểu diễn trong hội trường lớn của Nhà hát vào các tối thứ Bảy. Ban Tổ chức luôn bố trí một bàn trực phát vé miễn phí ngoài sảnh, có người hướng dẫn, bảo đảm an ninh trật tự. Khán giả đến xếp hàng nhận vé có đánh số vị trí ghế ngồi và lần lượt di chuyển vào hội trường. Ghi nhận qua một số đêm diễn thấy lượng khán giả đến rất đông, không những lấp đầy hơn 300 ghế trong hội trường, mà có nhiều khán giả sẵn sàng đứng xem ở lối vào… Trong không gian nghệ thuật chuyên nghiệp với vẻ đẹp lấp lánh của ánh đèn sân khấu và sự chỉn chu, hầu hết khán giả đều cảm thấy được thư giãn và hài lòng.
Lần đầu được thưởng thức Quan họ trong không gian Nhà hát sang trọng, chị Nguyễn Thị Vân, 35 tuổi, ở phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh thấy có nhiều sự khác biệt, hấp dẫn và thú vị hơn nhiều so với các chương trình biểu diễn Quan họ mà chị từng được xem trước đó ở những lễ hội lớn. “Tôi thực sự rất thích. Các nghệ sĩ hát hay, chuyên nghiệp hơn. Không gian nhà hát vừa vặn, lịch lãm và khá phù hợp với Quan họ. Lần sau tôi sẽ đưa bố mẹ đến thưởng thức. Tôi nghĩ, nếu bán vé ở mức phù hợp, khán giả chúng tôi sẵn sàng mua vé” – chị Vân chia sẻ sau khi trải nghiệm một đêm biểu diễn Quan họ đặc sắc.
Dù biết chắc chắn là chương trình biểu diễn phục vụ miễn phí nhưng nhiều khán giả bày tỏ, họ đều có sự chuẩn bị sẵn sàng để thay bằng việc mua vé, sẽ được đón nhận những miếng trầu cánh phượng hoặc được mời bánh, mời trà… tạo cơ hội cho họ được bày tỏ tình cảm, sự trân trọng với lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ. Bởi theo nhiều khán giả, việc chi trả một khoản tiền phù hợp để được giải trí, tận hưởng một không gian nghệ thuật xứng đáng, thỏa mãn cảm xúc là hoàn toàn bình thường và chính đáng.
Chia sẻ từ hàng ghế khán giả trong đêm diễn tối ngày 24-7-2023, anh Nguyễn Trọng Tiến, 38 tuổi đến từ Hà Nội hào hứng: Chúng tôi sẵn sàng chi một khoản tiền phù hợp để được trải nghiệm chương trình nghệ thuật chất lượng như thế này. Khi nghệ thuật cũng là một sản phẩm hàng hóa, khán giả trở thành khách hàng thì việc quyết định đón nhận hay từ chối sản phẩm đó nếu như họ thấy phù hợp hoặc ngược lại. Tôi cho rằng việc mua vé xem nghệ thuật là một nếp sống văn minh cần được tạo dựng. Đó cũng là cách thể hiện sự trân trọng đối với lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ, tạo động lực cho họ tìm tòi sáng tạo, đổi mới để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
Công chúng khán giả là một trong ba yếu tố quan trọng (Tác giả-Nghệ sĩ-Khán giả) tạo nên sức sống của các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là với nghệ thuật truyền thống. Nếu cứ giữ mãi thói quen nghe, xem, thưởng thức nghệ thuật miễn phí, về lâu dài chẳng những không “kích cầu” được sự phát triển, mà nhiều khi còn “lợi bất cập hại” khi các chương trình không được đầu tư xứng đáng sẽ dẫn đến nhàm chán, đơn điệu… Chính bởi vậy, khi khán giả mua vé để thưởng thức những chương trình nghệ thuật được đầu tư dàn dựng công phu, chất lượng cũng là một biểu hiện trân trọng, có trách nhiệm với những giá trị mới trong sáng tạo.
Tổ chức biểu diễn phục vụ miễn phí không phải là chiến lược lâu dài có tính bền vững trong việc thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật nói chung và các loại hình nghệ thuật truyền thống nói riêng. Thay vì khư khư giữ lối cũ, cũng nên dung hòa, kết hợp song song giữa chương trình biểu diễn miễn phí và các chương trình có bán vé, tạo cơ hội cho đối tượng khán giả được giải trí và trải nghiệm những giá trị nghệ thuật ở tầm cao hơn. Để các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh bán được vé trong bối cảnh hiện nay cần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách. Song song với đó là sự đầu tư xứng tầm để có những sản phẩm hấp dẫn với một chiến lược truyền thông, marketting, PR… thực sự bài bản và chuyên nghiệp.
Hành trình thay đổi để tạo ra một xu hướng thưởng thức nghệ thuật mới, xây dựng lớp khán giả mua vé đến nhà hát còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay của mọi người dân đến các cấp, ngành quản lý văn hóa cùng sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế khác… Song điều đó không có nghĩa là chúng ta khước từ một hướng đi mới để hướng đến một mục tiêu chung là tiếp tục quảng bá di sản văn hóa Bắc Ninh ra thế giới.

Việt Thanh
Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-van-hoa/-/details/20182/tung-buoc-hinh-thanh-thoi-quen-thuong-thuc-nghe-thuat-co-trach-nhiem