Sau vụ việc cô giáo nhốt trẻ vào tủ quần áo, đại diện Maple Bear Việt Nam đã nhanh chóng sa thải hai giáo viên có hành vi phạt trẻ phi sư phạm và cho rằng vụ việc là sự cố đáng tiếc. Nhưng đó có thực là sự cố?
Hai tháng sau sự việc cô tát trẻ bầm má, tụ máu môi ở trường mầm non mang danh quốc tế Ecokids, bạo hành học đường lại xảy ra, và lần này xảy ra ở một trường mầm non quốc tế “xịn”: Maple Bear cơ sở Westlake Point.
Maple Bear Westlake Point thuộc Maple Bear Việt Nam, nằm trong hệ thống Maple Bear toàn cầu của Canada – một tổ chức giáo dục có uy tín hiện đang hoạt động tại 16 quốc gia trên thế giới. Mức học phí tại trường này khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Sĩ số tối đa mỗi lớp học ở trường Maple Bear Westlake Point là 20 học sinh. Trong đó, mỗi lớp Panda (tương đương với lớp mẫu giáo bé ở trường công, dành cho trẻ từ 3 – 4 tuổi) được bố trí 3 cô giáo.
Mức thu nhập của giáo viên mầm non dạy tại các trường quốc tế cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Riêng giáo viên chủ nhiệm có thể đạt mức lương lên đến trên 15 triệu đồng/tháng.
Liệt kê ra các con số để thấy, áp lực của các giáo viên mầm non trường quốc tế không nằm ở chuyện lương thấp, công việc quá tải mà nằm ở chuyên môn. Họ bắt buộc phải có trình độ sư phạm cao để đáp ứng yêu cầu khắt khe của công việc.
Còn phụ huynh khi chấp nhận chi trả một số tiền lớn cho dịch vụ giáo dục cao cấp này, họ mang theo nhiều kỳ vọng: Đứa trẻ được chăm sóc tốt, được dạy dỗ tốt, được trang bị nhiều kĩ năng sống, nói tiếng Anh giỏi, phát triển năng lực bản thân, tự tin trong giao tiếp, khởi đầu vượt trội… Nhưng tất cả những kỳ vọng đó luôn xếp sau một kỳ vọng khác: Đứa trẻ được yêu thương.
Hàng trăm “sự cố đáng tiếc” xảy ra trong các trường mầm non từ công lập đến tư thục, từ bình dân đến cao cấp từ trước tới nay đều là câu chuyện của yêu thương.
Ở Việt Nam, giáo viên mầm non chính quy được đào tạo rất đầy đủ về tâm lý học trẻ em, từ các bước phát triển của trẻ, các độ tuổi khủng hoảng của trẻ, nguyên nhân trẻ phản kháng, bất hợp tác đến các hình thức kỷ luật tích cực để trẻ thay đổi hành vi. Ở các trường quốc tế, giáo viên còn được tập huấn định kỳ, được tiếp cận các phương pháp giáo dục trẻ hiện đại từ Montessori, Jean Piaget đến Reggio Emilia, Steiner, Shichida… Nói cách khác, giáo viên được trang bị đầy đủ kỹ năng sư phạm để chăm sóc, dạy dỗ trẻ trên nguyên lý cơ bản chung nhất của mọi phương pháp giáo dục: Tôn trọng và yêu thương.
Tại Hệ thống giáo dục Maple Bear, theo tuyên ngôn được đăng tải trên trang web chính thức của nhà trường, giáo viên Maple Bear còn phải có phẩm chất “Đam mê giáo dục”: “Bởi dạy theo tiêu chuẩn giáo dục Canada không hề dễ dàng.”
Trên thực tế, dạy theo tiêu chuẩn giáo dục của Việt Nam cũng không hề dễ dàng với các giáo viên mầm non, nếu họ không có “đam mê giáo dục”. Đam mê giáo dục ở đây có thể hiểu là tình yêu và sự say mê đối với công việc nuôi dạy trẻ. Công việc của một giáo viên mầm non khó khăn, nhọc nhằn hơn các công việc khác, bởi họ làm việc với những “mầm non” – những đứa trẻ non nớt, bé bỏng cần được chăm sóc, tưới tắm, nâng niu, uốn nắn từng chút một bằng tất cả sự kiên nhẫn và hiểu biết.
Đó cũng là lý do mà các trường mầm non luôn đặt tiêu chí “yêu trẻ” khi đăng tin tuyển dụng giáo viên. Nhưng dường như như đây cũng là tiêu chí được xem xét đại khái nhất trong mỗi CV xin việc.
Bởi thế mà, chuyện trẻ bị bạo hành ở các nhóm lớp tư thục có thể giải thích do hạn chế hiểu biết, người trông trẻ không được học hành, nhưng khi nó xảy ra ở các trường mầm non danh chính ngôn thuận, những ngôi trường khoác chiếc áo “cao cấp” thì bốn chữ “sự cố đáng tiếc” không thể dùng để lấp liếm cho lỗ hổng của quy trình tuyển dụng và đào tạo.
Làm thế nào đó, mà tiêu chuẩn “đam mê giáo dục” lại để lọt hàng loạt hành vi phản sư phạm như vung tay chỉ trỏ vào mặt trẻ, đe dọa trẻ không vâng lời bằng việc nhốt trẻ vào tủ quần áo nhiều lần trong ngày, hay tệ hơn là cấu véo trẻ đến bầm tím, tát má trẻ đến tụ máu môi? Hơn nữa, công khai và ngang nhiên dưới sự theo dõi 24/7 của camera an ninh? Hơn nữa, ngay trước sự giám sát của giáo viên chủ nhiệm lớp – tức một người có trọng trách và kinh nghiệm sư phạm?
Liệu có phải những hành vi kỷ luật trẻ thiếu tích cực đó được các cô xem là bình thường? Liệu có phải có một luật ngầm được các cô thỏa thuận với nhau khi nuôi – dạy trẻ? Liệu có phải hai chữ “kinh nghiệm” với giáo viên mầm non được hiểu theo nghĩa giỏi quản lớp, giỏi khiến những đứa trẻ biết sợ hãi để nghe lời chứ không phải kinh nghiệm yêu thương?
Trước khi bước chân vào một ngôi trường, mỗi giáo viên mầm non hẳn đã được dặn dò rất kỹ về nội quy, về những điều được làm và không được làm với trẻ, về những tổn thương tâm lý ở trẻ khi bị “phạt” sai cách, về cả những hệ quả nghiêm trọng đối với chính giáo viên khi sự việc bị phát giác. Nhưng cuối cùng họ vẫn vung tay vào vùng cấm và dung túng cho nhau bước vào vùng cấm.
Khi những “sự cố đáng tiếc” xảy ra, các cô đều có một lời giải thích chung. Nào là áp lực, nào là căng thẳng công việc dẫn đến mất kiềm chế. Nhưng khi đã đặt chân vào nghề nuôi – dạy trẻ, các cô đều biết nó nhọc nhằn ra sao, áp lực thế nào cũng như công việc đó đâu dành cho những người yếu tâm lý, không có khả năng kiềm chế. Nghề giáo viên mầm non dạy cho người ta tính nhẫn nại và cách làm việc với những đứa trẻ. Nếu tính cách không phù hợp, học hành cũng không rốt ráo thì sao lại chọn nghề này? Và tại sao những trường mầm non “cao cấp” lại tuyển dụng những nhân sự không đạt được các điều kiện cơ bản nhất của nghề nghiệp?
Sự việc xảy ra ở trường Maple Bear chắc chắn không phải là sự việc cuối cùng. Bởi ngay cả khi trả lương cao + đòi hỏi cao, cơ sở giáo dục này cũng không có được chất lượng giáo viên như cam kết. Trong khi đó, bức tranh giáo dục mầm non tổng thể hiện nay đang có nhiều vấn đề cần giải quyết.
Một báo cáo của Bộ GD&ĐT năm 2018 nêu rõ: Yếu kém về chất lượng giáo viên là nguyên nhân chính gây ra các vụ bạo hành trẻ ở các cơ sở đào tạo mầm non. Cũng trong báo cáo này, cả nước còn khoảng 30% tương ứng với 80.000 giáo viên mầm non phải được đào tạo để nâng chuẩn từ trình độ Trung cấp lên Cao đẳng.
Cùng thời điểm, nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia… đã yêu cầu giáo viên mầm non phải có trình độ từ Cao đẳng sư phạm trở lên. Ở các nước phát triển, giáo viên mầm non phải có trình độ từ Đại học trở lên. Một số quốc gia còn quy định ngoài bằng Đại học, giáo viên còn phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đáp ứng đủ điều kiện làm việc với trẻ em thì mới được tiếp xúc với trẻ.
Nhìn lại, không thể phủ nhận rằng, quan niệm của xã hội về nghề giáo viên mầm non đã và đang góp phần đẩy con số trẻ mầm non bị bạo hành lên cao. Dư luận vẫn tồn tại góc nhìn chưa chuẩn xác về nghề nuôi dạy trẻ, xem giáo viên mầm non là một công việc dễ dàng, không cần phải có trình độ văn hóa cao. Thế nên, rất nhiều học sinh thi trượt Đại học đã chọn học Trung cấp mầm non với suy nghĩ: Nghề này dễ học, dễ làm và dễ xin việc, cộng thêm chút tự tin rằng: Tôi yêu trẻ con.
Nhưng sự thực là, muốn yêu thương thì phải có trí tuệ. Có phương pháp đúng mới yêu thương đúng. Nếu chưa đủ giỏi, chưa đủ thuần thục phương pháp, chưa trang bị đủ kiến thức làm việc với trẻ, chưa hiểu hết những nhạy cảm của công việc, xin đừng làm nghề giáo viên mầm non!