Hình ảnh được chia sẻ mạnh trên mạng xã hội, nguồn Báo Thanh Niên. Biên tập ảnh: Mạnh Quân.
“Để yêu con hay yêu bất cứ ai, chúng ta cũng đều phải đi qua lộ trình cơ bản: Thấu hiểu, chấp nhận rồi mới đến yêu thương” – chị Nguyễn Mai Anh.
Những ngày qua, hàng trăm nghìn học sinh trên cả nước đã trải qua kỳ thi vào lớp 10 đầy căng thẳng. Giống như các kỳ thi quan trọng khác trong cuộc đời học sinh, những lúc này là khi người ta chứng kiến được nhiều nhất tình cảm cha mẹ dành cho con cái.
Những bức ảnh chụp cảnh phụ huynh leo lên yên xe đạp, xe máy, bám vào bờ tường ngóng chờ hoặc dầm mưa dãi nắng, đứng giữa dòng xe cộ vẫy tay đón con vào lòng… khiến ai nhìn vào cũng thấy cay cay khóe mắt.
Cha mẹ nào cũng thương con vô bờ bến, nhưng trong cuộc đời họ, có lẽ rất ít người chưa từng một lần đặt áp lực, kỳ vọng lên con cái và thất vọng khi chúng không làm tròn điều mình mong muốn.
Vì thế nên mới đây, câu chuyện trên báo Thanh Niên về anh Ôn Vĩnh Sanh dù biết con gái là Ôn Bảo Nhi thi làm bài rất kém vẫn ôm chặt con vào lòng, nói lời động viên rằng “Không sao không sao con. Cười đi nào. Nào đi về nhà nào” lập tức gây bão mạng xã hội.
Cách ứng xử của người cha, theo những người xung quanh kể lại, cũng giống như cách mà 4 năm qua, mỗi lần đưa đón con đi học, anh không bao giờ quên hôn lên trán con và vẫy tay chào tạm biệt. Câu chuyện ấy chỉ diễn ra nhanh trong ít phút trước cổng trường nhưng lại làm khơi dậy một vấn đề phổ quát khiến bao phụ huynh trăn trở:
Làm sao giúp con theo đuổi đúng đam mê sở trường, vươn tới thành công, sống hạnh phúc, mà lại không thấy bị áp đặt từ tham vọng hoặc ước nguyện riêng của cha mẹ?
Cha mẹ hãy thấu hiểu: Khi con bật khóc là lúc con đã cố hết sức!
Chia sẻ về bức ảnh xúc động của anh Ôn Sanh, ông Nguyễn Thế Hiệp (60 tuổi) – người đã đồng hành cùng con trai Nguyễn Khôi Nguyên (18 tuổi) từ một trẻ tự kỷ trở thành kỷ lục gia xiếc Việt Nam tỏ ra rất đồng cảm.
Cách đây 16 năm, ông Hiệp cũng từng mất phương hướng, thất vọng khi biết con trai mắc hội chứng tự kỷ. Bị đặt trong hoàn cảnh éo le nhưng thay vì than phiền, ông Hiệp luôn cố gắng giúp con phát huy tốt nhất khả năng tự nhiên.
Trải qua nhiều khó khăn, thử nhiều cách rồi lại thất bại và cứ mãi loay hoay trên con đường tìm cách đưa con đến thành công, năm Khôi Nguyên 12 tuổi, ông Hiệp đưa con đến lớp học kỹ năng sống của nhà giáo dục kỹ năng nổi tiếng Phan Quốc Việt. Cũng từ đây, Nguyên tìm ra sở thích mới – bắt đầu bằng trò tung hứng bóng bằng tay.
Sau hơn 3 năm học xiếc, năm 2017, Khôi Nguyên được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: Cậu bé đội chai trên đầu, tung 8 quả bóng trên xe đạp 1 bánh trong thời gian lâu nhất. Với ông Hiệp – người đã trực tiếp đồng hành cùng con trải qua bao khó khăn suốt 16 năm dài đằng đẵng, đây quả là một kỳ tích vĩ đại!
Khôi Nguyên tập xiếc trên Bờ Hồ, Hà Nội. Ảnh: Wechoice Awards.
Nhiều người không quan tâm đến xiếc có thể không biết Khôi Nguyên hoặc cho rằng, những gì cậu làm được thật quá nỗi nhỏ bé. Nhưng ở cương vị một người cha hiểu rõ bệnh tình của con mình, biết tường tận những nỗi đau và giọt nước mắt, sự quyết tâm phi thường của con mỗi lần tập xiếc thì danh hiệu của Khôi Nguyên mang nhiều ý nghĩa to lớn lắm.
Ông Hiệp nói, những ngày đầu khi biết Khôi Nguyên mắc hội chứng tự kỷ, gặp khó khăn trong giao tiếp và nhận biết thế giới, ông cùng vợ chỉ mong con có một cuộc sống vui vẻ. Cho dù đó đơn giản chỉ là việc Nguyên có thể tự lo vệ sinh cá nhân hay bập bẹ biết nói rõ tiếng một câu, nhưng nếu đó thực sự là sự nỗ lực hết mình của cậu thì họ đã cảm thấy vui sướng đến phát khóc.
“Thế nên chú rất đồng cảm với người cha ôm con khóc ở trường thi. Có lẽ vì hiểu con, vì biết con đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn thất bại nên người cha mới có thái độ bao dung đến như vậy.
Đọc câu chuyện ấy, chú nhớ đến những lần nhìn Nguyên học xiếc, thấy con dù nỗ lực hết sức nhưng vẫn vấp ngã đau đớn, chú cũng từng lặng lẽ khóc như thế.
Chú thường nghĩ rằng, trong cuộc đời này, người tài giỏi là người vượt qua được chính mình, luôn đặt ra mục tiêu phấn đấu làm tốt hơn những gì mình có thể. Thấy Nguyên dù ngã bao nhiêu lần đau đớn nhưng vẫn vực dậy đứng lên, không từ bỏ đam mê thì với chú, Nguyên đã là người tài giỏi khiến mình phải tự hào”.
Khôi Nguyên tập tung hứng bóng.
Ngày Khôi Nguyên bắt đầu dồn quyết tâm học xiếc, chính ông Hiệp cũng chẳng bao giờ kỳ vọng con mình sẽ trở thành kỷ lục gia nào đó. Lúc ấy, ông đơn giản chỉ muốn giúp con tìm thấy thế mạnh để rèn luyện, mong cho con có đam mê và mục đích sống tốt đẹp để nỗ lực vươn lên.
“Nhiều bậc cha mẹ thường đặt cho con áp lực nặng quá mà những áp lực ấy, chưa chắc đã là sở nguyện của con cái. Nó có thể chỉ là tham vọng của cha mẹ. Ví như họ kỳ vọng con đi thi là phải đạt điểm cao, phải đỗ trường này trường khác, phải học đại học trong khi ước mơ của con họ chưa chắc đã là như thế…
Nhưng chú tin, vẫn có nhiều bậc cha mẹ giống như anh Sanh – họ không đặt kỳ vọng nào cả và chỉ mong con được hạnh phúc. Họ hiểu rằng, khi con bật khóc là lúc con đã cố hết sức và cũng tin, thành công không chỉ đến nhờ một con đường duy nhất là điểm số”.
Gia đình ông Hiệp hạnh phúc khi Khôi Nguyên nhận giải kỷ lục gia xiếc VN.
Từ chỗ chỉ nhìn vào khuyết điểm, đến chỗ nhận ra ưu điểm và đồng hành cùng con
Giống như ông Hiệp, chị Nguyễn Mai Anh (Hà Nội) cũng có một người con trai là Nguyễn Trung Hiếu mắc hội chứng tự kỷ. Trải qua 20 năm vất vả, từ một cậu bé không có chút hiểu biết gì về thế giới xung quanh, gặp khó khăn về mọi mặt trong giao tiếp, tư duy… Hiếu nay đã trở thành một họa sĩ, chơi giỏi rất nhiều loại nhạc cụ (guitar, piano, organ, sáo…).
“Khi nghe câu chuyện hai cha con ôm nhau khóc ở cổng trường thi, chị rất nể phục ông bố vì chị tin, hầu như cha mẹ nào cũng đặt cho con nhiều kỳ vọng. Ngay cả con chị là một người tự kỷ, cũng có lúc chị thúc ép con phải thế này, phải thế khác, chứ chưa nói đến những người có con thông minh, khỏe mạnh“.
20 năm qua, chị Mai Anh luôn là người bạn đồng hành bên con bước qua bao vui buồn.
Hiếu có năng khiếu đặc biệt là chơi đàn và vẽ tranh.
Theo chị Mai Anh, phương châm giáo dục không cưỡng ép và ngừng đặt lên vai con những áp lực nặng nề nói ra thì rất dễ nhưng để thực hiện cho đúng quả là vô cùng gian nan.
“Ví như khi phát hiện Hiếu có năng khiếu vẽ, chị cũng kỳ vọng và cố ép để con tập trung phát triển khả năng này. Tuy nhiên trong quá trình đồng hành cùng con, thấy rõ những căng thẳng, stress nặng nề khiến con tự cào cấu bản thân, chị lại thương và hiểu rằng, áp lực của cha mẹ đôi khi trở thành gánh nặng không tốt với con cái”.
Nếu nói rằng con người ta sinh ra không ai hoàn hảo thì chị Mai Anh tự nhận Hiếu là người có nhiều nhược điểm nhất, khó gây thiện cảm nhất đối với những ai mới tiếp xúc lần đầu.
“Trước kia chị cũng nghĩ Hiếu chỉ có toàn khuyết điểm và cứ mải mê đi sửa chữa giúp con. Sau này, khi hiểu con, chị lại bận đi tìm những điều tốt đẹp bên trong con người tưởng như chỉ toàn nhược điểm của Hiếu.
Chị nghĩ rằng, để yêu con hay yêu bất cứ ai, chúng ta cũng đều phải đi qua lộ trình cơ bản: Thấu hiểu, chấp nhận rồi mới đến yêu thương”.
Về nhà đi con – lời an ủi, động viên có sức mạnh vô bờ bến, xuất phát từ sự thấu hiểu của cha mẹ
Đó là câu nói “kinh điển” của ông Sơn (NSƯT Trung Anh đóng) trong bộ phim đang gây sức hút lớn: Về nhà đi con. Nhiều người gọi ông Sơn là ông bố quốc dân bởi vì tuy không có nhiều tiền bạc, quyền lực hay địa vị cao trong xã hội nhưng ông Sơn lại là người có thừa tình thương yêu, sự nhẫn nại, luôn lo lắng, quan tâm và biết đặt mình vào vị trí của các con để thấu hiểu.
Qua chuyện của anh Ôn Vĩnh Sanh, ông Nguyễn Thế Hiệp, chị Nguyễn Mai Anh… có thể thấy những người cha, người mẹ “quốc dân” hóa ra lại có rất nhiều trong cuộc đời. Câu chuyện của họ cho thấy, cái gốc của tình yêu thương bắt nguồn từ sự thấu hiểu, chấp nhận mọi ưu nhược điểm của con – chứ không phải lấy suy nghĩ của bản thân cha mẹ mà áp đặt lên con cái rồi nghĩ đó là tốt nhất cho con.
Đồng hành với con nhiều năm qua quá trình luyện xiếc, mỗi lúc Khôi Nguyên gặp khó khăn, ông Hiệp lại là người đứng ra động viên.
“Là một người cha, chú thực sự thấu hiểu sức mạnh của lời an ủi, động viên. Sự an ủi, chia sẻ này phải bắt nguồn từ sự thấu hiểu. Muốn vậy, cha mẹ phải đồng hành với con. Bản thân chú phải cùng con tập xiếc, cùng trăn trở, cùng ngủ, cùng thức với khát vọng của con mới có thể chung cảm xúc vui buồn với Nguyên.
Các bậc cha mẹ khác sẽ có lợi thế hơn chú vì con họ bình thường còn Nguyên là trẻ tự kỷ nên việc đặt mình vào vị trí của con không hề dễ dàng. Tuy nhiên, đó không phải là điều không thể nếu mình nỗ lực”.
Những lần nhìn thấy Khôi Nguyên ngã trên sàn tập xiếc hay gặp thất bại, khó khăn, ông Hiệp lại động viên con: “Không sao đâu, con làm tốt lắm. Tập nốt lần này rồi về nhà thôi con!“.
Nhưng ông Hiệp cũng cho rằng, động viên, an ủi khác với chiều chuộng. Chiều chuộng là làm theo ý con, để cho con thích gì được nấy, không dạy con cách để cố gắng tới cùng. Động viên, an ủi là ở bên con, thấu hiểu, chia sẻ với con. Khi con gặp khó khăn sẽ là điểm tựa tinh thần để con biết rằng, dù con chưa thành công nhưng trong lòng cha mẹ, con vẫn là người hùng. Động viên con để con thấy là, dù ngoài kia khó khăn nhường nào, con vẫn có cha mẹ, có ngôi nhà an yên để trở về.
Ranh giới giữa sự chiều chuộng và người không đặt áp lực lên con rất mong manh. Để có thể phân biệt rạch ròi, theo ông Hiệp, cha mẹ không chỉ cần có tình yêu thương chân thành mà còn phải có hiểu biết, nhất là quan điểm sống tích cực và cách đối nhân xử thế hài hòa.
“Hạnh phúc dường như là một sự lựa chọn, đó là lựa chọn của chúng ta để thấy biết ơn với những gì mình đã có ở thời điểm hiện tại, lựa chọn để có thái độ sống tích cực, xem cuộc sống như một hành trình đầy thú vị, biết mỉm cười dù ngay cả khi mọi thứ không hoàn hảo.
Gia đình là nền tảng vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi người nên nếu cha mẹ hạnh phúc thì con cái chắc chắn cũng sẽ hạnh phúc. Nếu cha mẹ biết học cách chấp nhận, biết yêu thương, biết lựa chọn tập trung vào điều làm cho mình hạnh phúc thì họ cũng có thể định hướng cho con làm như vậy.”