Họ, Kim Dung và bầu Đức từng đem đến cho rất nhiều người sự mê đắm trong những gì đẹp đẽ nhất của võ thuật và bóng đá. Nhưng sau tấm màn nhung, lại là sự thật trần trụi.
1. Nhắc đến Kim Dung – đại tác gia vừa để lại cho nhiều thế hệ độc giả Việt Nam nhiều niềm tiếc nuối khôn nguôi, người ta đều nghĩ ngay đến võ thuật. Với hàng loạt tiểu thuyết võ hiệp lừng lẫy, ngòi bút của ông truyền niềm đam mê võ thuật đến hầu hết những người từng đọc qua.
Dẫu cho chứa đựng rất nhiều giá trị văn học, cũng như ẩn chứa rất nhiều giá trị nhân văn, lịch sử, cùng các tầng lớp ý nghĩa thâm sâu khiến rất nhiều người đọc Việt Nam say mê, suy ngẫm, cũng như truyền tình yêu với võ thuật, nhưng đồng thời, tiểu thuyết của Kim Dung cũng khiến người đời… hiểu sai về võ, nhất là võ thuật cổ truyền Trung Quốc.
Ngay cả khi biết rằng trên đời thực chẳng bao giờ có thứ gì như Giáng Long Thập Bát Chưởng hay Đả Cẩu Bổng Pháp, nhưng không ít fan hâm mộ của Kim Dung vẫn duy trình niềm tin vào sự mơ mộng ngọt ngào của ông, từ đó có cái nhìn quá lung linh về võ thuật của các môn phái cổ truyền Trung Hoa, và cũng là điểm tự để những môn phái này “phát dương quang đại” theo cách… rất tiểu thuyết Kim Dung.
Rồi Từ Hiểu Đông xuất hiện.
Võ sỹ MMA này lôi tuột võ thuật cổ truyền Trung Quốc, từ trong hình dung lung linh kiểu Kim Dung, xuống thẳng mặt đất. Những người yêu võ thuật Trung Quốc lập tức thôi mơ mộng về những tuyệt kỹ trấn áp quần hùng, những bí kíp võ lâm “bài sơn đảo hải”, thay vào đó, hóa ra võ thuật thực sự đầy sự xấu xí, với những đòn đánh nặng nề, những cú đấm đá chẳng “đẹp như phim”, những pha vật lộn, cùng những tiếng thở gấp gáp, mệt nhọc…
Hóa ra, những nội công, thân pháp của Thái Cực Quyền, Vịnh Xuân Quyền vang danh thiên hạ đều lộ rõ sự yếu kém trước MMA tuy “cục súc”, nặng tính chân tay, nhưng lại cực kỳ hiệu quả khi thực chiến. Vẻ đẹp của võ thuật Trung Quốc theo kiểu Kim Dung khi biểu diễn, khi đóng phim bỗng chốc trần trụi, yếu ớt và đáng thương khi bước lên đài.
Ngoài đời thực, võ thuật Trung Quốc thể hiện một hình ảnh hoàn toàn khác trước Từ Hiểu Đông.
2. Lứa U19 ngày nào của bầu Đức, với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… từng làm mê mệt hàng triệu cổ động viên bóng đá Việt Nam. Đã có thời, người ta gọi HAGL bằng cái tên “đội bóng quốc dân”. Lối đá đẹp, hoa mỹ, giàu sức tấn công của HAGL hay U19 Việt Nam dưới thời bầu Đức từng làm người hâm mộ nước nhà tin rằng đây chính là tương lai rực rỡ của bóng đá Việt Nam.
Chỉ có điều, lứa U19 ngày ấy của bầu Đức, xét cho cùng cũng không có được bất cứ danh hiệu nào đáng kể, đứng bét bảng ở giải U19 châu Á 2014, với vỏn vẹn 1 điểm, và các cầu thủ HAGL được bầu Đức cực kỳ kỳ vọng không thể ghi được bất cứ bàn thắng nào trước U19 Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Nhưng trong cái hiệu ứng truyền thông rực rỡ mang tên U19 HAGL bốn năm về trước, người hâm mộ Việt Nam vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào sự thành công của lứa cầu thủ trẻ “tuyệt vời” trong tay bầu Đức, với ngôi vô địch SEA Games là đích nhắm.
Rồi HLV Hoàng Anh Tuấn xuất hiện.
Và lứa U19 HAGL tự nhiên bớt long lanh đi nhiều, khi những Quang Hải, Văn Hậu, Đức Chinh… đột nhiên lọt vào tận bán kết giải U19 châu Á 2016, để đoạt vé dự World Cup U20 ở Hàn Quốc.
Ngay sau thành công của HLV Hoàng Anh Tuấn, bầu Đức lập tức lên tiếng, rằng thành công ấy chẳng qua là… ăn may, rằng thành công ấy là bởi… các cầu thủ hay quá, còn HLV thì… chẳng có gì.
Vài ngày trước, theo nguồn tin của Saostar, một lãnh đạo của VFF tiết lộ rằng bầu Đức từng lo ngại HLV Hoàng Anh Tuấn được VFF bổ nhiệm thay HLV Hữu Thắng, nên quyết định đi mời HLV Park Hang-seo.
HLV Park Hang-seo đang cực kỳ thành công với U23 Việt Nam, đấy là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên nói rằng chắc chắn rằng nhà cầm quân người Hàn Quốc này sẽ thành công khi bầu Đức quyết định mời ông, là điều không thể. Bởi khi ấy “thành tích” mà bầu Đức nhắc đến đã ở 15 năm về trước, và HLV này… đang thất nghiệp.
Bầu Đức mời HLV Park Hang-seo do lo ngại HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ được bổ nhiệm vào ghế HLV trưởng ĐTQG Việt Nam.
Và điều quan trọng nhất là động cơ đích thực của việc mời HLV Park Hang-seo ngồi vào chiếc ghế quan trọng nhất của ĐTQG Việt Nam, cũng như việc bầu Đức – ông bầu của CLB HAGL, tự quyết việc chọn HLV trưởng ĐTQG, dẫu cho là “tình ngay”, nhưng rõ ràng là “lý gian”. Đấy là chưa nói đến nghi vấn nảy sinh tiền lệ thao túng ĐTQG, thao túng bóng đá Việt Nam, chẳng phải riêng HLV Park Hang-seo, mà còn cả Hữu Thắng.
3. Hơn 10 năm trước, từ khi bắt tay vào xây dựng học viện HAGL Arsenal JMG, chắc chắn mà mục tiêu của bầu Đức đặt ra là một lứa cầu thủ xuất sắc cho bóng đá Việt Nam, cũng như của CLB HAGL, giương danh bằng lối đá tấn công đẹp mắt như của Arsenal, thậm chí còn mang theo kỳ vọng tiệm cận trình độ châu Âu. Cái tâm ấy rất sáng, và tính toán ấy không phải là không có cơ sở.
Lứa U19 cầu bầu Đức ngày ấy rõ ràng đã có những thành công rực rỡ, ít ra là ở hình ảnh khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam phải xiêu lòng. Nó đẹp như thứ võ công mà Kim Dung tạo ra trong các tiểu thuyết võ hiệp của mình. Hệ quả là không ít người, kể cả bầu Đức đều nghĩ rằng đấy mới thực sự là thứ “võ công thượng thừa” mà bóng đá Việt Nam luyện thành thập phần công lực.
Nhưng bóng đá trẻ chỉ là bóng đá trẻ, và thời gian đã minh chứng rằng “môn võ công” với những “chiêu thức” đẹp mắt, đầy mê hoặc mà bầu Đức đã chọn hóa ra chưa thể biến bóng đá Việt Nam thành “cao thủ võ lâm”. Thiên ngoại hữu thiên, đã có Nhạc Bất Quần, lại còn có Lệnh Hồ Xung, đã có Chu Chỉ Nhược, lại từ đâu sinh ra Triệu Mẫn. HLV Hoàng Anh Tuấn trở thành “cái gai”, âu cũng là vì thế.
Ngay sau khi HLV Hoàng Anh Tuấn thất bại ở VCK U19 châu Á 2018, thêm lần nữa bầu Đức lên tiếng. Lần này ông bầu phố Núi “khuyên” HLV Hoàng Anh Tuấn từ chức, bằng những lời lẽ chẳng mấy nhẹ nhàng. “Chưởng lực” mà bầu Đức tung ra về phía nhà cầm quân người Khánh Hòa này, sau bao thời gian vẫn nguyên phần “công lực”.
Không khó để thấy rằng, như Nhạc Bất Quần đắm mê với Tịch Tà Kiếm Phổ trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, sau thất bại thảm thương với HLV Hữu Thắng ở SEA Games 2017, và lối chơi được HLV Park Hang-seo chọn cho U23, cũng như ĐTQG Việt Nam khiến tầm ảnh hưởng của quân HAGL đang nhạt dần đi, thì bầu Đức vẫn đắm đuối với giấc mơ về “môn võ công” mình hướng đến từ hơn chục năm về trước.
Sẽ chỉ là câu chuyện của bầu Đức, và cùng lắm là của HAGL – CLB suốt mùa bóng nay vẫn lặn ngụp ở nửa dưới bảng xếp hạng, nếu như ông bầu phố Núi này chịu an phận là một ông bầu bóng đá, thay vì một “võ lâm minh chủ” của bóng đá Việt Nam. Nhưng rõ ràng mọi chuyện không đơn giản như thế…
Bầu Đức vẫn đang trả lương cho HLV Park Hang-seo – theo như lời ông nói, Minh Vương – một cầu thủ HAGL vừa phải rời khỏi thành phần ĐTQG tham dự AFF Cup 2018, HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn tại vị sau thất bại ở giải U19 châu Á 2018… liệu sóng gió có buông tha cho “võ lâm” bóng đá Việt Nam?
Hỏi, phải chăng đã là tự trả lời?