Tự hào là địa phương đúc thành công pho tượng Bác Hồ bằng đồng đầu tiên trong cả nước

Ngày 19-5 là ngày ghi dấu nhiều sự kiện đặc biệt đối với lịch sử đất nước và dân tộc. Đó là ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân Việt Nam. Với huyện Thiệu Hoá, ngày này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn bởi nơi đây vinh dự và tự hào là địa phương đầu tiên trong cả nước đúc thành công pho tượng Bác Hồ bằng đồng.

Pho tượng Bác Hồ bằng đồng đầu tiên trong cả nước được huyện Thiệu Hoá đúc thành công.

Trong không khí hân hoan đón chào ngày sinh nhật Bác 19-5, chúng tôi về xã Thiệu Trung gặp ông Nguyễn Bá Châu – người thợ đúc đồng vinh dự được cùng các xã viên của Hợp tác xã đúc đồng Chè Đông năm xưa đúc pho tượng Bác Hồ. Năm nay đã 73 tuổi, nhưng ông còn rất minh mẫn và khỏe mạnh.

Khuôn mặt ánh lên vẻ tự hào khi nhớ lại những ngày được cùng bà con trong xã và huyện đúc pho tượng Bác Hồ, ông Châu hồ hởi kể cho chúng tôi nghe: Tháng 5 năm 1970, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huyện ủy và Ủy ban hành chính huyện Thiệu Hóa chủ trương đúc tượng Bác Hồ bằng đồng. Họa sĩ Lê Quỳ, cán bộ Ty Văn hóa – Thông tin Thanh Hóa là người được huyện mời thiết kế tượng Bác. Nhiệm vụ đúc tượng Bác Hồ được giao cho Hợp tác xã đúc đồng Chè Đông (xã Thiệu Trung). Hai xã viên Đặng Ích Bích và Lê Văn Dân chịu trách nhiệm kỹ thuật đúc và tạo khuôn dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Lê Xuân Tôn.

Ông Nguyễn Bá Châu (bên trái) – người thợ đúc đồng vinh dự được tham gia đúc pho tượng Bác Hồ.

Đối với những người thợ đúc đồng có nhiều kinh nghiệm ở làng Chè (Trà Đông) và người dân trong xã, huyện, thì được giao nhiệm vụ thiêng liêng này chính là niềm vinh dự và tự hào, thể hiện tình cảm đối với Bác Hồ kính yêu.

Khi ấy, khí thế đúc pho tượng Bác Hồ vô cùng sôi nổi, khẩn trương, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, hơn nữa chất liệu đồng cũng rất hiếm, thế nhưng bà con Nhân dân ai cũng hào hứng tham gia đóng góp, người thì 5 lạng, người thì mấy cân đồng. Chỉ trong thời gian ngắn Nhân dân toàn huyện đã tự nguyện đóng góp được 470 kg đồng.

Pho tượng Bác Hồ được đặt tại nhà truyền thống xã Thiệu Viên.

Sau khi huy động được nguyên vật liệu, khuôn mẫu pho tượng Bác Hồ được thiết kế hoàn chỉnh, Hợp tác xã bắt đầu nấu đồng bằng 5 lò (mỗi lò bố trí 7 người tham gia). Các khâu để hoàn thiện pho tượng được làm theo phương pháp thủ công, quy trình kỹ thuật nung, đúc đồng, thể hiện theo đúng thiết kế tượng Bác Hồ.

Với sự nhiệt tình tham gia của các nghệ nhân đúc đồng cùng đông đảo người dân, chỉ sau một thời gian ngắn, ngày 6-6-1970 pho tượng Bác Hồ được hoàn thành trong sự vui mừng và phấn khởi của Đảng bộ cũng như Nhân dân toàn huyện Thiệu Hóa. Công trình tượng Bác Hồ là tình cảm và lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ và Nhân dân Thiệu Hóa, đặc biệt là những nghệ nhân tài ba của Hợp tác xã đúc đồng Chè Đông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Nhà truyền thống xã Thiệu Viên – nơi đặt pho tượng Bác Hồ

Sau đó tượng Bác Hồ được rước về huyện Thiệu Yên sau khi sáp nhập huyện Thiệu Hóa vào huyện Yên Định thành huyện Thiệu Yên. Đến ngày 18-11-1996 huyện Thiệu Hóa được tái lập, ngày 2-1-1997, tượng Bác Hồ được rước về huyện Thiệu Hóa, những năm đầu đặt tại Hội trường xã Thiệu Hưng, sau đó chuyển sang đặt tại Hội trường xã Thiệu Trung.

Đại diện lãnh đạo xã Thiệu Viên và người dân đến dâng hưởng tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đến năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 15 năm tái lập huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa quyết định rước tượng Bác Hồ về đặt tại Nhà Truyền thống – Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể dục thể thao của huyện. Ngày 2-2-2023, huyện Thiệu Hóa tổ chức khánh thành khu Di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa thời kỳ 1967-1973 tại xã Thiệu Viên. Sau sự kiện này, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa, ngày 15-5-2023 UBND huyện Thiệu Hoá và các ngành chức năng đã rước tượng Bác Hồ về an vị tại đây.

Vinh dự là địa phương chọn là nơi đặt tượng Bác Hồ, Chủ tịch UBND xã Thiệu Viên Vũ Ngọc Hải vui mừng cho biết: Phát huy tinh thần là quê hương có khu Di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa thời kỳ 1967-1973, và cũng là nơi được chọn để đặt tượng Bác Hồ, chính quyền và Nhân dân trong xã đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, làm theo lời Bác đưa quê hương ngày càng giàu mạnh, phát triển. Cùng với đó, xã cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khu di tích và nhà truyền thống nơi đặt tượng Bác Hồ là “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cho Nhân dân nhất là thế hệ trẻ.

Nguyễn Đạt

Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/tu-hao-la-dia-phuong-duc-thanh-cong-pho-tuong-bac-ho-bang-dong-dau-tien-trong-ca-nuoc/186268.htm