Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết 19), thời gian qua, tỉnh đã quyết liệt triển khai, trong đó chú trọng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL).

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Phố Nối trong giờ làm việc

Năm 2018, 3 đơn vị y tế gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên và Bệnh viện Đa khoa Phố Nối được giao tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên. Từ thời điểm đó, hàng loạt giải pháp được triển khai thực hiện nhằm tiết kiệm tối đa chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động. Đến nay, điều nhận thấy rõ rệt nhất là thái độ phục vụ bệnh nhân của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập niềm nở, tận tình, trách nhiệm hơn; các đơn vị sắp xếp tổ chức bộ máy khoa học; hoạt động nội bộ đơn vị bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch và công bằng hơn.

Còn với Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải Hưng Yên, quá trình thực hiện tự hạch toán thu, chi tài chính gần 5 năm qua có kết quả khả quan. Đồng chí Lê Vũ Thuận, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải Hưng Yên cho biết: Trong khi các đơn vị tư nhân cùng ngành nghề tổ chức đào tạo linh hoạt cả về mức phí, phương thức, thời gian đào tạo, phù hợp với mọi đối tượng học viên, thì trường phải tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước về mức học phí, giáo trình đào tạo, thời gian và điều kiện thực hành nghề… Mặt khác, một số lĩnh vực ngành nghề của trường như: Công nghệ ô tô, thi công cầu đường bộ… có nhân lực nhưng hoạt động không hiệu quả; việc bố trí số nhân lực ở lĩnh vực này có việc làm phù hợp, bảo đảm mức thu nhập rất khó khăn. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, quyết tâm của ban lãnh đạo và cán bộ, giáo viên, đến nay mức độ tự chủ của trường được giao ở nhóm 1, nghĩa là tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư.

Theo thống kê của Sở Nội vụ, toàn tỉnh hiện nay có 591 ĐVSNCL, trong đó, cấp tỉnh có 79 đơn vị, số còn lại là cấp huyện. ĐVSNCL nhiều nhất là ở ngành Giáo dục và Đào tạo với 495 đơn vị; ngành y tế 22 đơn vị; văn hóa – thể thao và du lịch là 17 đơn vị… Còn theo số liệu từ Sở Tài chính, hiện toàn tỉnh có 44 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 60 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và 487 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Tự chủ tại các ĐVSNCL là hướng đi tất yếu, là “chìa khóa” giúp giảm số người hưởng lương từ ngân sách. Giao quyền tự chủ giúp các đơn vị sắp xếp, sử dụng nhân sự hợp lý; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường giám sát của cán bộ, viên chức và các tổ chức đoàn thể trong việc sử dụng biên chế, kinh phí, góp phần quản lý tài chính hiệu quả, tiết kiệm, khuyến khích được đơn vị đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ gia tăng nguồn thu nhằm nâng mức thu nhập cho người lao động… Tuy nhiên, việc giao quyền tự chủ tài chính đối với ĐVSNCL vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập như: Việc thực hiện tự chủ tài chính chậm, mức độ tự chủ chưa cao; hiện tại mới có 7,45% số đơn vị bảo đảm chi thường xuyên. Nguồn thu sự nghiệp thấp; chưa thực sự đồng bộ về tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế với tự chủ về tài chính. Hầu hết các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí vào giá, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị khi thực hiện cơ chế tự chủ. Thiếu định mức kinh tế kỹ thuật dẫn đến khó khăn trong việc xác định đơn giá đặt hàng, đấu thầu… Nguyên nhân là do một số cơ quan quản lý chưa chủ động, quyết liệt xây dựng, ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý về đổi mới cơ chế hoạt động của ĐVSNCL. Theo thống kê, đến nay, duy nhất Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu và được UBND tỉnh ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế – kỹ thuật. Định mức khoán thấp, giá cả hàng hóa tăng cao nhưng định mức giao khoán không tăng, ảnh hưởng đến tiết kiệm chi của từng đơn vị; cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các ĐVSNCL xuống cấp. Mặt khác, số lượng ĐVSNCL hiện nay quá lớn; danh mục dịch vụ sự nghiệp công rộng; thu nhập của phần lớn người dân thấp, ảnh hưởng đến khả năng chi trả cho dịch vụ công…

Về lâu dài, việc tự chủ tài chính sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động hơn về tài chính, tự cân đối, điều tiết các khoản mục chi linh hoạt, hợp lý và hiệu quả; cải thiện thu nhập của người lao động, nhất là thu nhập tăng thêm cho người có hiệu suất làm việc tốt; tự chủ về chuyên môn và nâng cao chất lượng dịch vụ. Và chỉ có đổi mới cơ chế tự chủ thì người dân mới được hưởng các dịch vụ công chất lượng tốt nhất, bảo đảm công bằng, minh bạch, khích lệ tinh thần lao động, cống hiến của người lao động ở các ĐVSNCL.

Theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19 của tỉnh, đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu bình quân 10% số ĐVSNCL so với năm 2021; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2016 – 2020… Thực hiện lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, theo đó ĐVSNCL có khả năng tính chi phí khấu hao có thể phân loại ở mức độ tự chủ tài chính cao hơn. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công, bảo đảm bình đẳng giữa ĐVSNCL và ngoài công lập; tăng cường công khai minh bạch; thực hiện nghiêm các quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra.

Chuyển từ bao cấp sang tự chủ tài chính đối với các  ĐVSNCL là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của các ĐVSNCL, nhất là người đứng đầu các đơn vị phải khắc phục tâm lý trông chờ, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Có như vậy, nghị quyết của Đảng mới sớm đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho phát triển kinh tế – xã hội.

Lệ Thu 

Nguồn Báo Hưng Yên Điện Tử: https://baohungyen.vn/xa-hoi/202303/tu-chu-tai-chinh-doi-voi-don-vi-su-nghiep-cong-lap-acf05c9/