Mùa hè năm ngoái, Slack đã có 8 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, huy động hơn 1,2 tỷ USD tiền tài trợ và đạt mức định giá 7,1 tỷ USD trong vòng tài trợ cuối cùng.
Trước khi thành lập Slack – công ty khởi nghiệp được nhiều người coi là ứng dụng kinh doanh phát triển nhanh nhất từ trước đến nay, Stewart Butterfield từng điều hành một startup khác “hot” không kém là Flickr được Yahoo mua lại với giá hơn 20 triệu USD.
CEO của Slack, Stewart Butterfield.
Với Slack, công cụ và dịch vụ trực tuyến quản lý làm việc nhóm dựa trên đám mây, Butterfield còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa. Ngày 20/6 vừa qua, công ty đã chính thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và dự kiến được định giá 15,7 tỷ USD. Trong quý kết thúc ngày 30/4, Slack báo cáo doanh thu đạt 134,8 triệu USD, tăng 66,7% so với cùng kỳ năm ngoái.Mặc dù vậy, họ vẫn chưa có lợi nhuận trong 3 năm qua và lỗ hơn 33 triệu USD trong quý I/2019.
Dưới đây là một số thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Stewart Butterfield, CEO của Slack, startup đang được cộng đồng đầu tư chú ý:
Butterfield sinh năm 1973 tại một làng chài nhỏ tên là Lund ở British Columbia, Canada. Gia đình anh thậm chí còn không có hệ thống nước sạch cho tới khi anh lên 3 tuổi. Năm Butterfield 5 tuổi, gia đình anh chuyển đến thành phố Victoria.
Vài năm sau, gia đình họ tích cóp đủ tiền để mua một chiếc máy vi tính và Butterfield bắt đầu tự học viết mã kể từ đó. Lên đại học anh thiết kế các trang web để có thêm thu nhập.
Năm 1996, Butterfield tốt nghiệp Đại học Victoria ngành Triết học. Sau đó, anh nhận bằng Thạc sỹ Triết học tại Đại học Cambridge.
Trường Đại học Cambridge.
Năm 2000, anh tham gia vào startup Gradfinder.com của người bạn Jason Classon. Khi bong bóng internet vừa vỡ, 2 người bán lại công ty cho Highwei sau 6 tháng ra mắt. Classon đầu quân cho Highwei còn Butterfield trở lại làm thiết kế web tự do.
Butterfield tạo ra “cuộc thi 5K” khuyến khích mọi người thiết kế trang web dưới 5 kilobyte và nó đã thành công ngoài sức tưởng tượng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Cuộc thi 5K của Butterfield.
Sau đó, Classon, Butterfield và Salamina Fake (người sau này là vợ của Butterfield) đã cùng nhau thành lập Ludicorp, một startup trò chơi trực tuyến nhiều người chơi. Tuy nhiên, thời điểm đã không đứng về phía họ. Sau khi một bong bóng công nghệ khác nổ tung, công ty của 3 người đã không thể huy động vốn từ các nhà đầu tư.
Butterfield nảy ra ý tưởng cho công ty tiếp theo của mình, bộ dịch vụ web chia sẻ ảnh và nền tảng cộng đồng trực tuyến Flickr, khi anh bị ngộ độc thực phẩm tại một khách sạn ở New York. Sau này, Flickr được bán cho Yahoo với giá 20 triệu USD.
Sau thương vụ này, Butterfield và Fake đã tham gia vào Yahoo nhưng rời đi chỉ một thời gian ngắn sau đó. Butterfield tập hợp đồng nghiệp cũ từ Flickr và Ludicorp để thành lập startup Tiny Speck và phát triển trò chơi mang tên Glitch.
Tuy nhiên, theo Butterfield, Tiny Speck đã phạm phải một số sai lầm và không thu hút được lượng lớn người chơi như dự tính. Nhóm sáng lập phát hiện ra rằng mấu chốt nằm ở công cụ giao tiếp trong thời gian thực của trò chơi. Và đó chính là khởi đầu của Slack. Đây là công cụ nội bộ được sử dụng bởi Tiny Speck trong quá trình phát triển Glitch trước khi chính thức ra mắt năm 2014.
Butterfield chia sẻ: “Glitch quá kỳ lạ với hầu hết mọi người nên chúng tôi đã dừng phát triển trò chơi này năm 2012”.
Sự tăng trưởng của Slack đã gây ấn tượng với một số công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng nhất Thung lũng Silicon như Andreessen Horowitz và Kleiner Perkins Caulfield & Byers. Năm 2015, nó đã trở thành công ty nhanh nhất đạt được trạng thái “kỳ lân” với mức định giá 1 tỷ USD chỉ sau 8 tháng ra mắt.
Mùa hè năm ngoái, Slack đã có 8 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, huy động hơn 1,2 tỷ USD tiền tài trợ và đạt mức định giá 7,1 tỷ USD trong vòng tài trợ cuối cùng.
Giao diện của Slack.
Tháng 4/2019, Slack nộp đơn xin IPO. Tháng 6, công ty dự đoán doanh thu sẽ tăng 50% vào năm 2020. Ngày 20/6 vừa qua, Slack đã chính thức IPO tại Sở giao dịch chứng khoán New York. Giá mỗi cổ phiếu chào bán của công ty là 26 USD.
theo BI