TS Nguyễn Xuân Thủy (ảnh nhỏ).
TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, những người đề xuất hay nói cấm xe máy sau các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong thời gian vừa qua là không hiểu biết về giao thông.
Không thể cấm xe máy được!
Sau một số vụ tai nạn, đặc biệt tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Long An, một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, qua đây cần tuyên truyền để thấy rõ, xe máy là phương tiện kém an toàn và không phải, không thể lấy làm phương tiện giao thông chủ lực của người dân.
Các ý kiến này cũng đề xuất, Việt Nam nên học tập các nước tiên tiến để hạn chế rồi loại bỏ, cấm hẳn xe máy.
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho hay, ông có nghe một số ý kiến cho rằng nên cấm xe máy sau các vụ tai nạn nghiêm trọng, nhưng bản thân chỉ đồng tình việc nên hạn chế chứ không thể cấm xe máy.
Bởi lẽ, theo ông nếu cấm người đi xe máy thì giao thông công cộng phải đảm bảo 100%, nhưng hiện nay nước ta không thể làm được điều này.
“Ngay ở Đài Loan, nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng đường phố vẫn đầy xe máy, hay Bangkok (Thái Lan) bây giờ thế mà họ vẫn đầy xe máy.
Hiện nay, Việt Nam mới đáp ứng được 10 đến 20% nhu cầu đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, còn lại là giao thông cá nhân.
Do vậy, tôi xin được mạn phép nói thế này, những người nói cấm xe máy sau các vụ tai nạn nghiêm trọng vừa qua là những người không hiểu biết về giao thông.
Trước đây, đã có một chuyên gia từng đề xuất cấm xe máy vì cho rằng gây ô nhiễm, tắc đường, mất an toàn nhưng đã bị dư luận “ném đá” rất nhiều và đó là một ví dụ điển hình cho việc này”, TS Thủy nói.
Theo TS Thủy, nhìn lại vụ tai nạn xảy ra ở Long An có thể thấy rõ, lỗi ở đây không phải là do xe máy mà chính do lái xe container đã sử dụng rượu, bia, dương tính với heroin…
“Ai đã xem đoạn clip sẽ thấy rõ, vụ tai nạn này là do xe container đã không làm chủ được tốc độ, vi phạm luật giao thông, đâm vào từ phía sau các xe máy đang đứng chờ đèn đỏ.
Các phương tiện xe máy thực hiện đúng quy định của luật giao thông nhưng bị đâm, gây thiệt hại nặng về người, tài sản như vậy mà lại nói không nên coi là phương tiện chủ lực hay đây là phương tiện không an toàn cần hạn chế, cấm xe máy, việc nói như thế là chưa hiểu hết về giao thông, thiếu đi tính nhân văn, quần chúng”, TS Thủy nêu.
Hiện trường vụ tai nạn ở Long An.
‘Đa phần tai nạn thảm khốc là do ô tô’
Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT nêu rõ, hiện nay, tỷ lệ sử dụng xe máy ở nước ta rất cao, chiếm đến 70 – 80% và đây được coi như “cần câu cơm”, vừa túi tiền, tiện dụng của nhiều người dân trong lúc các phương tiện công cộng chưa được phát triển đúng tầm.
“Hiện nay chúng ta có khoảng 45 triệu xe máy và khoảng 4 triệu xe ô tô. Nếu xét về số lượng, xe máy gấp khoảng hơn 10 lần ô tô và xác suất gây tai nạn cao hơn nhưng nếu nhìn các vụ tai nạn thảm khốc sẽ thấy, đa phần là do ô tô chứ không phải do xe máy.
Ngoài ra, 1 cái xe máy chỉ chiếm dụng mặt đường bằng 1/5 – 1/10 một ô tô, gây ô nhiễm cũng chỉ bằng 1/5 – 1/10 ô tô.
Ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, qua thực tế cho thấy xe máy không phải là phương tiện gây ùn tắc mà nguyên nhân chính do ô tô quá đông, chiếm phần lớn diện tích mặt đường và chỉ cần trong lưu thông, một chiếc xe ô tô chen ngang là ùn tắc.
Trong lúc hạ tầng giao thông đang yếu kém, đường sá ở các TP lớn đa phần nhỏ hẹp, phương tiện công cộng không đảm bảo, xe buýt đông đúc, đi không kịp giờ, tàu điện ngầm, trên cao chưa có thì không thể cấm phương tiện nhanh, tiện lợi như xe máy được”, TS Thủy nhấn mạnh.
Ông nêu ví dụ, trong các giờ cao điểm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, khi mặt đường bị các xe ô tô lớn bé “soán hết” thì chỉ có xe máy mới có thể luồn, lách để đi nhanh, tiện hơn được.
Vị chuyên gia giao thông nhắc lại việc, khi ông còn phụ trách vận tải hành khách ở Bộ GTVT, khi đó, Bộ trưởng Đào Đình Bình có mời ông lên cùng một số cán bộ để hỏi về việc để giảm tai nạn, ùn tắc giao thông nên như thế nào.
Thời điểm đó, một số Viện nghiên cứu, cán bộ có đề xuất để giải quyết vấn đề này cần sớm cấm xe máy.
“Lúc đó là vào những năm 2000 và tôi nêu rõ, thời điểm này, có khoảng hơn 90% người dân sử dụng xe máy, vậy, nếu cấm thì dân sẽ đi bằng gì. Hàng triệu người dân dùng xe máy là “cần câu cơm”, nếu cấm thì tình trạng thất nghiệp xảy ra, ai lo cho họ…?
Sau khi nghe ý kiến của tôi, Bộ trưởng khi đó đã nói, vậy không thể cấm mà chỉ có thể dùng là hạn chế xe máy thôi.
Rõ ràng, cho đến bây giờ và kể cả 10 năm tới, nếu hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng của chúng ta vẫn cứ hạn chế, yếu như thế này, theo tôi, việc cấm xe máy không thể thực hiện được”, TS Thủy nêu quan điểm.