Mỗi năm tại Việt Nam có 8.000 người tử vong do ung thư dạ dày. Các bác sĩ cảnh báo căn bệnh ung thư đường tiêu hoá cách phòng tốt nhất là sàng lọc bệnh sớm.
Báo động trẻ hoá
Theo số liệu được Tổ chức Ung thư toàn cầu thống kê, có hơn 300 người Việt Nam tử vong mỗi ngày vì ung thư. Trong số đó, tỉ lệ bệnh ung thư dạ dày xếp thứ 3 trong số các bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh ung thư dạ dày khi đến bệnh viện điều trị đều ở giai đoạn muộn, mất cơ hội điều trị trong thời gian vàng.
Theo thống kê của Khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện đại học Y dược, TP.HCM năm 2015, tỉ lệ người bệnh ung thư dạ dày dưới 40 tuổi là 22%, tỉ lệ này tiếp tục tăng dần trong những năm gần đây.
TS BS Võ Duy Long – Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hoá, Bệnh viện đại học Y dược, TP.HCM cho biết, có những bệnh nhân tuổi đôi mươi đã bị ung thư dạ dày di căn, đây được xem là bất thường bởi từ trước tới nay. Bởi vì, căn bệnh ung thư dạ dày thường ở người trên 40 tuổi.
Ung thư dạ dày đang trẻ hoá.
Đặc biệt, với người trẻ, ung thư dạ dày thường nguy hiểm do bệnh tiến triển ở giai đoạn di căn xa, người bệnh thường chủ quan không đến bệnh viện điều trị sớm khi có các dấu hiệu nặng như: đi đại tiện phân đen, nôn ói, sụt cân… bệnh đã sang giai đoạn xâm lấn phải cắt bỏ dạ dày.
PGS Đoàn Hữu Nghị, nguyên giám đốc Bệnh viện E Trung ương cũng cho biết trước kia ung thư dạ dày rất hiếm. Thời điểm ông còn công tác ở Bệnh viện K trung ương thì số ca ung thư dạ dày không nhiều nhưng thời gian gần đây. Hiện nay, ung thư dạ dày đã soái ngôi lên hàng thứ 3 sau ung thư phổi, ung thư gan ở cả hai giới.
PGS Nghị cho rằng ung thư dạ dày là ung thư đường tiêu hóa và nó liên quan chặt chẽ tới thói quen ăn uống, sinh hoạt của người dân. Yếu tố ăn uống có liên quan tới ung thư dạ dày có thể kể tới như: thói quen ăn mặn, ăn các sản phẩm thực phẩm bảo quản, ăn cá muối, dưa chua khú…
Thói quen ăn uống cộng với việc nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori hay còn gọi vi khuẩn HP làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng những người có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao nhất là những người nhiễm vi khuẩn HP. Khi bị nhiễm vi khuẩn này sẽ phát triển và nhân lên gây viêm dạ dày, loét dạ dày qua quãng thời gian khoảng 5 – 10 năm sau sẽ phát triển thành ung thư dạ dày.
Bệnh ung thư dạ dày gặp nhiều hơn ở nam giới. Do nam giới hút thuốc nhiều hơn nữ giới, nam giới ăn những thức ăn đa dạng hơn nữ giới và ung thư dạ dày cũng liên quan tới tuổi tác, tuổi càng cao thì nguy cơ càng nhiều.
Với người Việt, PGS Nghị khuyến cáo những người có thói quen ăn nhiều thức ăn nướng, hun khói, tẩm gia vị nhiều dễ bị ung thư dạ dày. Thói quen này đang phổ biến ở giới trẻ, đây cũng là yếu tố thúc đẩy ung thư dạ dày trẻ hoá.
Nói đến di truyền trong ung thư dạ dày, PGS Nghị cho biết có những gia đình anh em trong nhà đều mắc bệnh này. Các nghiên cứu cho rằng ung thư dạ dày cũng liên quan tới di truyền nhưng tỷ lệ rất ít. Châu Á là nơi có tỷ lệ ung thư dạ dày cao ví dụ như Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc và Việt Nam.
Dấu hiệu ung thư dạ dày
Việc điều trị ung thư dạ dày, tiên lượng sống của người bệnh phụ thuộc hoàn toàn và giai đoạn phát hiện ra bệnh. Nếu ở giai đoạn sớm tiền ung thư bệnh nhân chỉ cần phẫu thuật đã có thể triệt căn ung thư. Nhưng ở giai đoạn càng muộn thì việc điều trị càng khó hơn.
Các dấu hiệu của ung thư dạ dày cũng hay nhầm lẫn với các dấu hiệu rối loạn tiêu hoá, viêm dạ dày nên người bệnh thường hay chủ quan.
PGS TS Đoàn Hữu Nghị
Ở giai đoạn sớm, ung thư dạ dày rất mơ hồ. Người bệnh thường có cảm giác chướng bụng, khó chịu ở vùng thượng vị, nóng rát hoặc trào ngược dịch vị, ợ hơi sau khi ăn. Những triệu chứng này có thể hết sau khi uống thuốc trị viêm loét dạ dày nên nhiều người chủ quan cho rằng bệnh dạ dày mà không đi kiểm tra sức khoẻ.
Khi có các dấu hiệu như sút cân, mệt mỏi, ăn uống kém, đại tiện phân đen là giai đoạn bệnh đã xâm lấn rộng sang phúc mạc, di căn… Với những bệnh nhân có biểu hiện đi ngoài phân đen, PGS Nghị cho rằng do chảy máu khối u và máu kèm theo phân có màu đen. Còn máu tươi, máu nhầy thường ở bộ phận đại trực tràng.
Ung thư dạ dày di căn rất nhanh. Các tế bào ác tính sẽ di căn trực tiếp đến các bộ phận lân cận, dẫn đến xuất hiện các triệu chứng cổ trướng, vàng da, gan to, còn có thể dẫn đến các biến chứng như thủng dạ dày, xuất huyết, hoại tử.
Hiện nay, nội soi dạ dày bằng ống mềm là cách tốt nhất để phát hiện ung thư dạ dày. PGS Nghị khuyến cáo người dân không nên chủ quan, khi có dấu hiệu như: đau vùng thượng vị, nóng rát trào dịch vị, ợ chua cần tới các cơ sở y tế để được kiểm tra dạ dày. Để tầm soát ung thư dạ dày, Viện Nghiên cứu ung thư Việt Nam đã khuyến cáo nên tầm soát ung thư dạ dày từ trên tuổi 40.
Những người mang yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình, bị viêm dạ dày mãn tính, nhiễm vi khuẩn HP, hút thuốc lá… nên nội soi dạ dày mỗi năm 1 lần theo định kỳ.