Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) cho biết hầu như tất cả các doanh nghiệp nước này đều quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trung bình mỗi ngày có 3 doanh nghiệp Hàn Quốc khai trương, hoạt động, theo ước lượng của tổ chức này.
Việt Nam là điểm đến của các cheabol
Trong bối cảnh thương chiến thương mại leo thang, các dòng đầu tư đang tìm cách chuyển hướng, tìm nơi trú ẩn mới. Việt Nam đang nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn, giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp lớn.
SK Group đã công bố khoản đầu tư 1 tỷ USD vào VinGroup với tỷ lệ sở hữu khoảng 6,1%. Năm 2018, tập đoàn này cũng thông tin sẽ đầu tư gần nửa tỷ USD vào Massan Group. SK đã thành lập SK South East Asia Investment in Vietnam để có thể nắm giữ kinh doanh ở thị trường 95 triệu dân này. Cách hợp tác với những thương hiệu đã nổi tiếng của SK Group được tờ Nikkei Asia Review đánh giá là có sự khác biệt so với các ông lớn khác như Samsung và LG.
Tuy nhiên, sự lựa chọn đầu tư này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp lãnh đạo SK Group gần đây nhận định là đi đúng hướng. Thủ tướng Phúc bày tỏ hi vọng SK Group và Vingroup có sự hợp tác tốt, đồng thời cam kết sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nhà đầu tư ngoại.
Những tin vui khác về làn sóng đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam có thể kể đến như dự định chuyển dây chuyền smartphone cao cấp của LG từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Việc làm này nhằm tận dụng được mức lương tối thiểu ở Việt Nam vốn chỉ bằng 1/8 Hàn Quốc để LG có thể giảm chi phí, cải thiện lợi nhuận.
Samsung cũng đang ngày càng mở rộng quy mô sản xuất ở Việt Nam về chiều sâu. Việt Nam đang dần trở thành địa điểm chiến lược của Tập đoàn này. Hiện Samsung đã bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng toà nhà trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung tại Hà Nội. Dự kiến khi đi vào hoạt động, trung tâm có quy mô tới 3.000 người, sẽ là cơ sở nghiên cứu và phát triển lớn nhất của Đông Nam Á.
Sự chuẩn bị cho làn sóng đầu tư thứ 4?
Dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam được đánh giá là có sự thay đổi lớn sau một thời gian dài thâm nhập. Bắt đầu từ những dự án thâm dụng lao động như dệt may, da giày, sau đó chuyển FDI Hàn Quốc đã chuyển sang lĩnh vực công nghiệp điện tử. Giá trị đầu tư theo đó đã được thay đổi, tăng lên và có chất lượng hơn, theo Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc.
Ở thời điểm hiện tại, vốn Hàn Quốc đang trong làn sóng đầu tư thứ 3, tập trung vào ngành tiêu dùng và bán lẻ. Còn trong tương lai gần có thể sẽ là làn sóng của ngân hàng, tài chính, fintech…
Hôm 21/6, trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Vương Đình cùng đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã lần đầu tiên đến thăm và làm việc với Hiệp hội tài chính (KOFIA), mở ra cơ hội trao đổi đầu tư, giao lưu giữa doanh nghiệp 2 nước.
Hiện có 16 công ty tài chính là thành viên của KOFIA đang hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực mua bán cổ phiếu, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong thời gian tới, các công ty tài chính này sẽ ký Biên bản ghi nhớ để cung cấp tài chính, tín dụng mở rộng cho các doanh nghiệp ở Hải Phòng.
Hiện các quỹ tài chính của Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 3,5 tỷ USD, tính đến tháng 5/2019, tăng gấp 13 lần so với 4 năm trước đó.
Ngoài ra, khi gặp các lãnh đạo ngân hàng, công ty tài chính ở Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng gợi ý họ có thể mua lại các ngân hàng yếu kém của Việt Nam như Oceanbank, GPbank, CBbank…
Báo cáo của Hiệp hội Các doanh nghiệp tiềm năng cao của Hàn Quốc (AHPEK) cũng từng cho biết từ năm 2016 số lượng dự án đầu tư và tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Trung Quốc giảm mạnh, nguyên do là các doanh nghiệp Hàn Quốc đang chuyển hướng sang đầu tư tại Việt Nam.
Tổ chức này nhận định việc đầu tư mạnh mẽ của các công ty Hàn Quốc hiện nay chính là nhờ vào sự hậu thuẫn bởi chính sách mở cửa tích cực của Chính phủ Việt Nam thông qua các sửa đổi hệ thống pháp luật và chính sách tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang có lợi nhờ vào bối cảnh “Chính sách phương Nam mới” (New Southern Policy) của Hàn Quốc, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước ASEAN.