Trung Quốc muốn triển khai mặt trăng nhân tạo vào năm 2020, Trái Đất sẽ ra sao nếu có 2 “Chị Hằng”?

Một thành phố ở Trung Quốc muốn phóng một mặt trăng nhân tạo lên quỹ đạo vào năm 2020 nhằm giảm thiểu nhu cầu năng lượng bằng cách dùng ánh trăng nhân tạo thay thế đèn đường.

Thứ nhất, để cho bạn đỡ lo, Mặt trăng nhân tạo của Trung Quốc chỉ có tác dụng thay thế đèn chiếu sáng thôi chứ tất nhiên không thể to bằng Mặt trăng thật đâu mà sợ. Chưa biết liệu họ có thành công hay không, nhưng ý tưởng tham vọng của Trung Quốc thực sự khiến chúng ta phải tự hỏi một câu nghiêm túc:

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trái Đất có 2 Mặt Trăng? Mặt trăng “xịn”, không phải đèn chiếu sáng nhé.

Hóa ra, mọi thứ không mơ mộng như bạn tưởng đâu.

Hãy tưởng tượng người em song sinh của Mặt Trăng được phóng vào quỹ đạo và bắt đầu ổn định nhờ lực hấp dẫn của Trái Đất. Khi nó đã vào vị trí của mình, nằm giữa Trái Đất và Mặt Trăng thực sự, nó sẽ bắt đầu khiến các đại dương “nổi sóng”. Trên thực tế, đó là cách Mặt Trăng thực tạo ra thủy triều. Do vậy, Mặt Trăng thứ hai sẽ tăng cường hiệu ứng này, khiến thủy triều lúc đỉnh điểm sẽ cao gấp 6 lần hiện tại, làm xói mòn bờ biển và gây ngập lụt rất nhiều thành phố lớn trên thế giới, trong đó có New York, Singapore và London.

Nhưng đó không phải là mọi hiểm họa mà nó gây ra cho Trái Đất. Lực kéo kết hợp của Trái Đất và Mặt Trăng thực sẽ tác động lên Mặt Trăng thứ hai, tức nó sẽ mắc kẹt trong một “trận kéo co” giữa Trái Đất và “Chị Hằng”. Lực hấp dẫn kéo từ cả hai phía sẽ làm biến dạng bề mặt Mặt Trăng thứ hai, gây ra những đợt phun trào núi lửa dữ dội và nhấn chìm bề mặt của nó dưới những dòng sông nham thạch sôi sùng sục – giống như hàng trăm ngọn núi lửa mà bạn thấy ngày nay trên Mặt Trăng địa ngục Io của Sao Mộc.

Nhưng đó chưa phải là điểm dừng.

Trung Quốc muốn triển khai mặt trăng nhân tạo vào năm 2020, Trái Đất sẽ ra sao nếu có 2 Chị Hằng? - Ảnh 1.

Ngay lúc này, Mặt Trăng của chúng ta đang rời xa khỏi Trái Đất với tốc độ 3,8cm/năm, ngang với tốc độ mọc của móng tay bạn. Cùng lúc đó, lực kéo của nó lên Trái Đất khiến tốc độ quay của hành tinh chúng ta đang sống chậm dần lại, kéo dài thời gian mỗi ngày thêm khoảng 1 giây mỗi 40.000 năm. Nghe có vẻ không nhiều, nhưng nếu có 2 Mặt Trăng, tốc độ này sẽ tăng lên nhiều lần.

Hàng triệu năm tính từ lúc này, ngày sẽ dài thêm 16%, tức kéo dài hơn 28 tiếng. Có thêm thời gian trong mỗi ngày sẽ khá thú vị đấy, nhưng vấn đề không phải nằm ở Trái Đất: Mặt Trăng thứ 2 sẽ tiến dần về phía Mặt Trăng hiện tại. Và đó mới là mối nguy hiểm thực sự.

Sau hàng triệu năm, hai Mặt Trăng sẽ va chạm với nhau – cú va chạm lớn đến nỗi nó sẽ phá nát từng phần rất nhỏ của mỗi Mặt Trăng. Dung nham sẽ phun trào từ tâm của chúng, giống như một quả trứng vỡ lòng đỏ giữa không gian, tạo nên một dải sáng màu đỏ rực rỡ trên bầu trời Trái Đất. Trong khi đó, các mảnh vụn từ vụ va chạm sẽ bay đủ mọi hướng, một số chắc chắn sẽ hướng về Trái Đất, bắn phá bề mặt hành tinh và tạo ra những hố núi lửa rộng hàng dặm!

Đó sẽ là họa diệt chủng với mọi sinh vật trên Trái Đất. Và những thứ không chạm xuống bề mặt sẽ bị “giam lỏng” trên quỹ đạo Trái Đất bởi trọng lực, tạo thành một vòng tròn hình chiếc nhẫn quanh đường xích đạo, tương tự như trên Sao Thổ vậy, nhưng không kéo dài đâu. Chỉ trong vài năm, những mảnh vụn đó sẽ tụ lại, tạo thành một khối vật chất lớn.

Có lẽ bất kỳ ai còn sống lúc đó sẽ gọi khối đất đá đó là… Mặt Trăng, hay một thứ gì đó tốt hơn, chẳng ai biết được!

Tham khảo: BusinessInsider