Mạng 5G đã giải quyết được độ trễ video gặp phải với 4G, đảm bảo quá trình phẫu thuật gần như trong thời gian thực.
Một ca phẫu thuật hết sức đặc biệt vừa được tiến hành thành công tại Trung Quốc. Trong đó, các bác sĩ đã sử dụng mạng 5G để điều hành quá trình nội soi cắt túi mật cho một bệnh nhân cách họ tới 200 km.
Ca phẫu thuật được tiến hành vào tuần trước tại tỉnh Bắc Hồ kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, theo các quan chức của China Mobile – một trong 4 công ty viễn thông đã nhận được giấy phép triển khai mạng 5G ở Trung Quốc cho biết.
Trước đó, Trung Quốc cũng từng nhiều lần thành công trong việc áp dụng mạng 5G vào lĩnh vực y học, cụ thể là trong các cuộc phẫu thuật từ xa. Hồi tháng 3, một bác sĩ ở thành phố Tam Á đã điều khiển thiết bị phẫu thuật qua màn hình để cấy được các điện cực vào não một bệnh nhân Parkinson ở Bắc Kinh cách đó 3,000 km.
Một ca ghép gan phức tạp cũng được thực hiện ở Thâm Quyến dưới sự điều hành của các bác sĩ ở Bắc Kinh thông qua mạng 5G. Các ca phẫu thuật từ xa này giúp giải quyết rất nhiều vấn đề như tiết kiệm chi phí đi lại cho bệnh nhân, giúp các ca bệnh khó tiếp cận được với bác sĩ có trình độ, nhất là các cuộc phẫu thuật khẩn cấp ở vùng xa xôi hẻo lánh.
Trung Quốc: Mạng 5G giúp bác sĩ phẫu thuật được cho bệnh nhân cách xa 200 km
Trong ca phẫu thuật thành công mới nhất qua mạng 5G, bệnh nhân đã được đưa đến phòng mổ ở Chi nhánh Lâm nghiệp Thần Nông, thuộc bệnh viện Thái Khương tỉnh Hồ Bắc. Trong khi các bác sĩ ở đây thực hiện phẫu thuật, họ nhận được chỉ đạo của một nhóm chuyên gia ở thành phố Thập Yến.
Mạng 5G truyền tải các hình ảnh thời gian thực và thông số sự sống của bệnh nhân qua một khoảng cách 200 km mà hầu như không có độ trễ. Tân Hoa Xã nhấn mạnh các hình ảnh và video của cuộc phẫu thuật hết sức rõ ràng, liên tục và không hề bị ngắt quãng.
“Với mạng lưới 5G, nhiều bác sĩ bây giờ có thể hợp tác để tiến hành phẫu thuật cùng lúc, bất kể khoảng cách của họ“, Gu Gui Kunpeng, một quan chức cấp cao của China Mobile cho biết.
Trước đó hồi tháng 3, một ca phẫu thuật cấy ghép kích thích não sâu cũng đã được thực hiện từ xa qua mạng 5G cho một bệnh nhân Parkinson ở Trung Quốc. Khoảng cách của ca phẫu thuật này thậm chí còn ấn tượng hơn, lên đến 3.000km và kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ.
“Ca phẫu thuật diễn ra trong phòng quay của tôi ở Hải Nam. Một bệnh nhân mắc Parkinson ở Bắc Kinh cần phẫu thuật nhưng không thể bay tới Hải Nam được“, bác sĩ Linh Chư Phi tại Khoa phẫu thuật Thần Kinh Bệnh viện Hải Nam ở thành phố Tam Á cho biết.
“Mạng 5G đã giải quyết các vấn đề như độ trễ video và độ trễ điều khiển từ xa gặp phải trong mạng 4G, đảm bảo quá trình phẫu thuật gần như trong thời gian thực. Và bạn hầu như không cảm thấy rằng bệnh nhân ở cách xa 3.000 km“.
Một bác sĩ Trung Quốc trình diễn phẫu thuật nội soi thông qua mạng 5G và robot điều khiển từ xa
Trung Quốc đang triển khai mạng 5G để đáp ứng nhu cầu của người dân trong nhiều lĩnh vực bao gồm giao thông, giải trí và chăm sóc sức khỏe. Cho đến nay, tỉnh Hồ Bắc đã xây dựng hơn 300 trạm 5G và phủ sóng tín hiệu 5G toàn bộ phạm vi thành phố trực thuộc.
Thủ đô của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đã xây dựng 4.300 trạm 5G trong khu vực đô thị lõi với các tòa nhà mang tính biểu tượng. Song hành với đó, chính phủ nước này đã bắt đầu cấp giấy phép 5G cho các công ty viễn thông hiện thực hóa công nghệ siêu tốc độ của họ.
5G là công nghệ di động thế hệ tiếp theo, với tốc độ truyền tải được cho là nhanh gấp từ 10 đến 100 lần so với các mạng 4G LTE hiện tại.
Tham khảo Xinhua