Mỹ và Australia thường xuyên đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ về việc đảm bảo tự do hàng hải tại châu Á – Thái Bình Dương trước sự bành trướng không ngừng của Trung Quốc.
Trang Sina của Trung Quốc vừa đăng tải chùm ảnh về hoạt động huấn luyện tác chiến của nhóm 5 tàu ngầm tấn công Mỹ và Australia tại vùng biển phía Tây nước Úc. Tờ báo Trung Quốc bình luận rằng đây là diễn biến cần đặc biệt quan tâm khi rõ ràng hành động này nhằm gửi một thông điệp răn đe.
Về phía Mỹ, hải quân nước này đã điều động tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Santa Fe (SSN-763) thuộc lớp Los Angeles. Con tàu được khởi đóng ngày 9/7/1991, hạ thủy ngày12/12/1992 và chính thức làm nhiệm vụ từ ngày 8/1/1994.
Chiếc USS Santa Fe có lượng giãn nước tiêu chuẩn 6.000 tấn và lên tới 6.927 tấn khi mang đầy tải, chiều dài 110,3 m; chiều rộng 10 m và mớn nước 9,4 m; thủy thủ đoàn bao gồm 98 người trong đó có 12 sĩ quan.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Santa Fe (SSN-763) trong hoạt động huấn luyện tác chiến cùng Hải quân Hoàng gia Australia
“Trái tim” của tàu ngầm tấn công USS Santa Fe (SSN-763) là lò phản ứng hạt nhân S6G, cho tốc độ di chuyển 20 hải lý/h (37 km/h) và tầm hoạt động không giới hạn, chỉ phụ thuộc duy nhất vào lượng lương thực mang theo, độ sâu lặn tối đa của các tàu ngầm lớp Los Angeles đạt 240 m.
Thiết bị quan trọng bậc nhất của chiếc USS Santa Fe là sonar thụ động BSY-1/BQQ-10 giúp nó nhận thức tốt các mối đe dọa. Vũ khí của tàu ngầm SSN-763 bao gồm 4 ống phóng ngư lôi hạng nặng Mk 48 ADCAP cỡ 533 mm.
Ngoài ra nó còn triển khai được tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk Block 3 (tầm bắn 3.100 km) và tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon (tầm bắn 130 km), đi kèm các loại thủy lôi Mk 60 và Mk 67.
Tàu ngầm lớp Collins của Hải quân Hoàng gia Australia phối hợp tác chiến cùng chiếc USS Santa Fe
Về phía Hải quân Hoàng gia Australia (RAN), nước chủ nhà đã điều động 4 trên 6 tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Collins đang có trong biên chế của mình để phối hợp diễn tập tác chiến cùng tàu Santa Fe.
Tàu ngầm lớp Collins đã phục vụ trong biên chế RAN từ năm 1996 tới nay để thay thế cho lớp Oberon thế hệ cũ, quá trình đóng tàu diễn ra từ năm 1990 đến năm 2003 mới chấm dứt.
Thông số kỹ chiến thuật cơ bản của tàu ngầm lớp Collins bao gồm chiều dài 77,42 m; chiều rộng 7,8 m; mớn nước 7 m; lượng giãn nước khi nổi đạt 3.100 tấn và lên tới 3.407 tấn khi lặn; thủy thủ đoàn 42 – 58 người.
Hệ thống động lực của chiếc Collins bao gồm 3 động cơ diesel Garden Island-Hedemora HV V18b/15Ub (VB210) và 3 máy phát điện Jeumont-Schneider, cho tốc độ di chuyển tối đa 10 hải lý/h (19 km/h) khi nổi hoặc 20 hải lý/h (37 km/h) khi lặn.
Tầm hoạt động của tàu ngầm Collins đạt 11.500 hải lý (21.300 km) khi đi nổi hoặc 9.000 hải lý (17.000 km) khi dùng ống thở, hoặc 480 hải lý (890 km) khi chạy ngầm ở tốc độ 4 hải lý/h (7,4 km/h), thời gian bám biển liên tục 70 ngày, độ sâu lặn tối đa 200 m.
Tàu được tích hợp sonar gắn liền Thomson Sintra Scylla và sonar kéo Thales SHORT-TAS cùng hệ thống quản lý chiến đấu Raytheon CCS Mk2 (AN/BYG-1). Vũ khí gồm 6 ống phóng cỡ 533 mm, mang theo hỗn hợp ngư lôi hạng nặng Mark 48 Mod 7 CBASS và tên lửa hành trình chống hạm UGM-84C Harpoon.
Màn biểu dương lực lượng của Hải quân Mỹ và Australia có lẽ sẽ khiến cho Hải quân Trung Quốc phải cân nhắc thật kỹ lưỡng nếu thạm vọng bành trướng thế lực xuống các vùng biển phía Nam.
Tàu ngầm tấn công lớp Collins của Hải quân Hoàng gia Australia