Trung Quốc lại gây tranh cãi khi tạo ra phôi thai nửa người nửa khỉ

Đó có phải là tương lai của cấy ghép dị chủng?

Từ lâu, Trung Quốc đã được biết đến như một miền đất hứa cho các nghiên cứu sinh học gây tranh cãi. Nhờ những quy định được nới lỏng, họ đã luôn dẫn đầu thế giới trong việc tạo ra những sinh vật kỳ lạ. 

Đầu tiên là lợn mang gen chuột, sau đó là nấm men nhân tạo, khỉ nhân bản và thậm chí hai bé gái chỉnh sửa gen đã được sinh ra ở Trung Quốc vào năm 2018.

Trong một động thái mới, Trung Quốc lại vừa tạo ra một phôi thai lai có thể khiến bạn rối não khi nghĩ về nó. Đó là một phôi thai nửa người nửa khỉ, theo nguồn tin từ tờ El País của Tây Ban Nha cho biết.

Trung Quốc lại gây tranh cãi khi tạo ra phôi thai nửa người nửa khỉ - Ảnh 1.

Trung Quốc lại gây tranh cãi khi tạo ra phôi thai nửa người nửa khỉ

Nghiên cứu được tiến hành dưới sự hợp tác của Trung Quốc với nhà sinh vật học gốc Tây Ban Nha Juan Carlos Izpisúa Belmonte. 

Belmonte hiện đang điều hành một phòng thí nghiệm tại Viện Salk, California, Hoa Kỳ. Nhưng bởi những quy định hết sức khắt khe của Mỹ trong nghiên cứu khoa học, ông ấy đã phải đến Trung Quốc để thực hiện lai tạo các phôi thai nửa người nửa khỉ.

Mục đích là tạo ra những động vật lai người, trong trường hợp này, họ dùng phôi khỉ và tiêm thêm vào đó những tế bào người. Ý tưởng đằng sau nghiên cứu này là nếu một con khỉ thực sự lớn lên từ phôi thai lai đó, nó sẽ phát triển bên trong mình những nội tạng mang tế bào người, thứ có thể được dùng để cấy ghép sang cơ thể chúng ta.

Động vật lai người có thể mở ra cánh cửa cho tương lai cấy ghép dị chủng, lấy nội tạng một loài cấy sang cho loài khác, mà loài hưởng lợi đầu tiên chính là con người chúng ta. Lĩnh vực khoa học này hứa hẹn sẽ giải quyết được vấn đề thiếu hụt nguồn cung tạng ghép trên toàn thế giới hiện nay.

Trong công việc của mình, để tạo ra được các phôi thai lai giữa khỉ và người, Belmonte đã cùng các đồng nghiệp Trung Quốc tiêm tế bào gốc phôi người vào phôi khỉ. Hi vọng của ông là các tế bào này sẽ phát triển cùng nhau trong phôi thai.

Trước đây, Belmonte đã thử tiêm thêm tế bào người vào phôi lợn, nhưng đáng tiếc, các tế bào người đã không phát triển một cách hiệu quả. Bây giờ, ông ấy đặt hi vọng vào sự tương đồng giữa bộ gen của khỉ và người sẽ giúp ý tưởng đó thành công.

Hơn nữa, lần này Belmonte còn sử dụng một công nghệ chỉnh sửa gen để vô hiệu hóa sự hình thành của một số loại tế bào trong phôi khỉ, từ đó tạo điều kiện cho tế bào người phát triển nhiều hơn.

Như đã nói, thí nghiệm này là một động thái cực kỳ gây tranh cãi. Tại Mỹ, Viện Y tế Quốc gia cho biết họ không bao giờ tài trợ cho các thí nghiệm tạo ra phôi hỗn hợp giữa người và khỉ.

Một trong những mối lo ngại lớn nhất của loại hình thí nghiệm này, đó là khi các tế bào người phát triển và chiếm lĩnh bộ não khỉ. Khi đó, chúng ta không chắc những con vật này có mang trí thông minh của con người hay không.

Nếu câu trả lời là ““, đó sẽ là một khủng hoảng kinh hoàng về mặt đạo đức. Chúng ta có thể đã tạo ra một “con người” bị nhốt trong thể xác của một con khỉ?

Trung Quốc lại gây tranh cãi khi tạo ra phôi thai nửa người nửa khỉ - Ảnh 2.

Động vật lai người có thể mở ra cánh cửa cho tương lai cấy ghép dị chủng, lấy nội tạng một loài cấy sang cho loài khác, mà loài hưởng lợi đầu tiên chính là con người chúng ta.

May mắn thay, cho đến nay chưa hề có con khỉ lai người nào được sinh ra. Các nhà khoa học chỉ nuôi phôi lai của mình tối đa 2 tuần trong môi trường thí nghiệm. Sau đó, nó sẽ bị phá hủy, Estrella Núñez, một nhà sinh học tại Đại học Catholic, Tây Ban Nha cho biết.

Hiện tại, Viện Salk chưa xác nhận về việc Belmonte phải lặn lội từ Mỹ sang Trung Quốc để thực hiện thí nghiệm này. Khi được trang tin MIT Technology Review hỏi liệu báo cáo của El Pais có chính xác không, Viện Salk đã không trả lời.

Pablo Ross, một nhà nghiên cứu thú y tại Đại học California, người trước đây từng làm việc với Viện Salk để tạo ra những phôi thai nửa người nửa lợn, chia sẻ rằng ông không nghĩ việc cố gắng phát triển nội tạng người bên trong một con khỉ là điều hợp lý.

Tôi luôn cho rằng việc sử dụng linh trưởng cho mục đích đó là vô nghĩa. Thông thường, phôi của chúng rất nhỏ và mất quá nhiều thời gian để phát triển“, ông nói.

Tuy nhiên, Ross cho rằng mục đích của nghiên cứu này có thể là để trả lời các câu hỏi cơ bản hơn trong khoa học. Việc tiêm tế bào người vào phôi khỉ có thể tìm ra những lời giải về “khoảng cách tiến hóa và các rào cản giao thoa giữa các loài“, ông nói.

Tham khảo Technologyreview