(Ảnh: AP)
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc được cho là chưa đánh giá đúng mức độ tình hình khi chỉ số tăng trưởng kinh tế nước này thấp kỷ lục trong Quý 3.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, hơn 1/3 số tỉnh thành của Trung Quốc cho đến nay đang không đạt được các mục tiêu tăng trưởng của năm. Những khu vực khó khăn truyền thống phải nhận tổn thất lớn nhất, theo các số liệu của chính phủ Trung Quốc.
Ví dụ, ba tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc – gồm Liêu Ninh, Hắc Long Giang, và Cát Lâm – tăng trưởng trong ba quý đầu năm 2019 lần lượt là 5.7%, 5.3% và 1.8%. Các chỉ số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng của ba tỉnh, lần lượt là 6-6.5%, 5% và 5-6%.
Nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng GDP Trung Quốc tụt xuống mức 6% trong Quý 3 không phải là điều đáng ngạc nhiên, do hệ quả của nền kinh tế phát triển chậm lại dưới những tác động của chiến tranh thương mại với Mỹ. Các nhà hoạch định Trung Quốc, bao gồm thủ tướng Lý Khắc Cường, thừa nhận công khai trên một số diễn đàn rằng kinh tế nước này đang đối mặt với sức ép đi xuống.
Theo SCMP, suy luận tuyến tính từ các số liệu hiện có, kinh tế Trung Quốc có thể sớm chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng dưới 6% – mức đáy trong chỉ tiêu tăng trưởng cả nước năm 2019 (6-6.5%).
Nếu chỉ tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu năm nay là 6% không đạt được, ông Lý sẽ trở thành thủ tướng Trung Quốc đầu tiên báo cáo trước Quốc hội trong kỳ họp vào đầu năm sau, với “vết đen” không hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Mục tiêu tăng gấp đôi GDP vào năm 2020 sẽ thất bại?
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11/2012, mục tiêu tham vọng được đặt ra là đến năm 2020 nước này sẽ tăng gấp đôi GDP và thu nhập bình quân đầu người so với năm 2010, như một phần trong cam kết của ban lãnh đạo mới – do ông Tập Cận Bình đứng đầu – về xây dựng “xã hội khá giả toàn diện”.
Ông Tập cũng tuyên bố tại Đại hội XIX của đảng vào năm 2017 về mục tiêu đến năm 2020 Trung Quốc sẽ hoàn toàn không còn hộ nghèo, đạt bước tiến cơ bản để hướng tới mục tiêu “xã hội khá giả”.
Đây cũng được xem là chỉ dấu trong hành trình của Trung Quốc trở thành một siêu cường.
Tuy nhiên, các tính toán chỉ ra rằng nếu chỉ số tăng trưởng tiếp tục thấp hơn mức 6% vào năm 2020 thì Trung Quốc có rủi ro không thể hoàn thành kịp mục tiêu đề ra vào thời hạn này.
Trong khi giới chức Trung Quốc những năm gần đây không còn đề cập nhiều đến mục tiêu nói trên, thị trường có xu hướng tin rằng mức độ tăng trưởng xác định cần được duy trì, bởi điều này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược dài hạn của Trung Quốc.
Theo SCMP, với sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc thời gian qua, thị trường có thể cần đánh giá lại về nước này. Chiến tranh thương mại với Mỹ là một diễn biến “thay đổi cuộc chơi” và làm suy yếu đáng kể khả năng phản ứng của Bắc Kinh.
Sau hơn 1 năm đối đầu bằng thuế quan, hai nước chỉ mới đang ngấp nghé trước thỏa thuận “giai đoạn 1”. Đối đầu thương mại nhiều khả năng sẽ tiếp diễn, và các nhà hoạch định Trung Quốc cần hành động cẩn trọng, cũng như dự trữ “đạn dược” cho cuộc giằng co trường kỳ.
Điều này lý giải việc giới chức Trung Quốc chững lại trong nới lỏng chính sách thời gian vừa qua, khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng, đặc biệt là các nhà buôn trái phiếu.
Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 20/10 bất ngờ thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm ở mức 4.2%, kể từ khi đưa ra loại lãi suất này trong tháng 8/2019. LPR kỳ hạn 5 năm cũng giữ nguyên ở mức 4.85%.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì phiên tọa đàm ngày 14/10 tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Tại đây, ông yêu cầu các tỉnh trưởng củng cố “tư duy giới hạn đáy”, ngụ ý mục tiêu của năm 2019 – bao gồm chỉ tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 6% – có rủi ro không đạt được (Ảnh: Xinhua)
Mới đây nhất, PBOC ngày hôm qua (5/11) thông báo hạ lãi suất cho vay trung hạn (MLF) lần đầu tiên kể từ năm 2016, từ 3.30% xuống 3.25%, nhằm thúc đẩy nổ lực vực dậy nền kinh tế do lượng cầu trong và ngoài nước đều giảm. Động thái này được cho là mở đường để tiếp tục hạ LPR trong vài tuần tới, theo lịch trình được công bố ngày 20 hàng tháng.
Dù vậy, sự tiết chế của các nhà quyết sách phản ánh nghi ngại về tính hiệu quả của những giải pháp kích cầu truyền thống. Vấn đề nợ nần của Trung Quốc là một trong những mối lo hiện hữu rõ nhất, trong khi thương chiến cũng khiến việc chuyển tải chính sách tiền tệ trở nên kém hữu hiệu.
Ví dụ, các doanh nghiệp vấp phải nhiều khó khăn để đưa ra kế hoạch dài hạn cụ thể, bởi tất cả phương án thương mại đều tiềm ẩn bất ổn. Điều này đang có xu hướng lan rộng thành hiện tượng toàn cầu, khi hoạt động đầu tư sản xuất suy giảm ở khắp các nền kinh tế lớn.
Mọi người đều tìm kiếm phương án thay thế. Một giải pháp khả thi cho các công ty Trung Quốc là chuyển dây chuyền tới các nước ASEAN. Song, các nước ASEAN cũng có thể trở thành “điểm đến” tiếp theo của thương chiến nếu như thặng dư thương mại với Mỹ được nới rộng, và do đó các công ty vẫn sẽ phải lo lắng về rủi ro khi tìm kiếm giải pháp dự phòng.
Bởi vậy, nếu không đạt được cách giải quyết căn bản cho mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung Quốc, tâm lý cảnh giác vẫn sẽ đeo bám nền kinh tế, và kéo viễn cảnh tăng trưởng tổng thể đi xuống.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại là tất yếu
Sự sụt giảm sâu hơn của nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai gần dường như là điều tất yếu, cho nên 6% khó có khả năng là mức tăng trưởng nền trung-dài hạn của nước này.
Đáng lo ngại hơn là, bất kỳ sự nới lỏng chính sách mạnh mẽ nào cũng khó có thể phát huy khả năng tái thiết đáng kể, mà thay vào đó là gây ra bong bóng tài sản – đặc biệt là trên thị trường nhà đất.
Điều quan trọng, theo SCMP, là thị trường cần chấp nhận rằng hướng đi mới của Trung Quốc đang được định hình. Bắc Kinh sẽ tìm kiếm cân bằng giữa tăng trưởng, ổn định tài chính và động lực bên ngoài.
Không giống như thập kỷ trước – khi Trung Quốc có lợi thế lớn nhờ điều kiện bên ngoài, nước này giờ đây sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để khắc phục những thách thức toàn cầu.
Từ góc độ như vậy, chỉ số tăng trưởng sẽ trở nên ít quan trọng hơn, và việc thiếu “một chút” chỉ tiêu có thể sẽ trở thành thường thái mới tại Trung Quốc. Với logic này, không có gì ngạc nhiên nếu đến một thời điểm nào đó Trung Quốc có thể hủy bỏ mục tiêu chính thức, và đây là điều cần thiết để cầm cự trong xung đột thương mại lâu dài.