Ảnh: FT
Tháng 8/2019, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 25 năm, nhưng đó chưa phải là điểm dừng cuối cùng, phía trước có thể còn nhiều cú sốc.
Vết trượt kéo dài
Mỹ-Trung đều đã phát tín hiệu nối lại đàm phán, căng thẳng chiến tranh thương mại có đôi chút lắng dịu và ở phiên cuối cùng của tháng 8/2019, tỷ giá đồng NDT giao dịch tại Trung Quốc Đại lục (CNY) có lúc tăng hơn 120 điểm.
Tuy nhiên, càng về cuối phiên, đà tăng càng giảm và tỷ giá đồng NDT đóng cửa ở mức 7,1452 NDT đổi 1 USD, chỉ còn tăng 62 điểm so với phiên trước. Dẫu vậy, đây vẫn là mức đóng cửa cao nhất trong tuần cuối cùng của tháng 8/2019.
Tính chung trong tháng 8/2019, tỷ giá tham chiếu của đồng NDT giảm 2,88% còn trên thực tế, CNY giảm 3,63% so với đồng USD. Đây là mức giảm lớn nhất trong 1 tháng kể từ năm 1994, khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách kết hối ngoại tệ bắt buộc theo quy định của Quốc vụ viện (chính phủ) và quy định về cải cách cơ chế quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC, ngân hàng trung ương).
Theo tờ Thời báo Trung Quốc, vấn đề ở chỗ đồng NDT rõ ràng đã trở thành thứ vũ khí “đường cùng” mà Bắc Kinh sử dụng để chống lại chiến tranh thương mại.
Ảnh minh họa: Japan Times
Trong khi đó, dù Mỹ và Trung Quốc vẫn đang giữ liên lạc với nhau ở nhiều cấp nhằm bàn thảo về vấn đề thương mại song phương, nhưng ông Trump cho biết việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ không bị trì hoãn. Bộ Tài chính Mỹ cũng xác nhận mức thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ được nâng từ 10% lên 15%.
Như vậy, từ ngày 1/9/2019, khoảng 125 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, gồm đồng hồ thông minh, TV màn hình phẳng và giày dép… sẽ bị áp thuế bổ sung 15%. Tiếp đó vào ngày 15/12/2019, phần còn lại trong 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc cũng sẽ bị áp thuế bổ sung 15%.
Ngoài ra, mức thuế bổ sung đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã bị Mỹ trừng phạt trước đó có thể bị nâng từ 25% lên 30% từ ngày 1/10/2019 nếu việc điều tra dân ý không gây cản trở đáng kể.
Theo tỷ phú đầu cơ Kyle Bass, người sáng lập quỹ phòng hộ Hayman Capital, trước đây, Trung Quốc thường bán ra đồng USD, mua vào đồng NDT để hỗ trợ tỷ giá.
Nếu Trung Quốc thay đổi cách làm, để thả nổi tỷ giá, đồng NDT sẽ phá giá nhanh, có thể phá giá 30%-40%. Ở một góc nhìn khác, Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch (BOAML) cho rằng những đòn thuế quan mới sẽ khiến phía Trung Quốc rơi vào tình cảnh khốn khó hơn. Dự kiến, đồng NDT tiếp tục trở thành công cụ chính sách để ứng phó với tác động từ biện pháp thuế quan của Mỹ.
Sau khi đồng NDT phá mốc tâm lý 11 năm (7 NDT đổi 1 USD) vào ngày 5/8, BOAML đã điều chỉnh mức dự báo tỷ giá đồng NDT cuối năm 2019, từ mức 6,63 NDT đổi 1 USD xuống mức 7,3 NDT đổi 1 USD. Lần này, theo BOAML, chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ khiến các nhà quyết sách Trung Quốc đối mặt với cục diện khó khăn hơn nhiều.
Do phía Trung Quốc vẫn sử dụng đồng NDT để loại bỏ ảnh hưởng của biện pháp thuế quan từ Mỹ, cho nên, dự kiến đồng NDT sẽ tiếp tục mất giá cùng với thời gian biểu thực thi các biện pháp thuế quan mới của Mỹ, cuối năm 2019 xuống mức 7,66 NDT đổi 1 USD.
Trong trường hợp Mỹ áp thuế bổ sung 25% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc, theo bộ phận sách lược ngoại hối thuộc Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB), để loại bỏ ảnh hưởng từ biện pháp thuế quan của Mỹ, tỷ giá đồng NDT có thể phải giảm xuống mức 7,88 NDT đổi 1 USD.
Nếu mức thuế quan được nâng lên 30%, tỷ giá đồng NDT tiếp tục giảm, có thể xuống 8,19 NDT đổi 1 USD và chỉ cần qua mốc 8 NDT đổi 1 USD, đồng NDT đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005.
Con dao hai lưỡi
Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Về lý thuyết, đồng NDT phá giá sẽ tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, thậm chí loại bỏ ảnh hưởng của biện pháp thuế quan từ Mỹ. Tuy nhiên, việc biến tỷ giá hối đoái thành công cụ là con dao hai lưỡi.
Thứ nhất, cơ cấu xuất nhập khẩu của Trung Quốc khiến việc phá giá đồng NDT trở thành lợi bất cập hại. Số liệu của tổ chức quan sát kinh tế OEC cho thấy năm 2017, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc đạt 2.410 tỷ USD, trong đó phần lớn là các mặt hàng cơ bản: Máy móc, hàng điện tử chiếm 48,54%; dệt may chiếm 9,9% và kim loại chiếm 7,1%. Các mặt hàng này ít ảnh hưởng tới tiêu dùng dân sinh.
Ngược lại, giá trị nhập khẩu của Trung Quốc năm 2017 đạt 1.540 tỷ USD, trong đó đa phần là các mặt hàng liên quan tới tiêu dùng dân sinh như khoáng sản, gồm dầu khí, than đá…, chiếm 23,7% (333 tỷ USD); phương tiện giao thông, gồm xe hơi, máy bay… chiếm 7,5% (105 tỷ USD); thịt động vật các loại, đậu tương, rau quả và thực phẩm chiếm 7,36% (103 tỷ USD).
Thực tế này cho thấy tiêu dùng dân sinh của Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào nhập khẩu, nếu đồng NDT phá giá mạnh sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát, gián tiếp khiến giá hàng hóa trong nước của Trung Quốc leo thang.
Thứ hai, theo nghiên cứu viên George Magnus thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Oxford (Anh), mô hình thương mại hiện nay đã thay đổi và tác động của việc phá giá đồng nội tệ đối với kinh tế không còn lớn nữa.
Bởi trong chuỗi cung ứng, những lợi thế mà nhà xuất khẩu có được từ đồng nội tệ bị phá giá sẽ bị triệt tiêu bởi việc họ phải nhập khẩu linh kiện để hoàn thiện sản phẩm với giá cao hơn do đồng nội tệ phá giá.
Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho thấy việc phá giá đồng tiền của một quốc gia thường mang tới tác động nhanh chóng đối với nhập khẩu trong khi chỉ có tác dụng kích thích xuất khẩu ở thời gian đầu sau khi đồng tiền bị phá giá. Nguyên nhân là do các đối tác thương mại của quốc gia phá giá tiền tệ cũng sẽ tìm cách để đồng tiền của mình mất giá.
Những cảnh báo nêu trên từng xuất hiện, nhưng tại sao đồng NDT vẫn phá giá?
Như đã nêu ở trên, Trung Quốc thường bán ra đồng USD, mua vào đồng NDT để hỗ trợ tỷ giá. Năm 2015, Trung Quốc tiến hành cải cách tỷ giá, đồng NDT cũng mất giá mạnh. Để ngăn chặn, kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc bị bào mòn gần 1.000 tỷ USD trong hơn 1 năm.
Tuy nhiên, hiện nay, đồng NDT liên tục phá hết mốc này đến mốc khác và đang ở mức thấp nhất trong 11 năm.
Theo Tuần san Thương mại, câu chuyện này diễn ra cùng với việc Trung Quốc tăng cường quản lý dòng vốn chảy ra nước ngoài, chần chừ mua nông sản Mỹ, không muốn bán ra đồng USD, phát hành trái phiếu bằng đồng NDT ở nước ngoài.
Điểm chung của các động thái này là “tránh phải chi đồng USD” và đây là cơ sở làm xuất hiện suy đoán rằng Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu USD để điều tiết thị trường. Nếu suy đoán này đúng, niềm tin đối với đồng NDT càng bị lung lay và không chừng, những cú sốc đối với đồng NDT vẫn còn ở phía trước.