Trở thành ủy viên Hội đồng bảo an LHQ, Việt Nam có 10 quyền hạn và trọng trách to lớn nào?

Ảnh: Sputnik

Ngoài các thành viên thường trực, Hội đồng Bảo an LHQ còn có các thành viên không thường trực và có khả năng cao Việt Nam sẽ giành được vị trí này cho nhiệm kì 2 năm tới.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

Là một trong sáu cơ quan chính của Liên Hợp Quốc (LHQ), Hội đồng Bảo an (HĐBA) được các quốc gia thành viên trao trách nhiệm chính đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Theo Điều 4 và 25 của Hiến chương LHQ, tất cả các nước thành viên LHQ đồng ý chấp nhận và thực thi các quyết định của HĐBA.

Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghịđối với các chính phủ của các quốc gia thành viên, các quyết định và nghị quyết của HĐBA khi đã được thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của LHQ đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành.

HĐBA gồm 15 thành viên: 5 thành viên thường trực (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ) và 10 thành viên không thường trực có nhiệm kỳ 2 năm do Đại hội đồng LHQ bầu.

10 ghế không thường trực HĐBA được phân theo khu vực địa lý. Mỗi thành viên thường trực và không thường trực nắm một lá phiếu, tuy nhiên, chỉ 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết (phiêu chống của một thành viên thường trực đối với một quyết định mang tính thực chất của HĐBA).

Theo thủ tục hoạt động tạm thời của HĐBA, các quyết định về các vần đề mang tính thủ tục cần đạt tối thiểu 9/15 phiếu ủng hộ; các quyết định về các vấn đề thực chất cần đạt tối thiểu 9 phiếu ủng hộ và không bị bất kỳ thành viên thường trực nào phủ quyết.

Trở thành ủy viên Hội đồng bảo an LHQ, Việt Nam có 10 quyền hạn và trọng trách to lớn nào? - Ảnh 1.

Chức năng, quyền hạn

Để hoàn thành trách nhiệm chính là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, HĐBA có một số chức năng như: kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; đưa ra các khuyến nghị cách thức giải quyết nếu các bên đồng ý; điều tra tranh chấp, tình huống để xác định có đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế hay không,…

Các biện pháp của HĐBA có thể bao gồm lệnh trừng phạt hoặc áp dụng hành động quân sự. Lệnh trừng phạt có thể áp dụng đối với cá nhân, tổ chức hoặc công ty, hạn chế thương mại đối với một số lĩnh vực hoặc hàng hóa, cấm vận vũ khí, giao dịch tài chính, hạn chế ngoại giao, vận tải, hàng không…

Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, nếu trở thành thành viên không thường trực của HĐBA, Việt Nam sẽ nắm giữ 10 chức năng và quyền hạn như sau:

1. Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế theo nguyên tắc và mục tiêu của Liên Hợp Quốc

2. Điều tra bất kì tranh chấp hoặc tình huống có thể dẫn tới mâu thuẫn quốc tế

3. Đề xuất phương thức giải quyết mâu thuẫn hoặc kế hoạch hòa giải

4. Xây dựng hệ thống quy định đối với vũ khí quân sự

5. Xác định mối đe dọa đối với nền hòa bình, những hành vi gây chiến và đề xuất phương án giải quyết

6. Kêu gọi các thành viên LHQ áp dụng cấm vận kinh tế và các phương thức khác không sử dụng tới vũ lực để ngăn cản hoặc ngăn chặn hành vi gây chiến

7. Sử dụng biện pháp quân sự chống lại quốc gia xâm lược

8. Đề xuất kết nạp thành viên mới cho LHQ

9. Thực hiện các chức năng được LHQ ủy thác tại “những khu vực chiến lược”

10. Đề xuất trước Đại Hội đồng về việc bổ nhiệm Tổng thư ký LHQ và cùng với Hội đồng bầu ra các Thẩm phán của Tòa án Công lý Quốc tế.

Theo Tuyên bố tóm tắt của Tổng thư ký LHQ về các vấn đề HĐBA trong giai đoạn 1/1/2016 tới 31/12/2018, HĐBA hiện đang xem xét và xử lí 52 vấn đề. Nổi bật trong số đó có thể kể tới: tình hình tại Afghanistan, tình hình Trung Đông, tình hình tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tình hình tại Libya, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt,…

Đóng góp của Việt Nam với vai trò là thành viên không thường trực của HĐBA

Việt Nam từng là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong nhiệm kỳ năm 2008 – 2009.

Trong thời gian đảm nhiệm vị trí này, Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ trong nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết xung đột ở những điểm nóng trên thế giới, thúc đẩy hoạt động giữ gìn hòa bình của HĐBA, đóng góp sáng kiến về tăng cường vai trò của phụ nữ trong hòa bình và an ninh.

Trở thành ủy viên Hội đồng bảo an LHQ, Việt Nam có 10 quyền hạn và trọng trách to lớn nào? - Ảnh 3.

Năm nay, Việt Nam lại có cơ hội trở thành thành viên không thường trực của HĐBA, với nhiệm kỳ 2 năm (2020-2021). Với sự ủng hộ được cam kết bằng văn bản của hơn 120 nước và sự cam kết của nhiều nước khác, khả năng trúng cử của Việt Nam là rất cao. Ngoài ra, Việt Nam cũng là ứng cử viên duy nhất của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

So với thành viên thường trực, các thành viên không thường trực của HĐBA đối diện với nhiều thách thức hơn. Cụ thể, các chương trình nghị có yêu cầu rất cao và các thành viên thường trực có nhiều kinh nghiệm, nhân lực hơn trong quá trình chuẩn bị. Ngoài ra, quyền phủ quyết của thành viên thường trực sẽ giúp các quốc gia này có tiếng nói hơn.

Tuy nhiên, nếu vượt qua được những thách thức nói trên và hoàn thành nhiệm vụ, Việt Nam sẽ khẳng định được uy tín, vị thế trước cộng đồng quốc tế và tiếng nói có trọng lượng hơn trong khu vực.

Năm 2010, khi tới thăm Việt Nam, ông Colin Keating – Giám đốc điều hành tổ chức Báo cáo Hội đồng Bảo an – nhận định: Việt Nam đã làm rất tốt vai trò của mình trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, thể hiện tính chuyên nghiệp về mặt ngoại giao, tính can đảm trong việc bảo vệ những nguyên tắc mà mình ủng hộ cũng như tính hiệu quả trong việc tìm kiếm đưa ra những giải pháp…

Theo ông Coolin Keating, việc thể hiện rõ lập trường quan điểm là rất quan trọng, nhất là khi phải bỏ phiếu. Việt Nam đã thể hiện sẵn sàng bảo vệ quan điểm, lập trường của mình và Việt Nam đã được tôn trọng vì việc đó. Các thành viên của HĐBA cũng nhìn nhận Việt Nam có nguyên tắc đảm bảo cân bằng, bên cạnh đó cũng đưa ra quan điểm như cần có vai trò của LHQ, bảo vệ thường dân…

(Theo TTX – Bộ Ngoại giao Việt Nam)