BS Riko Muranaka – người “lật tẩy” kết quả nghiên cứu bị bịa đặt về vaccine HPV
Một bác sĩ người Thái Lan đã rất bất ngờ khi hỏi tôi về tình hình chủng ngừa ung thư cổ tử cung tại Nhật Bản và được biết tỉ lệ tham gia chủng ngừa chỉ độ 5% – 10%.
Cô nói: “Con số này chỉ thấy ở những khu làng KHÔNG CÓ BÁC SĨ ở Thái!”.
Tỷ lệ chích vaccine ngừa ung thư cổ tử cung ở Thái Lan khoảng 80%-90%, cao hơn nhiều so với Nhật Bản!
Ung thư cổ tử cung là gì?
Virus HP ở người
Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam. Mỗi năm có gần 5.000 ca mới và gần 2.500 người tử vong vì bệnh này.
Tuy nhiên, diễn tiến của bệnh thường rất chậm; những sang thương bất thường (chưa phải là ung thư) ở cổ tử cung thường mất hơn 10 năm mới chuyển thành ung thư cổ tử cung. Điều này có nghĩa là chúng ta có cơ hội trong hơn 10 năm để phát hiện ra các tổn thương nguy hiểm trước khi bị ung thư.
Nếu phát hiện được các tổn thương cổ tử cung, thậm chí là ung thư cổ tử cung tại chỗ, cơ hội trị khỏi hoàn toàn là rất cao. Do vậy, tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ theo đúng khuyến cáo là rất quan trọng để phát hiện và điều trị triệt để bệnh ung thư này.
Yếu tố nguy cơ chủ đạo trong quá trình hình thành ung thư cổ tử cung là lây nhiễm virus papilloma ở người (HPV), đặc biệt loại/type HPV 16 và HPV 18. Do vậy, một phương pháp phòng bệnh nên tiến hành song song là chích vaccine ngừa HPV.
Có khoảng 15 loại (type) HPV có thể gây nên ung thư cổ tử cung cũng như ung thư âm hộ, âm đạo, hậu môn, dương vật, vùng đầu và vùng cổ. Vaccine chủng ngừa cả bốn loại 6,11,16,18 hay 2 loại 16,18 hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung gây ra bởi các type này.
Thảm kịch của vaccine HPV tại Nhật Bản
Nếu vaccine ngừa ung thư cổ tử cung có hiệu quả cao đến như thế, tại sao ở Nhật Bản tỷ lệ sử dụng nó lại thấp đến mức cô bác sĩ người Thái phải hết sức ngạc nhiên?
Thật ra, Chính phủ Nhật đã đưa vaccine ngừa HPV vào chương trình tiêm phòng quốc gia cho trẻ gái từ 12 đến 16 tuổi nhằm tăng cường kiểm soát căn bệnh UTCTC từ rất sớm: vào tháng 4/2013.
Tuy nhiên, ngay sau đó, một cơn “sóng thần” đã đổ ụp vào vaccine HPV. Nó bị cáo buộc về tác dụng không mong muốn nghiêm trọng trên hệ thần kinh trung ương. Báo đài liên tục đưa tin về các triệu chứng như đau nhức mãn tính, giảm vận động xảy ra với một số người tiêm phòng với vaccine HPV.
Chỉ 2 tháng sau, vào tháng 6/2013, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (gọi tắt là Bộ Y tế) tuyên bố tạm treo việc chủ động khuyến cáo vaccine HPV trong chương trình tiêm phòng quốc gia của nước này.
Dù hứa hẹn sẽ điều tra về những cáo buộc đó, cho đến nay vẫn chưa có thông báo gì từ phía chính phủ Nhật. Tỷ lệ chích ngừa HPV sụt giảm từ sau sự kiện đó.
Sự cố khoa học không thể tin được và ảnh hưởng không ngờ của truyền thông
Số phận của vaccine HPV tại Nhật còn gắn liền với những biến cố lớn trong sự nghiệp của hai bác sĩ là Riko Murakana và Suichi Ikeda.
Vào tháng 3/2016, trong lúc cộng đồng đang rất quan tâm tới tác dụng phụ của vaccine HPV, BS Suichi Ikeda, một nhà thần kinh học tại Đại học Shinshu ở Matsumoto, Nhật Bản, đã trình bày một dữ liệu thể hiện tổn thương não ở một con chuột được tiêm vaccine HPV. Ông thông báo kết quả này cho một hãng tin; bản tin lan rộng ngay lập tức và sau đó cả giới khoa học tại Nhật Bản rúng động.
BS Suichi Ikeda
Mọi người đều tin ngay rằng đã tìm ra chứng cứ cho tác dụng phụ của vaccine HPV. Chỉ có một người quyết định kiểm chứng thông tin, đó là BS Riko Muranaka.
Thật bất ngờ: cô phát hiện BS Ikeda đã không tự mình thực hiện các thí nghiệm. Cô cũng cho biết chỉ có MỘT CON CHUỘT DUY NHẤT được tiêm vaccine và cũng chỉ có DUY NHẤT MỘT HÌNH ẢNH KẾT QUẢ với ý đồ thể hiện “tổn thương não” trong bài thuyết trình của BS Ikeda.
Choáng váng hơn, cô cho biết hình ảnh đó KHÔNG PHẢI của con chuột được tiêm vaccine HPV!
BS Riko Muranaka
Tháng 6/2016, trên tạp chí Wedge, BS Murakana cáo buộc BS Ikeda đã bịa đặt kết quả nghiên cứu.
Bài báo trên đã kích hoạt một cuộc điều tra của Đại học Shinshu, kết luận vào tháng 11/2016 rằng BS Ikeda đã trình bày kết quả mới ở mức độ sơ bộ, dựa trên một thí nghiệm với CHỈ MỘT CON CHUỘT. Điều đó không có giá trị như là “chứng thực về mặt khoa học”.
Bộ Y tế Nhật Bản sau đó tuyên bố rằng kết quả của BS Ikeda KHÔNG kết luận được bất cứ điều gì về việc vaccine HPV có gây ra các triệu chứng nghiêm trọng xảy ra sau khi tiêm hay không.
BS Ikeda bị khiển trách vì đã gây ra hiểu lầm cho người dân. Ngược lại, BS Murakana đã được trao giải thưởng John Maddox năm 2017 cho việc dám đứng lên vì khoa học.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói gì?
Trong khi Nhật Bản không đẩy mạnh khuyến cáo về vaccine HPV và tỷ lệ tầm soát ung thư cổ tử cung của nước này cũng chỉ ở mức 30%, nhiều người chắc hẳn thắc mắc Tổ chức Y tế thế giới nói gì về tính an toàn và hiệu quả của vaccine HPV.
Trong bản thông báo vào tháng 7/2017, Ủy ban Tư vấn Toàn cầu về An toàn Vaccine của WHO đã lưu ý rằng tại thời điểm đó, 270 triệu liều vaccine HPV đã được phân phối. Không có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ nhân quả giữa vaccine HPV và các hội chứng-hoặc triệu chứng được báo cáo là tác dụng phụ như ở Nhật.
Ủy ban đã xem vaccine HPV là rất an toàn. Riêng về hiệu quả của vaccine, Ủy ban cho biết hiện nay đã giảm 50% tỷ lệ tổn thương tiền ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trẻ ở các nước sau khi đưa vaccine HPV vào chương trình tiêm chủng quốc gia.
Vaccine ngừa ung thư cổ tử cung tốt nhất khi tiêm ở độ tuổi 9 đến 26 tuổi
Đầu năm 2019, “chần chừ tiêm chủng” (vaccine hesitancy) đã được WHO xem là một trong 10 mối đe doạ cho sức khoẻ toàn cầu. Những cáo buộc về tác dụng phụ gây hại của vaccine dựa trên những bằng chứng yếu, không đủ thuyết phục nhưng được khuếch đại bởi công cụ truyền thông thường dẫn đến sự chần chừ này. Hậu quả là những vaccine an toàn và hiệu quả lại bị ngưng sử dụng.
Đáng tiếc hiện tượng đó đã và đang xảy ra cho vaccine HPV tại Nhật Bản, gián tiếp nói lên tác hại của việc nghiên cứu khoa học cẩu thả và việc đưa tin nhanh lẹ mà không kiểm chứng của giới truyền thông.
Tai hại hơn, khi Nhật Bản đã rút khuyến cáo về vaccine HPV thì thông tin sai và cũ này đã kịp lan đến các nước khác (bao gồm Việt Nam) thông qua mạng xã hội. Để giúp người dân có thể lựa chọn việc tiêm ngừa đúng đắn, những thông tin chính thống cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Lưu ý thêm rằng vaccine có hiệu quả nhất khi được sử dụng trước khi bắt đầu có quan hệ tình dục và tiếp xúc với HPV. Do đó, vaccine được khuyến cáo dùng cho nữ từ 9 đến 26 tuổi.
Sau 26 tuổi, vaccine sẽ ít có lợi ích hơn vì có thể người phụ nữ đó đã tiếp xúc với HPV. Tuy nhiên việc chích vaccine vẫn được khuyến khích cho nhóm 27-45 tuổi nhằm ngăn ngừa nhiễm chủng HPV mới.
Đáng lưu ý là nếu một phụ nữ đã bị nhiễm một loại HPV, vaccine sẽ không bảo vệ chống lại bệnh gây ra bởi loại HPV đó nhưng vẫn có thể bảo vệ chống lại các loại HPV khác.
Cần làm gì để giảm nguy cơ lây nhiễm HPV?
– Tìm hiểu và trao đổi với bác sĩ về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm các dấu hiệu, triệu chứng, hậu quả và đường lây truyền.
– Tìm hiểu các biện pháp tình dục an toàn (như dùng bao cao su) và sử dụng chúng một cách nhất quán.
– Hỏi bạn tình về những bệnh lây truyền qua đường tình dục mà họ mắc phải. Các hành vi tình dục trước đây của bạn tình, như có nhiều bạn trai/gái cùng một lúc) cũng là một rủi ro cho bạn.
– Nếu bạn là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, bạn có nguy cơ nhiễm HPV cao hơn và nên cân nhắc tiêm chủng với vaccine HPV.
– Tìm hiểu và cân nhắc tiêm vaccine ngừa HPV, đang được khuyến cáo cho cả nam và nữ, trong độ tuổi 11-13 tuổi cho đến khi 26 tuổi. Lịch trình này có thể thay đổi tùy theo vùng miền, quốc gia và nhiều nơi có thể tiêm cho trẻ sau 9 tuổi.
– Tìm hiểu về các xét nghiệm tầm soát phát hiện sớm ung thư cổ tử cung như làm phiến đồ âm đạo/Pap smear dù có tiêm ngừa vaccine HPV hay không.
– Trao đổi với các bác sĩ chuyên khoa về kế hoạch phòng ngừa phù hợp cho mình.
Tài liệu tham khảo
1. Hanley S, Yoshioka E, Ito Y, Kishi R. HPV vaccination crisis in Japan. The Lancet 2015. DOI:https://doi.org/10.1016/S0140-6736(15)61152.
2. World Health Organization – The Global Advisory Committee on Vaccine Safety. Safety update of HPV vaccines. WHO Weekly Epidemiological Record 2017.
3. CDC. Human Papillomavirus – Protecting Patients from cancer.
4. Public health services – Government of Canada. Human papillomavirus (HPV).
5. National Cancer Institute. HPV and cancer.
6. Globocan 2018. https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf
BS Phạm Phương Hạnh – TS.BS Phạm Nguyên Quý, theo Trí Thức Trẻ