“Tôi chứng kiến những cái sai dai dẳng của ba làm với mẹ, từ lừa dối tình cảm đến lấy tiền để dành của mẹ đem cho những người phụ nữ khác. Mẹ đều chịu hết”, Trịnh Tú Trung kể.
Bạn xấu, mình có thể bỏ để chơi với bạn khác tốt hơn nhưng cha mẹ thì chỉ có MỘT. Không ai có thể thay đổi được người đã sinh ra mình. Không ai có thể chọn người sinh ra mình. Thay vì oán hận, căm ghét, thậm chí từ bỏ họ, hãy tha thứ, chấp nhận và nhìn mọi chuyện một cách tích cực để không sống những tháng ngày tiêu cực về sau.
Bởi, tha thứ là một phép màu để thay đổi tất cả. Để người sai nhận ra mình sai và sửa. Để những bi thương hoá đẹp đẽ từ chính giá trị mà nó đem lại, dẫu đau đớn tận cùng.
Đó là điều mà tôi rút ra được từ chuyện đời đầy bi kịch và nước mắt của Trịnh Tú Trung.
“Vì thương đứa con trong bụng nên mẹ đánh liều 1 phen…”
Hầu hết mọi đứa trẻ đều được sinh ra từ tình yêu của cha mẹ và chúng được nuôi dưỡng từ chính tình yêu ấy. Nhưng những gì tôi biết về Trịnh Tú Trung thì bạn là một trường hợp trái ngược?
Ba và mẹ có em bé khi họ còn trẻ và chưa sẵn sàng, thậm chí có thể nói là không xuất phát từ tình yêu và sau đó là sự gánh chịu trách nhiệm của cả hai.
Gia đình nhà ngoại cố gắng tách ba mẹ ra, khuyên mẹ bỏ đứa bé trong bụng đi, chẳng thà đau một lần rồi thôi, còn hơn sau này khổ. Cứ phá thai đi rồi tìm hạnh phúc khác.
Còn bên nội thì không đồng ý. Nhà nội bảo, dù sao đó cũng là lỗi sai của ba nên ba phải có trách nhiệm. Và thế là ba mẹ dọn về sống với nhau. Mẹ cũng biết con đường chông gai phía trước nhưng vì thương đứa con trong bụng và vì quá yêu người đàn ông đó nên đánh liều một phen.
Khi tôi hiểu chuyện thì cũng thắc mắc, tại sao nhà bác ruột có hình cưới treo mà nhà mình thì không. Từ những câu chuyện phiếm trong gia đình, giữa cô dì chú bác họ hàng mỗi lần hỏi thăm mẹ thì tôi biết là ba mẹ chưa từng làm đám cưới.
Tôi chứng kiến những cái sai dai dẳng của ba làm với mẹ, từ chuyện thiếu trách nhiệm, lừa dối tình cảm đến lấy tiền để dành của mẹ đem cho những người phụ nữ khác, phục vụ thú vui và sở thích của mình. Mẹ đều chịu hết.
Tới giờ phút này, khi tôi đã hơn 30 tuổi, mẹ vẫn nói với tôi rằng: “con là niềm an ủi duy nhất của mẹ”, chứng tỏ là mẹ vẫn đau thì mới cần tới an ủi, chứ nếu không mẹ sẽ nói, con là niềm vui của mẹ. Và mỗi lần nghe câu đó, tôi rất chạnh lòng.
“Ba tôi đánh mẹ dã man lắm…”
Trung có chứng kiến trực tiếp chuyện ba làm tổn thương mẹ, làm đau mẹ?
Ba đánh mẹ dã man lắm, bóp cổ dí vào tường, nhấc bổng người lên. Tôi la khóc, van xin “con lạy ba, ba thả mẹ ra đi. Con lạy ba, ba thả mẹ ra đi, không thôi mẹ chết”.
Lúc ba buông mẹ ra là mẹ chạy một mạch ra chợ vì mẹ nghĩ, chỉ có chạy ra chợ thì ba mới không đánh nữa.
Ba tôi là người cực kỳ sĩ diện. Bước ra khỏi cửa là trở thành một con người khác, lịch thiệp, nho nhã. Thậm chí bà con hàng xóm còn lầm. Họ bảo “chắc nó phải làm sao thì chồng nó mới đánh dữ vậy”, bởi người ta không biết trong nhà xảy ra chuyện gì.
Ba nói rất giỏi, từ sai nói cũng thành đúng và câu chuyện cỡ nào cũng là người chủ động hết. Còn mẹ, mẹ chịu đựng hết thảy. Nếu bây giờ, mọi người để ý sẽ thấy, mũi mẹ tôi bị méo qua một bên vì bể xương mũi. Nguyên nhân là vì lần đó ba mẹ tranh cãi chuyện tiền bạc.
Ngày xưa, nhà tôi thường có tiền của bà nội ở nước ngoài gửi về. Ba mẹ giành nhau ai được phần hơn. Mẹ thì phải lo cho cả gia đình, con cái, cơm nước nên mẹ muốn phần nhiều hơn, còn ba thì chỉ ăn xài, đi chơi thôi.
Khi tranh cãi không được như ý, ba đá cái xô rất dày màu đỏ vào thẳng mặt mẹ. Lúc đó, mẹ đang ngồi rửa chén. Máu văng ra rất nhiều. Mẹ nghĩ không sao nên chỉ chặm máu lại. Tới lúc mặt hết sưng thì mũi cũng bị méo luôn.
Khi phát hiện ra thì sửa không kịp. Đi thẩm mỹ thì điều kiện kinh tế không cho phép. Hơn nữa, những người phụ nữ bình dân, họ không nghĩ tới chuyện đó, lỡ rồi thì thôi. Thậm chí, có lần mẹ mua tuýp kem đánh răng về, vừa tháo hộp giấy ra thì ba đi nhặt hộp lại, nhét tuýp kem vô mang ra chợ bán rẻ cho người ta. Mẹ lại dấm dứt khóc.
Sống khổ sở như thế, có bao giờ mẹ và Trung nghĩ tới chuyện phải giải thoát?
Chuyện đó xảy ra suốt hơn 20 năm mẹ sống với ba và mẹ luôn chịu đựng. Mẹ sợ mẹ đi, ba sẽ đưa ngay người phụ nữ khác về ở thì mất trắng, mẹ không muốn tôi khổ.
Nhưng tôi lại nghĩ, chẳng thà mẹ khổ con khổ, thuê nhà lụp xụp ở mướn mà mẹ đỡ phải chịu đau đớn còn hơn. Trong lòng tôi luôn nghĩ mình phải học thật giỏi vì chỉ có học giỏi mới cứu được mẹ ra khỏi chỗ này.
Bởi thế mà cả tuổi thơ của tôi không có bạn bè gì hết, chỉ biết chui đầu vào học, cố chờ tới lúc mình lớn, có thể chủ động được cuộc sống của mình và mẹ thì tìm đường rút.
Nhưng sau tất cả, tôi nhận ra rằng, vì mẹ yêu ba, cần ba nên mẹ cứ nấn ná chần chừ. Và việc tước đi tình yêu của người khác là điều vô cùng khó chịu. Cho tới một lúc, cái gì đến cuối cùng cũng phải đến.
Thật sự, trong rất nhiều chuyện, tôi cũng giận tại sao mẹ lại chịu đựng như vậy. Thậm chí có những lần, tôi phản ứng rất mạnh khi mẹ nói rằng tại tôi mà mẹ khổ.
Tôi bảo “mẹ đừng đổ thừa tại con. Con không hề có nhu cầu được sinh ra trên cõi đời này. Con càng không muốn mình là nguyên nhân để mỗi lần mẹ đau khổ, mẹ quay ra nói, tại mày mà tao mới như vậy.
Con cũng không biết được cuộc đời con lại nhiều khổ đau như thế. Nếu biết trước thì thà mẹ đừng sinh con ra còn hơn”. Và đó cũng là một trong những câu nói của tôi làm mẹ buồn.
Thậm chí, tôi cũng từng nói “mẹ chịu nổi người đàn ông đó nhưng con không chịu được”. Mẹ thường nói “thôi, thương mẹ thì nhịn đi. Dù gì ông ấy cũng là cha của mày, không cãi được chuyện đó”.
Nhưng nói thì nói vậy, giận đó rồi cũng thôi. Khi tôi đi làm có tiền, ngoài tiền đưa riêng cho mẹ, tôi vẫn để riêng tiền cho ba trên mặt tủ để ba tiêu xài, dù không nói chuyện.
Nhưng có những thứ đã ăn vào máu và không thể thay đổi. Tôi không hiểu là khi ba làm cho tôi đau khổ, làm cho mẹ đau khổ thì ba cảm thấy như thế nào…
Suy cho cùng, mẹ nhẫn nhịn có lẽ vì muốn tôi có một gia đình đầy đủ, muốn con mình không cảm thấy hụt hẫng vì gia đình ly tán. Bởi xung quanh tôi, có rất nhiều bạn bè gia đình ly tán rồi mất tập trung vào việc học và chúng đổ thừa là do gia đình thế này thế kia. Mẹ tránh cho tôi điều đó.
Nhưng cuối cùng, ba là người chọn bỏ đi.
Trịnh Tú Trung kể về bi kịch gia đình.
“Dù mẹ có sai thế nào đi nữa, tôi cũng sẽ bỏ qua hết”
Dù mẹ yêu đến bao nhiêu đi nữa nhưng hôn nhân cứ chìm ngập trong đau khổ, nhẫn nhịn, chịu đựng rồi mẹ sống ra sao trong những tháng ngày đó. Mẹ xoa dịu nỗi đau ấy bằng cách nào và có đủ tỉnh táo để quan tâm, chăm sóc cho con?
Ngày bé tôi đi học bị té gẫy tay nhưng về nhà nói, không ai tin. Cả mẹ cũng không tin. Mẹ bảo “gẫy tay thì sức mấy mà mày chịu được vậy, không sao đâu”. Vì lúc đó mình chỉ là đứa con nít 9 tuổi nên ba mẹ nói sao thì nghe vậy. Nhưng cái tay sưng hơn 2 tháng trời. Tới khi mẹ đưa đi viện thì xương lành luôn rồi.
Bình thường, 2 cái xương của người ta thẳng, còn xương của tôi móc ngoéo vào nhau. Tôi còn nhớ lúc đó các bác sĩ hội chẩn rất đông để bàn xem mổ thế nào. Tôi sợ bị mổ nên bằng mọi giá phải vặn xoay được cái tay mình. Bác sĩ thấy làm được thì cho về.
Chính vì thế, giờ 2 cái xương cánh tay của tôi dính vào làm 1. Xách đồ nặng rất khó, thể dục cũng khó và cứ tới mùa lạnh là đau. Dĩ nhiên, đó là lỗi của tôi. Tại tôi ham chơi, không biết thương mình thì ráng chịu. Nhưng ở một khía cạnh khác, nếu người lớn thương nó, quan tâm đến nó thì khác rồi.
Tương tự, có lần tôi bị sốt cao. Tôi nói mẹ đưa đi bác sĩ nhưng mẹ bảo “sốt vậy ăn thua gì. Nằm tí nó hết”. Bác ruột tôi ngày xưa là y tá. Lúc bác về, bác nói “nó sốt cao quá rồi, chở đi bác sĩ đi”. Tới nơi, bác sĩ nói, trễ chút là nó giật kinh phong chết rồi.
Có nhiều lý do để lý giải cho những chuyện đó. Chẳng hạn gia đình thiếu thốn. Thế nên sau này tôi quyết không bao giờ để mình sống trong cảnh thiếu thốn lần nào nữa. Tôi không đợi xin phép ai nữa.
Cuộc đời mình vì chờ đợi xin ý kiến người ta mà mém chết, chờ để được đồng tình mà tay thành tật nguyền. Hỏi tôi có giận không, tôi giận chứ. Tôi không chỉ giận ba mà còn giận cả mẹ nữa nhưng suy cho cùng, tôi vẫn muốn tha thứ.
Tôi hiểu rằng, tất cả những gì mẹ làm đều xuất phát từ việc mẹ không được hạnh phúc, mẹ không vui. Khi người ta không vui thì người ta nghĩ không được thông suốt và làm nhiều điều sai trái.
Mẹ tôi trải qua nhiều thú giải trí mà người ngoài xã hội gọi là tệ nạn. Hồi mới có tiểu thuyết ngôn tình, mẹ tôi đọc sáng đêm. 1 ngày mẹ đọc 2, 3 bộ. Sau này tôi cũng đọc thử Quỳnh Dao thì hiểu rằng, trong đó có những chuyện tình đẹp, lãng mạn. Mẹ tôi không có những chuyện tình đẹp như thế nên đắm chìm vào đó.
Và dĩ nhiên, khi mình có một mối bận tâm khác thì sẽ không lo cho con nữa. Khi mẹ có mối quan tâm khác không phải là mình, tôi rất tủi thân vì đó giờ mẹ chỉ có tôi và tôi chỉ có mình mẹ.
Khi nhà bác gái dọn nhà đi chỗ khác ở, không có ai quản lý chuyện gia đình tôi nữa thì mẹ đi đường mẹ, ba đi đường ba. Ba đi chơi, cặp kè với người này người kia. Tôi gặp hoài và nhớ tên từng cô. Mẹ buồn, tụ tập bạn bè rồi người ta rủ chơi đánh bạc.
Tôi phải đi gõ cửa từng nhà để hỏi có mẹ không. Mê mải cờ bạc, mẹ quên hết. Quên cả con. Tôi buồn chứ nhưng tự nói với lòng mình rằng, mẹ có nhiều nỗi đau quá nên phải tìm niềm vui để khoả lấp. Tôi không giận mẹ được.
Nếu mẹ không buồn, mẹ không bao giờ như vậy. Vì tôi từng chứng kiến cảnh mẹ buôn gánh bán bưng để lo cho tôi.
Tôi nhớ ngày xưa đi học, cứ xét xong hạnh kiểm học kỳ 2 là tôi xin nghỉ để phụ mẹ bưng bê, bán hàng bởi chỉ có mình mẹ làm. Sáng sáng mẹ lom khom khiêng từng cái tủ, cái chén ra để bán hủ tíu mà ba dắt xe đi thể dục coi như không thấy gì.
Chính vì những ngày tháng đó nên dù mẹ có sai thế nào đi nữa, tôi cũng sẽ bỏ qua hết. Mẹ quá khổ, bị hành hạ cả về thể xác và tinh thần. Đêm nào mẹ cũng khóc. Tới khi mẹ tìm thấy niềm vui khác trong cuộc sống, tôi để mẹ vui.
Nhưng sau này, các bạn rủ mẹ đi xa hơn, sang Campuchia đánh bài thì tôi cản. Tôi nói “mẹ thương con thì đừng như vậy. Mẹ qua Campuchia, đường xa nước cạn, rủi có chuyện gì, mẹ không về được đâu”.
Và tôi mở shop quần áo cho mẹ buôn bán. Thậm chí, có lần tôi đi nước ngoài lấy hàng, mẹ gọi điện nói đi thể dục đánh rơi hết tiền. Sau này tôi biết là mẹ đánh bạc thua hết nhưng tôi không nói gì, đợi thời điểm phù hợp mới nói.
Tôi muốn mẹ biết, tôi quan tâm mẹ, tôi thấy hết mọi chuyện nhưng tôi thương mẹ và muốn tha thứ. Và dù mẹ có sai thế nào đi nữa thì mẹ vẫn là mẹ của con và con hiểu cội nguồn của cái sai ấy là gì, nên con sẽ bỏ qua hết.
May là trời thương, sau bao nhiêu chuyện thì mẹ đã thay đổi. Giờ mẹ khác, không còn làm mình buồn lòng nữa. Gia đình giờ vui hơn xưa rất nhiều, không còn nặng nề nữa….
Thậm chí mẹ đã biết để dành tiền. Tôi rất vui. Mẹ biết để dành tiền nghĩa là mẹ có biết nghĩ cho mẹ, biết thương mẹ. Biết đâu một ngày nào đó, không có tôi bên cạnh thì mẹ cũng phải tự lo được cho mình.
Xưa giờ mẹ chỉ biết nghĩ cho người ta mà không biết nghĩ cho mình thì giờ mẹ đã làm được điều đó. Mẹ để dành được 1, tôi cho mẹ 10.
Ngày xưa có chai nước hoa mẹ đang xài dở, ba cũng đem đi bán, giờ tôi mua cho mẹ một lúc mấy chục chai để khắp phòng. Nguyên tuổi trẻ của mẹ không được ăn ngon mặc đẹp, giờ tôi không để mẹ phải thiếu cái gì. Quần áo, chỉ cần mẹ bảo mẹ thích kiểu đó, tôi có thể mua cho mẹ tất cả các màu.
Tôi bù đắp bằng mọi cách và đó là cách mà tôi tha thứ cho quá khứ, cho tất cả. Và tôi tin, cha mẹ cảm nhận được hết những gì tôi làm.
Bởi vì tôi tin rằng, nếu mình cứ khư khư bắt bẻ, chăm chăm vào lỗi sai của họ thì họ sẽ cảm thấy không có điểm tựa về tinh thần và càng lúc càng sai hơn.
“Ba mẹ có thể sai tất cả mọi thứ nhưng vẫn có một thứ đúng, đó là sinh ra tôi”
Còn hiện tại thì sao?
Sau tất cả, tôi biết mẹ sai nhưng vẫn xem mẹ là mục đích sống của mình, xem việc làm cho mẹ hạnh phúc là nghĩa vụ của mình, niềm vui của mình… Khi nghĩ và làm như thế, tự nhiên tôi thấy cuộc đời rất đẹp.
Tôi thấy nhiều người đi du lịch vòng quanh thế giới với người yêu, bạn bè và họ tự hào vì điều đó. Còn tôi, tôi tự hào vì đã đưa mẹ đi khắp nơi cùng mình. Tôi tự hào vì mình ăn món gì thì mẹ được ăn món đó.
Có thể so về tài sản, nhiều người giàu hơn tôi nhưng họ đã làm được điều đó cho mẹ họ chưa? Tôi cho mẹ biết thế nào là tuyết, thế nào là Nhật Bản, là hoa anh đào.
Nhiều người nghĩ, cha mẹ đã trải qua phần đời của cha mẹ rồi, giờ mình phải sống cho mình nhưng tôi không có tư tưởng đó.
Điều tiếc nuối nhất cuộc đời tôi cho tới giờ phút này là chưa từng có chuyến du lịch nào cho cả ba và mẹ. Tới giờ, gia đình tôi cũng chưa hề có một tấm hình nào đủ cả 3 người, ngoại trừ tấm hình thôi nôi năm tôi 1 tuổi. Và kể từ giây phút đó, cả 3 người chưa từng chụp hình với nhau.
Cho nên có những khoảnh khắc không phải mất đi rồi mới thấy tiếc, mà người ta hiện hữu đó, mình nhìn thấy đó nhưng họ không còn là của mình nữa, nó đáng sợ hơn rất nhiều.
Mình cũng buồn nhưng mình không thể làm khác được. Tôi không thể nói ba về ở cùng mẹ vì về thì cũng không hạnh phúc rồi gia đình hiện tại của ba sẽ ra sao.
Hiện giờ, tôi không còn giận ba mẹ nữa nhưng mình chưa có cơ hội để nói cho họ biết là mình đã sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng bỏ qua vì chuyện gì qua cũng đã qua rồi.
Và, dù ba mẹ có sai thế nào đi nữa thì tôi cũng phải là niềm tự hào của họ. Đó cũng là 1 trong những lý do để người lớn nghĩ lại, để đừng sai nữa.
Tôi sinh ra trong một gia đình quá nhiều tệ nạn vây quanh, thiếu sự quan tâm của cha mẹ, tôi sẽ phải hư từ lâu rồi chứ không bao giờ lớn lên nghiêm túc được như vậy. Nhưng tôi biết mình không được phép.
Cũng có những lúc mình muốn buông thả chứ. Tại sao ba được làm điều ba muốn, mẹ được sống theo cách của mẹ còn mình thì không.
Đi chơi vui hơn đi học chứ. Cờ bạc mẹ thấy vui, con cũng thấy vui vậy. Ăn tiền người ta vui chứ. Cặp kè gái gú đi du lịch vui chứ… nhưng tôi không làm, vì tôi biết mình mà hư là hỏng hết.
Chỉ cần tôi hư thôi, ba mẹ sẽ nhìn vào đó và nói “thấy chưa, rõ ràng cuộc hôn nhân của mình là sai, cố gắng đến với nhau cũng có được gì đâu”. Nhưng, tôi muốn cho ba mẹ thấy: trong cuộc đời họ, dù họ có thể sai tất cả mọi thứ nhưng vẫn có một thứ đúng, đó là sinh ra tôi.
Tôi trưởng thành đàng hoàng nghiêm túc, tôi là người tốt, sống tốt. Tôi muốn họ biết rằng, việc để tôi tồn tại trên cuộc đời này này ngày xưa là 1 việc làm đúng.
Theo Trung, ba mẹ sẽ cảm thấy thế nào và nghĩ gì khi nghe được những tâm sự này của bạn?
Mình không bao giờ biết trước được điều gì sẽ xảy ra ngày mai nên khi còn kịp, còn có thể, tôi muốn cha mẹ nghe được những lời này.
Nghe không phải để sửa sai vì giờ mẹ không còn sai nữa. Thậm chí bây giờ ba cũng đã khác. Nhưng họ nghe để hiểu, con họ đã cố gắng như thế nào, áp lực ra sao, nghĩ cái gì và phấn đấu thế nào để có được ngày hôm nay.
Cảm ơn Trịnh Tú Trung đã chia sẻ và chúc bạn luôn tìm thấy sự an yên trong cuộc sống!
Tôi tự quy định cho bản thân, mỗi lần mẹ khóc là mình sai, bất kể lỗi có do mình hay không. Trong quan điểm của tôi, mẹ buồn là mình sai đã, còn ai làm mẹ mình buồn, không cần biết.
Tại vì, mình là niềm an ủi duy nhất của mẹ. Nếu hạnh phúc của mình đem lại cho mẹ đủ lớn thì ngoài đời sẽ không thể có ai làm mẹ khóc được. Chẳng qua, sự bù đắp của mình không đủ thì mẹ mới cảm thấy chới với.
Đơn giản thôi, khi mình ra đời, có rất nhiều người ăn hiếp mình nhưng chỉ cần nhớ là có 1 người luôn che chở, bảo vệ mình thì mình sẽ không thấy đau buồn nhiều. Nhưng khi chỗ dựa đấy không đủ thì 1 sự đụng chạm nhẹ cũng làm mình tủi thân dữ lắm.
(Trịnh Tú Trung)