Các du học sinh Việt Nam tại Triều Tiên. Ảnh: NVCC.
Những sinh viên từng du học Triều Tiên như ông Minh, ông Mưu đều thành đạt khi về nước. Hướng tới Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều, họ mong hai bên sẽ đạt được thỏa thuận mới.
Hà Nội những ngày cuối tháng 2/2019 tiết trời lạnh lẽo, trên vỉa hè tuyến phố trung tâm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy gọn gàng, sạch sẽ hơn.
Từng dòng người vẫn tấp nập xuôi ngược, thỉnh thoảng xuất hiện các đoàn xe đặc chủng, lực lượng an ninh, quân đội và tiếng còi hụ. Tất cả đang chuẩn bị cho ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 2.
Bình Nhưỡng có ga tàu ngầm từ thập niên 60
Trong căn nhà nằm sâu cuối ngõ 80, phố Hoàng Ngân, quận Cầu Giấy, ông Đỗ Văn Mưu (72 tuổi, cựu sinh viên Trường Đại học Đường Sắt Bình Nhưỡng) bồi hồi lật từng trang nhật ký tìm những bức ảnh lưu niệm, chụp chung với nhóm bạn sinh viên du học cùng thời tại đất nước Triều Tiên hơn năm thập kỷ trước.
Tháng 8/1965, rời ghế mái trường THPT ở quê hương Hà Nam, ông Mưu cùng hơn chục thanh niên khác lên tàu ở ga Hàng Cỏ (Hà Nội), ngược Đồng Đăng (Lạng Sơn), quá cảnh qua lãnh thổ Trung Quốc sang Triều Tiên du học theo chính sách của Nhà nước.
Ông Đỗ Văn Mưu. Ảnh: Hoàng Cư.
Ngày lên đường, chàng thư sinh 18 tuổi chỉ mang theo chiếc ba lô chứa quần áo kèm theo vài cuốn sách.
Sau hơn một tuần di chuyển, đoàn tàu liên vận dừng tại một nhà ga ở thủ đô Bình Nhưỡng. Hình ảnh đầu tiên chạm vào mắt thanh niên nhà quê khi ấy là những tuyến phố khang trang, các dãy nhà chung cư cao tầng thẳng tắp.
“Bình Nhưỡng của những năm ấy thật đẹp, nhiều công trình xây dựng hiện đại, họ đã có ga tàu điện ngầm dưới lòng đất”, ông Mưu nhớ lại.
Năm đầu tiên, các ông được đào tạo ngoại ngữ tại Trường Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành. Sau mới được phân công chuyển sang học khoa Kỹ sư xây dựng cầu, hầm – Trường Đại học Đường Sắt Bình Nhưỡng.
Suốt 6 năm học tập trên đất bạn, nhóm sinh viên nước Việt hai lần vinh dự được cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (ông nội nhà lãnh đạo Kim Jong Un) trực tiếp đến thăm hỏi ngay tại ký túc xá. Vào ngày lễ, Tết đều được ông gửi quà tặng.
“Những món quá dù nhỏ nhưng ý nghĩa, nó thôi thúc chúng tôi không ngừng học tập, rèn luyện để sau này trở về quê hương phục vụ Tổ quốc”, ông Mưu tâm sự.
Ông Mưu trong lần trở thăm Triều Tiên năm 2013. Ảnh: NVCC.
Mối tình của chàng sinh viên võ thuật với nữ sinh trường múa Triều Tiên
Đầu năm 1966, ông Lê Ngọc Minh (SN 1945, ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) nhận giấy triệu tập khóa Đại học dự bị – Trường Đại học Thể dục thể thao Trung Ương.
Thời gian này, máy bay giặc đang ném bom bắn phá miền Bắc ác liệt, trường ông phải sơ tán đến xã Thọ Trai (Yên Phong, Bắc Ninh). Cơ sở vật chất thiếu thốn, sinh viên học phải ở nhờ nhà dân, thường xuyên tham gia đào hầm, hào sẵn sàng nơi ẩn nấp khi có máy bay Mỹ xuất hiện.
Nhờ quyết tâm học tập tốt, ông vinh dự được chọn cử sang học Thể Dục Thể Thao tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Tháng 1/1967, đoàn hơn 200 du học sinh tập trung tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Họ lên ô tô ngược Lạng Sơn sang Bằng Tường (Trung Quốc), rồi lên tàu hỏa chạy thẳng đến Bình Nhưỡng.
Trong trí nhớ của ông Minh, đất nước Triều Tiên trước khi ông đặt chân đến hoàn toàn xa lạ. Hai bên đường tàu là những dãy núi chạy theo hướng Bắc – Nam phủ tuyết trắng xóa, xen kẽ là những thung lũng đồng bằng trồng lúa.
Ông Lê Ngọc Minh. Ảnh: Hoàng Cư.
Ngày đặt chân xuống Bình Nhưỡng, từng đoàn thanh niên Triều Tiên, cán bộ Đại sứ quán ra tận cửa tàu trao tặng những bó hoa anh đào tươi thắm.
“Những năm cuối thập kỷ 60, đất nước Triều Tiên rất phát triển. Các khu công nghiệp được cơ giới hóa, người dân cần cù, ý thức kỷ luật cao. Giờ hành chính trong ngày, trên các con đường ở Bình Nhưỡng vắng vẻ, mọi người đều tập trung làm việc, nghỉ ngơi ngay bên trong nhà máy, xí nghiệp.
Giờ tan tầm đường đông đúc hơn, người dân đi bộ đến các điểm dừng đón xe buýt hoặc đi xe đạp. Những chiếc ô tô con lăn bánh trên đường khi ấy đều là xe công, phục vụ trong cơ quan nhà nước”, ông Minh kể.
Thời tiết ở Bình Nhưỡng về mua Đông lạnh hơn Hà Nội, các ông phải mặc áo măng tô, đội mũ dày, nhưng đổi lại được ngắm tuyết rơi đẹp trắng xóa cả thành phố.
Một con đường ngoại ô Bình Nhưỡng. Ảnh: NVCC.
Ký túc xá Trường Đại học Kim Nhật Thành nơi ông lưu trú phân chia thành hai khu vực rõ rệt. Các nam sinh ở với nhau, mỗi phòng ba người. Khu ký túc xá của nữ sinh tách riêng biệt. Hàng ngày, ngoài cơm, ông Minh được làm quen với các món ăn mới như: Rong biển, rau cải thảo, đặc biệt là món kim chi.
Sau thời gian học thành thạo ngoại ngữ, ông Minh được phân công về Trường Đại học Võ bị Bình Nhưỡng. Năm đầu tiên, giáo viên hướng dẫn rèn luyện thể lực bằng cách chạy bộ lên núi cả chục cây số mỗi ngày, học các thế tấn, thế ngã cơ bản.
Từ năm thứ 3, ông Minh phải vượt qua nhiều thử thách khó khăn nhất. Trong số các nữ sinh ở cùng ký túc có cô gái họ Kim – sinh viên trường múa, da trắng, mịn, dáng người đẹp, khóe miệng cười duyên thỉnh thoảng gửi thư tay cho ông.
Những bức thư ấy ông phải giấu kín, đọc một mình trong căn phòng vắng người rồi châm lửa đốt cháy thành tro không để lại dấu vết. Những dòng lời lẽ thân thiết đầy vẻ yêu đương của cô gái đã khiến ông thực sự xúc động.
Ông tâm sự, là con trai mới lớn, được yêu thật còn hạnh phúc nào hơn. Nhưng vì nội quy với sinh viên sứ quán Việt Nam cấm quan hệ trai gái. Những ai vi phạm sẽ bị kỷ luật, nặng thì trục xuất về nước. Vì nhiệm vụ học tập nặng nề, ông đành phải hy sinh chuyện tình cảm.
Những lần sau thấy Kim, ông Minh cố tình lảng tránh. Kim nhận ra điều đó, cô hiểu và chấp nhận mối tình dang dở.
Ông Minh (giữa) năm 1965 tại Triều Tiên. Ảnh: NVCC.
“Hồi ấy, chúng tôi không được tự do ngồi với nhau như thanh niên trẻ bây giờ. Có ngồi trong phòng thì phải mở cửa cho người khác thấy chứ không được đóng kín, đi cùng nhau phải có ba người. Nếu cảnh sát bắt gặp đôi trai Việt, gái Triều ngồi công viên nói chuyện với nhau họ lập tức thông báo đến Đại sứ quán”, ông Minh kể.
Ngày trở lại Triều Tiên
Cuối năm 1971 kết thúc khóa học, ông Đỗ Văn Mưu rời Triều Tiên về nước làm việc tại các xí nghiệp xây dựng ở Hà Nội, Hải Phòng, rồi kết hôn với nữ công nhân quê Hải Dương.
Trước khi nghỉ chế độ vào năm 2017, ông giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây dựng & Phát triển hạ tầng Licogi, thuộc Bộ Xây dựng.
Sau gần bốn thập kỷ, năm 2007 ông Mưu mới có dịp trở lại đất nước mình từng học, gặp mặt những người bạn cũ. “Việc sang Triều Tiên không hề dễ, xin visa rất khó. Cá nhân tôi được sang hai lần vào các năm 2007, 2013 là nhờ có phái đoàn hữu nghị hai nước Việt – Triều tổ chức”, ông nói.
Dù bị cấm vận hàng chục năm nhưng Bình Nhưỡng vẫn xây được những công trình đạt kỷ lục thế giới như sân vận động Mùng 1/5 (Rungrado) có sức chứa đến 150 nghìn chỗ ngồi. Các tòa chung cư cao chọc trời cũng xuất hiện dày hơn ở khu vực phía Tây thành phố, đó là những thành tựu đáng khích lệ.
Điều hạn chế bây giờ là trên nhiều tuyến phố ở Triều Tiên vẫn chưa có điện chiếu sáng ban đêm. Một số vùng quê bị bão lũ, thiên tai tàn phá nhìn rất hoang sơ.
Ông Minh cùng các bạn du học Triều Tiên. Ảnh: NVCC.
Còn ông Lê Ngọc Minh thì về nước giảng dạy tại Trường Đại học Thể dục Thể thao Trung ương năm 1972. Ông trở thành vận động viên võ thuật, vật chuyên nghiệp, từng tham gia các giải đấu lớn tầm cỡ châu lục, đạt được thành tích cao.
Ông trải qua các chức vụ Trưởng bộ môn Võ thuật Việt Nam; Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật châu Á; Tổng thư ký Liên đoàn Vật Đông Nam Á.
Ông vẫn nhớ như in ngày trở lại Triều Tiên năm 1992. Chuyến đi ấy, ông Minh làm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tham dự một số nội dung thi đấu võ thuật tại Bình Nhưỡng.
“Chúng tôi bắt xe khách lên Lạng Sơn rồi đi tàu hỏa đúng như hồi mới sang du học. Ngày ấy vẫn nghèo, đi thi đấu hành trang mỗi vận động viên mang theo là những gói mỳ tôm để nấu ăn trên tàu. Thế mà có người vẫn giành được huy chương bạc, huy chương đồng”, ông Minh nhớ lại.
Hàng trăm người bạn cùng trang lứa như ông Minh, ông Mưu khi về nước đều trở thành những người lãnh đạo trong các xí nghiệp, tổ chức Nhà nước. Tuy mỗi người thành công trong một lĩnh vực riêng, nhưng họ không bao giờ lãng quên một đất nước đã từng cưu mang, giúp đỡ mình.
“Những năm du học, chúng tôi được người Triều Tiên chu cấp đầy đủ, nuôi ăn ở miễn phí, được đào tạo kiến thức bài bản. Để có cuộc sống như ngày hôm nay, những cậu học trò như tôi mang ơn họ”, ông Minh nói.
Nói về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra tại Thủ đô Hà Nội trong hai ngày 27-28/2, cả ông Minh, ông Mưu đều mong muốn, Hội nghị sẽ đạt được thỏa thuận mới. Mở ra thời kỳ quan hệ hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu thương mại giữa hai bên.
“Đất nước họ có nguồn tài nguyên sẵn, con người cần cù, có ý chí vươn lên. Nếu các rào cản về cấm vận được tháo gỡ thì tôi tin rằng nền kinh tế nước họ sẽ phát triển rất nhanh, đời sống người dân sớm được cải thiện”, ông Mưu nói.