Tại sân Anfiled, có một “căn phòng giày” huyền thoại gắn liền với những chiến tích của đội bóng.
Thật khó tưởng tượng hình ảnh Jurgen Klopp nép mình trong căn phòng giày bé nhỏ tại Anfield. Căn phòng đó chắc chắn sẽ không đủ cho bộ máy càng ngày càng nhiều lên của ông kể từ ngày chuyển về sân Anfield vào năm 2015.
Ông có đủ mọi dạng trợ lý, trong đó nổi bật là trợ lý ném biên Thomas Gronnemark, người vừa gia hạn với CLB tuần này.
Nhưng cũng như người tiền nhiệm huyền thoại Bill Shankly đã từng làm cách đấy 60 năm trước. Klopp nhận ra được tầm quan trọng của tiểu tiết, của những chi tiết nhỏ nhặt mà các trợ lý của ông vẫn thường nêu ra. Thậm chí ông còn thú nhận rằng “sẽ chẳng làm được gì nếu không có những người trợ lý đắc lực như thế.”
Nhiều CĐV Liverpool so sánh Klopp với Bill Shankly
Shankly hiểu rõ hơn ai hết. Khi Liverpool thăng hạng vào năm 1961-1962, ông nhanh chóng gửi lời tri ân người trợ lý: “Không có Reuben Bennett, Joe Fagan, Albert Shelley và Pop Paisley, chúng tôi đã chẳng làm được gì”.
Shankly, cũng như Klopp, có một đội ngũ tín cẩn từ đầu. Shelley có lẽ là người thú vị nhất trong số đó, dù ông không được biết đến nhiều ngoài sân Anfield vì không nằm trong BHL. Nhưng ông vẫn thường giúp đỡ CLB như một người “chạy việc vặt”.
“Ông ta là một người tình nguyện, thậm chí còn không được trả lương,” Peter Hooton, tác giả của cuốn sách “The Boot Room Boys” (Những cậu bé phòng giày-ND) nói.
“Tình yêu cho CLB đã trở thành một điều ám ảnh, ông ta chỉ ở CLB vì muốn được là một phần của nó, và chưa ai từng nghi ngờ điều đó.” Vì là một phần của màu cờ sắc áo Liverpool, Shankly luôn một mực đưa ông vào đội ngũ của mình.
Ba người còn lại có những vai trò chủ chốt hơn. Bennett, một người khét tiếng và đầy quyết tâm luôn cố gắng cải thiện thể hình của các cầu thủ bằng những bài tập khắc nghiệt.
Bill Shankly là người tạo nền tảng cho Liverpool.
Bill Shankly đưa Liverpool thăng hạng lên hạng đấu cao nhất nước Anh sau chức vô địch hạng 2 mùa 1961/62 và vô địch nước Anh ngay mùa 1963/64. Tạo nền tảng để Liverpool trở thành CLB hàng đầu châu Âu.
Fagan tập trung về chiến thuật và tinh thần cho cầu thủ. Còn Paisley lúc bấy giờ đã có nhiều năm tham gia công tác huấn luyện trước Shankly đến, sau đó, ông trở thành “con mắt thần” trong công tác chuyển nhượng.
Khi Shankly được bổ nhiệm vào năm 1959, bộ tứ này lo sợ rằng họ sẽ bị “đá ra đường” khi được chỉ đạo “diện kiến” vị HLV mới. Shankly ngay lập tức đảm bảo chỗ đứng của họ ở CLB. “Vài HLV đem người của mình theo,” Shankly nói. “Tôi thì không. Tôi có những phương pháp riêng, và sẽ rất sẵn lòng hợp tác với các anh.”
Trong căn phòng giày bé nhỏ ở Anfield, những định hướng lâu dài về một thời ký thống trị bóng đá Anh và Châu Âu của “Lữ đoàn Đỏ” đã ra đời.
Những chiến thuật, những phương án tập luyện, những kiến thức về bóng đá cũng như…mùi rượu lậu đều tỏa ra trong cái không gian nhỏ bé nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng đó. Nơi mà từ đó, Liverpool xây dựng con đường dẫn đến thời kỳ đỉnh cao vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX.
Roy Evans có một góc nhìn riêng về cái phòng giày và những năm tháng huấn luyện ở Liverpool. Có thể nói, ông là hiện thân của sự trung thành với Liverpool, khi vừa là fan từ lúc còn bé, đến khi trở thành cầu thủ cho đội trẻ, rồi đến đội một và thậm chí còn lên đến chức HLV trưởng.
Dù không phải là một cầu thủ tầm cỡ khi chỉ ra sân 9 trận trong nhiều năm. Shankly có một câu nói vui về người học trò cũ: “Cậu nhỏ đó chậm hơn bạn tưởng”. Câu nói có phần “cay nghiệt” đó lại chính là bản tóm tắt đầy đủ nhất về sự nghiệp cầu thủ củ Roy Evans.
Dù vậy, khi Paisley tiếp quản vị trí của Shankly, Roy Evans lập tức được “nhập hội” trong chiếc phòng giày bé nhỏ đó, và từ đó, ông đã đem về rất nhiều chiến quả cho đội trẻ của Liverpool. Họ giành được Central League 7 lần trong 9 năm. Và nhờ bàn tay của Roy Evans, rất nhiều cầu thủ trẻ đã thành danh ở Liverpoool như Ian Rush, Ronnie Whelan và Sammy Lee.
Evans nói rằng, ở thời đó họ phải đảm đương đủ mọi việc. “Chúng tôi không có nhiều người phù hợp cho các công việc,” Evans nói.
“Ví dụ, chúng tôi có các bác sĩ sẽ ra các quyết định quan trọng, nhưng chính chống tôi phải làm các công việc liên quan tới y tế đó. Chúng tôi đều phải tham gia khóa học sơ cứu. Tôi phải đến Lilleshall (trường đào tạo hàng đầu của FA) để học một khóa về di chuyển cầu thủ ra khỏi sân an toàn khi họ bị chấn thương.”
Cách tiếp cận với những vấn đề như chấn thương của họ rất khác với ngày nay. “Ban đầu, Bob Paisley đảm đương công tác trị liệu dù chưa từng qua bất cứ trường lớp nào,” Hooton nói. “Tommy Smith từng nói rằng Paisley không biết cách thức hoạt động của các dụng cụ, vậy nên ông hơi do dự khi sử dụng bất cứ hình thức chữa trị nào liên quan tới điện.”
Điều này khác hoàn toàn với thời hiện đại, khi mà bác sĩ chính của đội bóng, Andy Massey có ít nhất 24 bác sĩ đảm đương cùng mình ở Melwood và học viện, bao gồm vài chuyên gia thể lực, hai bác sĩ trị liệu và một chuyên gia dinh dưỡng.
“Chúng tôi cũng thường phải đảm đương vai trò huấn luyện ở mọi cấp độ ở các khoảng thời gian khác nhau,” Evans nói. “Joe Fagan, Ronnie Moran và tôi thậm chí còn phải đem đồ của cầu thủ về nhà giặt. Nhưng chẳng ai trong chúng tôi có được bằng huấn luyện. Dù là Shankly, Paisley, Fagan hay thậm chí Ronnie Moran, chẳng ai trong chúng tôi có chứng chỉ HLV.”
Những thành công của Liverpool trong hàng chục năm đều nhờ vào triết lý mà Bill Shankly xây dựng trong “căn phòng giày”.
Evans hồi tưởng khi Ian St. Jones nói với Shankly rằng anh sẽ tham gia một khóa đào tạo huấn luyện ở Lilleshall, Shankly đã trả lời:”Đừng có nói với họ cái gì, cậu nhỏ ạ.” Và ông cũng nói thêm rằng đã bỏ đi một số từ tục tĩu mà Shankly đã nói ra.
Dù Evans công nhận sự cần thiết các chuyên gia ở thời hiện đại, ông vẫn cho rằng sự đơn giản trong phòng giày hiệu quả hơn với họ. “Chỉ có 4-5 người chúng tôi làm những việc mà hiện tại được 15-20 người đảm nhiệm” Evans nói. “Mặt lợi là HLV sẽ chỉ phải nghe vài ý kiến. Đôi khi, nhiều ý kiến sẽ khiến cho mọi việc trở nên rối rắm.”
Evans nói rằng, việc được tự chủ ở đội trẻ đã đem lại nhiều ích lợi cho ông. “Họ để tôi thoải mái làm việc, tôi được quyền lựa bất cứ cầu thủ nào không thuộc về đội một. Nếu anh 16 tuổi và đủ yêu cầu, anh sẽ được đem vào và đá với đội một,” Evans nói.
“Làm thế sẽ giúp họ tốt lên và sẽ giúp họ không bị “ngợp” khi lên đội một.” Ngày nay, các học viện thường phân các cầu thủ ra làm nhiều lứa tuổi, vì vậy sẽ rất khó cho các cầu thủ hòa nhập được với lối chơi của các đàn anh lớn tuổi hơn ở đội một.
Ngày Evans ra đi cũng chính là ngày kết thúc kỷ nguyên của căn phòng giày huyền thoại. Klopp đến, và muốn tiếp nối truyền thống ấy:
“Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc với Pep Lijnders (HLV đội một) và Peter Krawietz (trợ lý HLV), cũng như John Achterberg (HLV thủ môn), Andreas Kornmayer (Chủ nhiệm các vấn đề thể lực) và còn nhiều nữa những con người vẫn đang từng ngày đóng góp vào công việc chung ở Melwood.”
Klopp cũng muốn xây dựng đế chế của riêng mình với Liverpool.
Số lượng, chức vụ có thể thay đổi, nhưng tinh thần của căn phòng giày năm nào thì vẫn được giữ nguyên.