TP.HCM chi hơn 164 tỉ đồng xử lý “cát tặc”

Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng nhất thiết phải đẩy nhanh việc thực hiện Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép

Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng nhất thiết phải đẩy nhanh việc thực hiện Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, vùng giáp ranh giữa thành phố và các tỉnh. 

Tình hình khai thác cát lậu diễn ra hết sức phức tạp

Tại TP.HCM hiện nay, chỉ có dự án nạo vét tận thu luồng hàng hải do Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ xuất khẩu Hoàng Minh là được cấp phép. Thế nhưng thực tế thì số vụ khai thác cát và số tiền xử phạt đều tăng theo từng năm.

Cụ thể, theo số liệu tổng hợp từ Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, năm 2016 các lực lượng xử lý 38 vụ việc khai thác, vận chuyển cát trái phép. Đến năm 2017 số vụ tăng lên là 62 và năm 2018 số vụ tiếp tục tăng đột biến lên 121 vụ.

Đầu năm 2019 đến nay, riêng lực lượng biên phòng TP.HCM phát hiện bắt giữ 30 vụ với 90 “cát tặc” và nhiều ghe, xử phạt hơn 706 triệu đồng. Lực lượng cảnh sát đường thủy cũng tổ chức bắt hơn 15 vụ. Điều này là minh chứng rõ nét tình hình khai thác cát lậu diễn ra hết sức phức tạp.

Chính vì thế, theo ông Phong, các cơ quan chức năng cần phải rà soát, củng cố hồ sơ để xử lý hình sự một vài vụ vi phạm nhằm răn đe các đối tượng khai thác cát trái phép.

Nhiều đại biểu tham dự cuộc họp cũng đã đề xuất, hiến kế để chống khai thác cát trái phép.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, thì cần thành lập tổ công tác chuyên trách xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản để kiểm soát tình hình khai thác cát trái phép.

Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, nói: “Ủy ban TP.HCM nên xem xét đề xuất sửa luật, cứ phương tiện nào có cát trái phép là xử phạt. Có như vậy thì mới răn đe được cát tặc”.

Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM, thừa nhận thực tế hiện nay công tác phối hợp giữa TP.HCM và các tỉnh còn gặp khó khăn, nhiều đối tượng lợi dụng vị trí giáp ranh để chạy trốn khi bị truy bắt. Xung quanh các đồn biên phòng thường có lực lượng cảnh giới do cát tặc cài cắm, khi các chiến sĩ ra quân thường bị báo động, các đối tượng khai thác sẽ bỏ chạy.

Thời gian từ các đồn biên phòng đến vị trí khai thác ngoài biển cũng khá xa, khi lực lương ra đến nơi thì các đối tượng đã rời đi mất. Các chiến sĩ thường phải dùng ghe ngư dân hoặc đóng giả ngư dân mới tiếp cận, xử phạt được.

Ông Út kiến nghị UBND TP đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ các phương tiện có gắn máy bơm hút cát, khi rời bến phải có giấy tờ đầy đủ, đúng quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng nhất thiết phải đẩy nhanh việc thực hiện Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, vùng giáp ranh giữa thành phố và các tỉnh. Ông Phong cũng giao cho lực lượng công an TP.HCM và biên phòng TP.HCM là hai lực lượng chủ lực trong việc này.

Chủ tịch UBND TP.HCM: Công an và biên phòng là hai lực lượng chủ lực trong việc chống khai thác cát trái phép - Ảnh 1.

Để xử lý “cát tặc”, TP.HCM đã chi khoản tiền khổng lồ

TP.HCM chi tiền “khủng” để xử lý “cát tặc”

Trong đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP.HCM với các tỉnh đã được UBND TP.HCM phê duyệt, có nội dung: “TP.HCM chi hơn 164 tỉ đồng xử lý “cát tặc”. Khoản kinh phí này sẽ được dùng trong việc trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ cũng như chi phí cho công tác tuần tra kiểm soát từ nay đến hết năm 2021.

Trong đề án cũng đưa ra một số giải pháp như: rà soát bổ sung, thay thế quy định chưa phù hợp thực tiễn, xây dựng chốt kiểm soát trên biển với trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại, nghiên cứu các thiết bị công nghệ vào công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác cát trái phép…

Cũng liên quan đến việc phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP.HCM với các tỉnh, cách đây không lâu, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ đạo nên xây dựng nhà giàn trên vùng biển Cần Giờ, và yêu cầu sử dụng các thiết bị bay ghi hình vào ban đêm để làm cơ sở xử lý đối tượng, phương tiện khai thác cát trái phép.ô

Ông Nhân cũng yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung giám sát, xử lý từng khâu, từ lúc các ghe còn neo đậu, tập kết đến quá trình lưu thông trên sông, biển và khi khai thác cát trái phép, đồng thời tăng cường kiểm tra các ghe hoán cải, gắn thiết bị khai thác cát.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị lực lượng biên phòng TP.HCM cần phối hợp tốt với lực lượng biên phòng các tỉnh, thành giáp ranh để công tác tuần tra, xử lý khai thác cát trái phép hiệu quả hơn, tránh tình trạng các đối tượng khi bị phát hiện ở địa phương này thì chạy qua địa phương khác trốn.