Bốn hãng sản xuất chip lớn nhất năm 2017 vẫn giữ nguyên vị trí của mình, còn Broadcom từ vị trí thứ 6 vươn lên giành chỗ của Qualcomm.
Ông Jimmy Goodrich – Phó chủ tịch Chính sách Toàn cầu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, đã từng nói rằng: “Công nghệ bán dẫn có lẽ là thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại tính tới thời điểm hiện tại. Nó vẫn là nhân tố cốt lõi của mọi phát kiến hiện đại, từ xe cộ, cho đến siêu máy tính, hay internet, mọi thứ đều dựa trên một con chip.”
Nếu bạn nghĩ phát biểu trên là thổi phồng, phóng đại tầm quan trọng của công nghệ bán dẫn, thì để tôi nhắc lại câu chuyện về ZTE – công ty Trung Quốc suýt chút nữa đã rơi vào tình cảnh phá sản khi Chính phủ Mỹ đưa ra lệnh cấm hãng này sử dụng công nghệ của họ. Mặc dù khó khăn lớn nhất của họ là việc mất đi hệ điều hành di động – Android OS của Google, nhưng một trở ngại đáng nói khác chính là việc gần như không có một hãng điện thoại nào dám tung ra smartphone cao cấp mà không sử dụng vi xử lý đầu bảng của Qualcomm (ngoại trừ Huawei và Apple).
Và ngành công nghiệp bán dẫn lại tiếp tục cho thấy dấu hiệu tăng trưởng với những con số ấn tượng. Số liệu ban đầu của công ty phân tích thị trường Gartner cho thấy, doanh thu toàn cầu của lĩnh vực này đã đạt 476,7 tỷ USD trong năm 2018, tăng 13,4% so với năm 2017. Chip nhớ tiếp tục nắm trong tay “miếng bánh” lớn nhất khi chiếm tới 34,8% tổng doanh thu của ngành công nghiệp bán dẫn, cao hơn mức 31% của năm 2017.
Đứng đầu trong bảng xếp hạng các hãng sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới vẫn là Samsung. Theo nhận định của nhà phân tích tại Gartner, doanh thu đáng ngưỡng mộ của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc này đến từ thị trường DRAM. Người này cũng tiết lộ rằng top 4 nhà sản xuất chip của năm 2017 vẫn giữ nguyên vị trí của mình trong năm 2018. Điều này đồng nghĩa với việc Intel đã giữ vững ngôi vị “á quân” của mình. Doanh thu của họ được cho là đã tăng 12,2% so với năm 2012. Mức tăng trưởng này là nhờ số lượng cũng như mức giá trung bình của các sản phẩm bán ra tăng.
Đứng thứ ba là SK Hynix, và ngay sau đó là Micron Technology. Qualcomm bị Broadcom giành mất vị trí thứ 5 và đành chấp nhận tụt xuống số 6. Những cái tên còn lại trong danh sách bao gồm Texas Instruments, Toshiba, Western Digital và NXP.
Tuy nhiên, mặc dù 2018 có kết quả khả quan nhưng chuyên gia của Gertner cho rằng thứ tự xếp hạng của bảng này sẽ thay đổi mạnh trong năm nay, bởi thị trường chip nhớ sẽ suy yếu do phải đối mặt với căng thẳng thương mại giữa hai bên Mỹ và Trung Quốc.
Theo Gizmochina