Tổng Thư ký QH lý giải việc “chuyển biến” thông qua điều khoản cấm rượu bia khi lái xe

Ông Nguyễn Hạnh Phúc.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy định cấm uống rượu bia khi lái xe với tỷ lệ đồng thuận cao, trên 70%.

Chiều 14/6, ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp.

Tại buổi họp báo, phóng viên nêu về việc, sáng cùng ngày Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có điều khoản cấm uống rượu, bia khi lái xe, đồng thời đặt câu hỏi:

“Đề nghị Tổng Thư ký cho biết quá trình chuyển biến trong nhận thức và chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để có được bản báo cáo giải trình “thiết tha đề nghị” Quốc hội thông qua điều luật này?”.

Trả lời câu hỏi này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, lúc đầu Quốc hội xin ý kiến ĐBQH bằng hình thức biểu quyết điện tử về 2 phương án quy định cấm lái xe khi đã sử dụng rượu bia trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trong đó, phương án 1, Quốc hội muốn thể hiện quan điểm rất mạnh mẽ.

“Phương án 1 khác với Điều 8 của Luật Giao thông Đường bộ. 

Cụ thể, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ cấm người điều khiên ô tô, máy kéo, phương tiện vận tải tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu bia”, ông Phúc cho biết và lý giải, lúc đầu chắc là do các ĐBQH chưa hiểu rõ nội dung của quy định này nên tỷ lệ biểu quyết chưa được cao.

“Thực tiễn, thời gian qua số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến sử dụng rượu bia nhiều và phức tạp như vậy nên chúng ta không thể thờ ơ được. Nhưng có thể là do qua thảo luận các ĐBQH hiểu chưa rõ”, ông Phúc nhắc lại.

Ông nói thêm, sau đó, quá trình họp đoàn, họp tổ có trao đổi và giải thích rõ hơn vấn đề này rằng quy định như vậy là muốn tăng nặng hơn hình thức xử lý với vi phạm này. Vì thế, sau khi các ĐB nghe ra, thấy đã hiểu rõ hơn.

Từ cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đưa quy định “đã uống rượu bia thì không lái xe” vào Khoản 6, Điều 5 quy định về các điều cấm trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

“Hôm nay, khi biểu quyết với điều Luật này đạt được tỷ lệ đồng thuận cao, trên 70%. Sau đó Luật cũng được thông qua với 84% ĐBQH tán thành”, ông Phúc nêu rõ.

Trao đổi thêm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, lúc đầu khi xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Chính phủ trình đúng phương án cấm người đã uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông tham gia giao thông thực hiện theo Luật Giao thông đường bộ.

Sau đó, Ủy ban có ý kiến đề nghị phải quy định mạnh hơn theo hướng đã uống rượu bia thì không được tham gia giao thông.

Với câu hỏi “Sau khi Luật đã đưa vào quy định cấm thì chế tài xử phạt với những người đã uống rượu bia vẫn tham gia giao thông như thế nào?”, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, trong nghị quyết của kỳ họp đã nêu rõ:

Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương bổ sung xử phạt hành chính về trật tự an toàn giao thông, trong đó tăng chế tài xử phạt nghiêm hành vi sử dụng ma túy, rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.

“Điều đó thể hiện quyết tâm rất cao của Quốc hội và Chính phủ” – ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày đã nêu rõ: Khi thảo luận dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, một số ý kiến đề nghị cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; ý kiến khác đề nghị vẫn giữ quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông. 

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện xin ý kiến các vị ĐBQH hai phương án, trong đó phương án Cấm người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông là phương án 1.

Nhưng các phương án này đều không đạt được trên 50% ĐBQH tán thành (xin ý kiến chiều ngày 3/6).

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì việc quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết.

Quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và ĐBQH, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông.

Đồng thời, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan để có các biện pháp, chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm pháp luật về giao thông do sử dụng rượu, bia.

“Do đó, trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Luật, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, dư luận, mong muốn của cử tri gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản ghi rõ cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông”, bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh

Phóng viên cũng đặt câu hỏi về việc đại biểu Quốc hội đề xuất thu phí 3 – 5 USD gọi là “phí chia tay” khi thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đề nghị Tổng Thư ký cho biết quan điểm về ý kiến này?

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, dự án Luật trên hiện mới ở vòng cho ý kiến, còn việc đại biểu phát biểu mới chỉ là để xuất nên chính thức sau này cơ quan soạn thảo sẽ có tiếp thu, trao đổi.

“Còn cá nhân tôi thì tôi không đồng tình, không nên áp đặt phí gì cho người dân ở chỗ này. Còn việc đại biểu phát biểu đề xuất là việc của đại hiểu, Chính phủ có tiếp thu hay không là của Chính phủ. Riêng cá nhân tôi, nếu biểu quyết thì tôi không đồng tình”, ông Phúc nêu rõ.