Tổng quan về đường đua tốc độ sắp xuất hiện ở Hà Nội

Giải đua xe Công thức 1 sắp xuất hiện ở Hà Nội hứa hẹn sẽ mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn cho người xem.

Tổng quan về giải đua xe Formula 1

Giải đua xe Công thức 1 (F1) có nguồn gốc từ giải vô địch Grand Prix châu Âu diễn ra vào những năm 1920 và 1930. Tuy nhiên, các giải đua này không được công nhận là chính thức. Phải đến năm 1946, luật chơi mới được chuẩn hóa bởi Liên đoàn đua xe thế giới (FIA). Cái tên Công thức 1 đề cập đến bộ quy tắc mà tất cả đội tham gia phải tuân thủ, ban đầu được gọi là Công thức A.

4 năm sau, cuộc đua vô địch thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Silverstone, Anh. Nhưng đến tận năm 1958, giải đua xe thực sự dành cho các đội đua F1 mới chính thức ra mắt khán giả.

Tổng quan về đường đua tốc độ sắp xuất hiện ở Hà Nội - Ảnh 1.

Giải đua F1 có nhiều năm lịch sử hình thành và phát triển.

Nhà vô địch thế giới công thức 1 đầu tiên là tay đua người Italy, Giuseppe Farina (1950). Chiếc xe được ông sử dụng trong lần đầu làm nên lịch sử có tên gọi là Alfa Romeo. Thời gian đầu, những người Italy gần như thống trị giải đua F1 khi Giuseppe Farina cùng Alberto Ascari giành ¾ chức vô địch thế giới đầu tiên. (Farina thắng năm 1950, Ascari vô địch năm 1953 và 1954).

Giải đua xe này đã có nhiều cải tiến theo thời gian. Ví dụ như từ năm 1958, chặng đua rút ngắn từ khoảng 300 dặm xuống chỉ còn 200 dặm và những chiếc xe được sử dụng xăng máy bay thay vì hỗn hợp nhiên liệu khác với methanol là thành phần chính. Cái chết thảm khốc của tay đua người Đức, từng vô địch F1 thế giới, Jim Clark cũng khiến ban tổ chức phải thắt chặt lại quy định an toàn cho cuộc đua.

Một mùa giải vô địch thế giới F1 theo quy định gồm chuỗi các cuộc đua, hay còn gọi là Grands Prix (GP). Kết quả của mỗi cuộc đua được cộng dồn để tìm ra chủ nhân hai danh hiệu vô địch thế giới hàng năm, một dành cho tay đua và một cho đội đua.

Cơ cấu tính điểm: Người về nhất sẽ được 25 điểm, về nhì 18 điểm, về ba 15 điểm, về tư 12 điểm, thứ 5 được 10 điểm, thứ 6 được 8 điểm, thứ 7 được 6 điểm, thứ 8 được 4 điểm, thứ 9 được 2 điểm và về 10 được 1 điểm. Những xe còn lại sẽ không được điểm.

Thường thì các cuộc đua sẽ được tổ chức tại những trường đua được xây dựng riêng. Nhưng cũng có trường hợp trường đua được thiết kế ngay trên đường phố. Ví dụ như đường đua Monaco hay Marina Bay ở Singapore.

Những quốc gia tổ chức F1

Châu Âu được xem như cái nôi của Công thức 1. Tất cả các đội đều có trụ sở tại Lục địa già và khoảng một nửa cuộc đua tổ chức tại đó. Cụ thể hơn Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland là nơi sản sinh ra nhiều tay đua vô địch nhất (13), và đại đa số đội đua vô địch (32).

Tuy nhiên, phạm vi của môn thể thao tốc độ này đã mở rộng đáng kể trong những năm gần đây khi Formula 1 được tổ chức ở khắp nơi trên thế giới.

Không chỉ ở châu Âu, các đường đua dần chuyển sang các châu lục khác, nhất là châu Á như Bahrain, Trung Quốc, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng quan về đường đua tốc độ sắp xuất hiện ở Hà Nội - Ảnh 2.

Khởi nguồn từ châu Âu nhưng F1 đang ngày 1 phát triển ở các khu vực khác, đặc biệt là châu Á.

Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên tổ chức giải đua xe Công thức 1. Tuy nhiên, họ đã dừng hoạt động này sau hai mùa giải 1976 và 1977. Mãi đến năm 1987, đường đua tốc độ mới trở lại xứ sở anh đào.

Singapore đã tổ chức cuộc đua đêm đầu tiên vào năm 2008. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bắt đầu đăng cai F1 năm 2009 còn Ấn Độ cũng có riêng cho mình một cuộc đua từ năm 2011. Trong số 19 cuộc đua vào năm 2011 (chưa kể GP Bahrain), có 9 cuộc đua là ở bên ngoài châu Âu.

Lợi ích kinh tế

Công thức 1 là một sự kiện truyền hình lớn với hàng triệu người theo dõi trên khắp thế giới. Trung bình có khoảng 55 triệu người trên toàn cầu theo dõi trực tiếp các cuộc đua Công thức 1. Vì lẽ đó, bên cạnh các cuộc đua tốc độ, Formula 1 còn trở thành chiến trường kinh tế của những nhà đầu tư.

Tổng doanh thu hàng năm của giải Công thức 1 ước tính rơi vào khoảng 1.8 tỷ USD nhờ các khoản tiền từ truyền thông marketing, bản quyền phát sóng và quảng cáo tài trợ.

Chi phí để tổ chức giải đua F1 rất cao, có thể lên tới hàng trăm triệu USD/năm nhưng nguồn thu chủ yếu của nước tổ chức chỉ đến từ bán vé. Dù vậy, vẫn có nhiều nước đăng cai bởi những lợi ích vô hình mà nó đem lại như quảng bá hình ảnh đất nước, làm động lực cho các ngành kinh tế phát triển.

Tổng quan về đường đua tốc độ sắp xuất hiện ở Hà Nội - Ảnh 3.

Malaysia sau 19 mùa giải đã dừng tổ chức F1 vì lý do kinh tế.

Tuy nhiên, không phải nước nào cũng gặt được nhiều trái ngọt từ F1. Năm 2017, Malaysia đã quyết định dừng tổ chức giải đua xe Công thức 1 do chi phí tổ chức quá cao nhưng doanh số bán vé và du lịch không đạt kỳ vọng. Trước đó, họ đã liên tục tổ chức 19 mùa giải F1, tính từ mùa đầu tiên vào năm 1999.

Các chặng đua F1 hiện tại

1 Australian GP Melbourne GP Circuit, Melbourne
2 Bahrain GP Bahrain International Circuit, Sakhir
3 Chinese GP Shanghai International Circuit, Shanghai
4 Azerbaijan GP Baku City Circuit, Baku
5 Spanish GP Circuit de Barcelona-Catalunya, Barcelona
6 Monaco GP Circuit de Monaco, Monte Carlo
7 Canadian GP Circuit Gilles Villeneuve, Montreal
8 French GP Circuit Paul Ricard, Le Castellet
9 Austrian GP Red Bull Ring, Spielberg
10 British GP Silverstone Circuit, Silverstone
11 German GP Hockenheimring, Hockenheim
12 Hungarian GP Hungaroring, Budapest
13 Belgian GP Circuit de Spa-Francorchamps, Stavelot
14 Italian GP Autodromo Nazionale Monza, Monza
15 Singapore GP Marina Bay Street Circuit, Singapore
16 Russian GP Sochi Autodrom, Sochi
17 Japanese GP Suzuka International Racing Course, Suzuka
18 United States GP Circuit of the Americas, Austin, Texas
19 Mexican GP Autodromo Hermanos Rodriguez, Mexico City
20 Brazilian GP Autodromo Jose Carlos Pace, Sao Paulo
21 Abu Dhabi GP Yas Marina Circuit, Abu Dhabi