“Tôi yêu WikiLeaks” và sự phũ phàng của ông Trump sau vụ bắt giữ chấn động ĐSQ Ecuador

Minh họa ông Julian Assange tại tòa. Ảnh: JULIA QUENZLER, BBC

Ông Trump từng tỏ ra ấn tượng về cách thu thập email bí mật từ Đảng Dân chủ. Hãng AP cho hay ông Trump còn treo một tấm áp phích có in hình ông Assange trong phòng họp tác chiến.

Ông Trump “thay đổi chóng mặt”

Năm 2016, khi ứng cử viên Donald Trump tới Ohio, ông tuyên bố: “Mọi người à, tôi rất thích đọc WikiLeaks.” Tại Michigan, ông nói: “WikiLeaks giống như một kho báu vậy”. Tại Pennsylvania, ông Trump không ngần ngại khẳng định: “WikiLeaks, tôi yêu WikiLeaks”.

Đó là câu chuyện của 3 năm trước, nhưng vào ngày hôm qua (11/4), sau khi nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange bị bắt giữ, lời bình luận của tổng thống Mỹ lại hoàn toàn trái ngược: “Tôi chẳng biết gì về WikiLeaks cả. Đó không phải chuyện của tôi”.

Phe đối lập đã chỉ trích sự thay đổi trong quan điểm của ông Trump, và cho rằng những mối liên hệ giữa ông Trump, WikiLeaks và can thiệp của Nga trên chính trường Mỹ đang trở nên “mờ ảo” hơn sau từng lời tuyên bố của vị tổng thống Mỹ.

Matthew Miller, cựu quan chức cao cấp tại Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống Obama, nói: “Ông Trump thường xuyên thay đổi nên tôi không quá bất ngờ khi ông ấy phủ nhận mọi chuyện. Ông Trump chỉ muốn những thứ tốt nhất với bản thân mình. Thực sự mọi chuyện chỉ đơn giản như vậy.”

Với ngoại hình tiều tụy, để râu và tóc dài, ông Assange cuối cùng cũng bị các cảnh sát London kéo ra khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London sau gần 7 năm xin tị nạn chính trị.

Ông Assange hiện đang đối mặt với lệnh dẫn độ sang Mỹ vì thông đồng với Chelsea Manning – một cựu sĩ quan phân tích tình báo và sau này trở thành người tuồn ra các tài liệu và thông tin bí mật – để phá mật khẩu trong máy tính được bảo mật của chính phủ Mỹ hồi năm 2010.

Tôi yêu WikiLeaks và sự phũ phàng của ông Trump sau vụ bắt giữ chấn động ĐSQ Ecuador - Ảnh 1.

Ông Julian Assange vào năm 2010. Ảnh: Stefan Wermuth/AP

Vụ việc xảy ra khá lâu trước khi ông Trump trở thành tổng thống và cũng không mấy có liên quan tới ông Trump. Cáo buộc nhằm vào ông Assange không phải được đưa ra bởi Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, mà bởi các công tố viên tại Virginia và bộ phận an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp.

Hồi tháng trước, Manning lại bị bắt giam sau khi từ chối làm chứng về WikiLeaks. Điều này cho thấy hoạt động điều tra của các công tố viên đối với ông Assange vẫn chưa kết thúc.

Ông Assange dường như khó có thể nhận được sự cảm thông từ ông Trump. Thái độ của ông Trump đối với WikiLeaks đã biến chuyển từ ghét bỏ, tới yêu thích, và cuối cùng tới thờ ơ lạnh nhạt.

Ông Trump, WikiLeaks và Nga

Trang web WikiLeaks từng được phe cánh tả ở Mỹ ca ngợi vì đưa những bí mật về chính trị và thông tin quân sự ra ngoài ánh sáng. Năm 2010, WikiLeaks tung ra hơn 250.000 tài liệu lấy từ các đại sứ quán Mỹ, công khai cho toàn thế giới.

Khi đó, phe Cộng Hòa đã công kích ông Assange rất quyết liệt. Chính ông Trump từng nói: “Tôi nghĩ đó là một việc không chấp nhận được. Nên có án tử hình hay gì đó tương tự”.

Nhưng 6 năm sau, câu chuyện lại có diễn biến hoàn toàn khác. WikiLeaks đã trở thành một công cụ đắc lực trong chương trình bầu cử của ông Trump và, với sự khuyến khích của ứng cử viên tổng thống, WikiLeaks đã liên tục công khai email lấy được từ phe Dân Chủ. Việc đánh cắp những email này được cho là có sự can thiệp từ cơ quan tình báo của Nga.

Tháng 6/2016, một loạt tài liệu của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ đã xuất hiện và khiến bà Hillary Clinton bị thất thế ngay trước cuộc họp của đảng. Tháng 10/2016, những đoạn email đánh cắp từ John Podesta – chủ tịch chương trình vận động tranh cử của bà Clinton – đã xuất hiện chỉ vài phút sau khi đoạn video ông Trump “tự hào” khoe về việc sờ soạng phụ nữ.

Nhận thấy “cơ hội trời cho”, ông Trump đã nhắc tới WikiLeaks 141 lần tại 56 sự kiện – theo thống kê của NBC News. Ông Trump tỏ ra ấn tượng về cách thu thập email mật từ Đảng Dân chủ. Hãng AP cho hay ông Trump còn treo một tấm áp phích có in hình ông Assange trong phòng họp tác chiến.

Mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và WikiLeaks – và Nga – tới nay vẫn còn là một bí ẩn. Ngoài ra, con trai của ông Trump – Donald Trump Jr. – đã từng trực tiếp đối thoại với WikiLeaks trong những vòng cuối của cuộc tranh cử năm 2016.

Roger Stone, cố vấn thân cận của ông Trump, đã từng nhiều lần nhắc tới mối quan hệ với WikiLeaks và khoe rằng ông được biết trước những kế hoạch công bố tài liệu mật của WikiLeaks. Hồi tháng 1, ông Mueller đã cáo buộc ông Stone vì những tội cản trở pháp luật, làm chứng và đưa ra lời khai giả. Nhưng ông Stone không nhận tội.

Đối với ông Assange, ông chủ của WikiLeaks tự nhận rằng ông là người trung lập. Vào năm 2016, khi được Democracy Now đặt ra câu hỏi rằng ông muốn bà Clinton hay ông Trump dành chiến thắng, ông Assange trả lời thẳng thừng người phỏng vấn: “Ý anh hỏi là tôi thích bệnh lậu hay bệnh tả hơn à?”

Khi ông Trump dành chiến thắng, WikiLeaks không còn được ưu ái nữa. Trả lời AP hồi năm 2017, ông Trump nói ông “không hề ủng hộ hay ngừng ủng hộ” việc WikiLeaks công bố các đoạn email bị đánh cắp.

Khi được hỏi về việc liệu có nên bắt giữ ông Assange hay không, ông Trump đáp: “Tôi không liên quan gì tới quyết định đó, nhưng nếu họ muốn bắt ông ta [Assange] thì tôi thấy OK.”

Theo Bộ trưởng Tư pháp William Barr, ông Mueller không tìm thấy bất kì bằng chứng nào về việc thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Moskva.

Tuy nhiên tới khi bản báo cáo của ông Mueller được công bố đầy đủ, vẫn chưa rõ liệu ông Mueller đã tìm hiểu được gì về WikiLeaks, mối liên hệ của WikiLeaks với chương trình tranh cử – hoặc liệu vụ bắt giữ có thể dẫn tới những cáo buộc và tội danh khác cho ông Trump hay không.

Ông Miller nói: “Đó hoàn toàn là điều có thể. Chúng ta không thể nào biết được nếu chính phủ Mỹ đã thu thập được bằng chứng cho thấy ông Assange đã liên hệ với các cơ quan tình báo Nga”.