Động thái của Fed sẽ khiến cho một số NHTW khu vực cũng phải tiếp tục tăng lãi suất cơ bản, dẫn đến chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng tăng theo.
Việc Fed nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến có thể sẽ mang đến những bất lợi cho các quốc gia đang phải đối mặt với sự suy yếu tiền tệ và nguy cơ vốn đầu tư bị rút ra ồ ạt, một chuyên gia kinh tế hàng đầu châu Á cảnh báo.
Yasuyuki Sawada, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết: “Cuối năm nay hoặc năm tới, nếu mức lãi suất tăng vọt thì nền kinh tế châu Á có thể phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn.”, ông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư, trước khi Fed đưa ra thông báo tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay.
Mức tăng 25 điểm cơ bản đưa mục tiêu lãi suất liên bang lên mức 2 đến 2,25%. Dự báo của các nhà hoạch định chính sách cho biết, Fed sẽ còn một đợt tăng lãi suất trong năm nay, 3 đợt trong năm 2019, không thay đổi so với những dự đoán trước đó.
Ông Sawada hy vọng rằng tác động “lây lan” của việc tăng lãi suất hôm thứ Tư sẽ là “không đáng kể” đối với các nền kinh tế châu Á. Tuy nhiên, động thái của Fed sẽ khiến cho một số ngân hàng trung ương trong khu vực cũng phải tiếp tục tăng lãi suất cơ bản, dẫn đến chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng tăng theo.
Ông thấy “việc Fed nâng lãi suất không có tác động tiêu cực đối với đầu tư hoặc tiêu dùng” ngay lập tức. Nhưng động thái của Fed được đẩy nhanh hơn dự kiến có thể sẽ là mối nguy hại đối với dòng vốn đầu tư chảy vào các nền kinh tế châu Á, chuyên gia kinh tế của ADB nói thêm.
Trong khi đó, “việc Fed bình thường hoá lãi suất sẽ gây ra áp lực giảm giá đối với các đồng nội tệ của châu Á.” Trong tháng 8, đồng Rupiah của Indonesia đã chạm mức thấp nhất trong 2 thập kỷ so với đồng USD, các đồng nội tệ trong cùng khu vực cũng chịu áp lực nặng nề, ví dụ như Philippines và Ấn Độ là hai nền kinh tế với đồng nội tệ có diễn biến tệ nhất kể từ đầu năm đến nay.
Ông Sawada dự đoán tình hình còn tồi tệ hơn nếu lãi suất của Mỹ tăng lên mức 3% vào cuối năm 2019. Theo một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters vào tháng 6 vừa rồi, 23 ngân hàng lớn được uỷ quyền giao dịch trực tiếp với Fed đều dự đoán mức lãi suất chuẩn sẽ tăng lên mức 2,25% đến 2,50% vào cuối năm nay và đạt mức từ 3 đến 3,25% vào năm tới.
Cho đến nay, các quốc gia châu Á đang giải quyết những thách thức đến từ việc tăng lãi suất của Mỹ, Sawada nói. Các ngân hàng trung ương của Indonesia và Philippines đã có phản ứng rất nhanh nhạy đối với động thái này. Cả hai đều phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất để chống tình trạng lạm phát gia tăng. Riêng NHTW Indonesia đã tăng mức lãi suất chuẩn liên tục kể từ tháng 5.
Theo báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (Asian Development Outlook) được công bố hôm thứ Tư, châu Á sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kinh tế 6% trong năm 2018 và 5,8% vào năm tới nếu lãi suất chuẩn của Fed vẫn ở mức dưới 3% vào cuối năm 2019.
theo Nikkei