Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội Báo toàn quốc năm 2023, chiều 17.3, tại Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay”. Các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam đồng chủ trì. Dự có lãnh đạo các Hội Nhà báo, cơ quan báo chí T.Ư và địa phương.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. |
Tại buổi tọa đàm, sau khi nghe Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam thông tin tình hình hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm từ năm 2020 – 2022, phương hướng năm 2023, các đại biểu tham dự tọa đàm đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về các khóa bồi dưỡng của trung tâm tổ chức; chỉ ra những mặt hạn chế cần khắc phục; đề xuất những kỹ năng, chủ đề cần thiết cũng như hình thức, phương thức tổ chức các khóa bồi dưỡng cho phù hợp và đáp ứng nhu cầu của khóa học.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Theo đó, các đại biểu đều nhất trí cho rằng: Việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí rất quan trọng và cần thiết. Để tổ chức tốt các khóa bồi dưỡng, các đại biểu đề nghị Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cần lựa chọn đối tượng ưu tiên và đội ngũ cán bộ quản lý trong các cơ quan báo chí; mở rộng độ tuổi đào tạo, nhất là đội ngũ nhà báo trẻ; tập trung tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ phóng viên báo Đảng về kỹ năng xử lý tin, viết phóng sự; bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm tham gia Giải báo chí về xây dựng Đảng; tăng cường tập huấn về sử dụng công nghệ số trong hoạt động báo chí; tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo từng cụm thi đua hoặc từng vùng cho phù hợp; nghiên cứu chương trình mới, mang tính xã hội để thông tin báo chí được lan tỏa nhanh tới người dân; có sự trao đổi trước với các tỉnh để thống nhất về nội dung, chương trình, giáo viên giảng dạy… bảo đảm công tác đào tạo, bồi dưỡng hiệu quả.
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lê Trọng Lập phát biểu ý kiến tham luận tại buổi tọa đàm. |
Tham gia ý kiến tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lê Trọng Lập cho rằng: Làm báo là một nghề mà nhu cầu đào tạo ban đầu – năng khiếu, say mê, yêu nghề – bồi dưỡng, bổ sung, nâng cao nghiệp vụ luôn là 3 yếu tố quan trọng và quyết định để có một nhà báo giỏi, làm nghề tốt, không mắc sai phạm khi làm nghề. Điều đó càng đúng khi hiện nay, khoa học, công nghệ ngày càng tác động, chi phối mạnh mẽ vào tư duy làm báo và công nghệ làm báo. Đó là trí tuệ nhân tạo, công nghệ 4.0. Ở khía cạnh công nghệ, không chỉ là sự tác động; cản, phá nhằm làm chệch hướng định hướng của chế độ mà còn là sự “tự chuyển hoá”, “tự diễn biến” trong tư duy, nhận thức của mỗi người trước sự tác động, ảnh hưởng của dòng chảy thời cuộc nhiều chiều mà xã hội hiện nay đang chịu tác động. Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí giai đoạn hiện nay hết sức cần thiết, giúp đội ngũ người làm báo nhận thức đúng về các khía cạnh tác động của xã hội để có biện pháp xử lý phù hợp; lý giải, cắt nghĩa, trả lời chính xác các vấn đề tác động của xã hội đến nhận thức, cách làm của nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp.
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lê Trọng Lập trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhà báo và Công luận. |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: Cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay chưa đáp ứng hết mọi nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Những người làm báo cần phải đổi mới cách thức thông tin, nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước và thế giới trong tình hình mới, cũng như đòi hỏi ngày càng cao của công chúng. Vì vậy, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo cần thực hiện một cách có tổ chức, có kế hoạch và luôn đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, trong xu thế chuyển đổi số hiện nay, các tòa soạn đang dần chuyển đổi toàn bộ hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số, thông qua những ứng dụng, phần mềm, nền tảng số. Để thay đổi được những thói quen cũ, cần phải đào tạo được một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ số và phát triển sáng tạo.
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cùng các đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm. |
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi hy vọng những ý kiến được chia sẻ tại buổi tọa đàm sẽ là lời giải đột phá cho các vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng mà các cơ quan báo chí và cấp hội địa phương đang gặp phải. Đồng thời, gợi mở giúp Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo, góp phần vào sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.
Tin, ảnh: Kim Tiến
Nguồn Báo Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202303/toa-dam-dao-tao-va-boi-duong-nghiep-vu-bao-chi-theo-nhu-cau-hien-nay-fd861e5/