Ngày 5/5, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ đã có buổi làm việc tại tỉnh Ninh Bình về công tác triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ; đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đồng chủ trì hội nghị.
Quang cảnh buổi làm việc.
Cùng dự có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh; thủ trưởng các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội; đại biểu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; lãnh đạo, thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh cùng lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị có liên quan.
Tại buổi làm việc, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã báo cáo khái quát tình hình xây dựng đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Ninh Bình; tình hình, kết quả công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn báo cáo kết quả công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Ninh Bình xác định việc triển khai thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế – xã hộị, phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 10/4/2023 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023 và những năm tiếp theo. UBND tỉnh ban hành 70 văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND huyện, thành phố thực hiện đảm bảo đúng tiến độ 13 nhiệm vụ chung, 25 dịch vụ công thiết yếu, 40 nhiệm vụ phối hợp với cơ quan trung ương và 5 nhóm tiện ích của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Đã thành lập Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Các sở, ngành, 8/8 UBND huyện, thành phố, 143/143 UBND các xã, phường, thị trấn đã ban hành kế hoạch, quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động Tổ công tác thực hiện Đề án 06 trên địa bàn để triển khai thực hiện; 1.679/1.679 thôn, khu dân cư, tổ dân phố đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Tính đến ngày 4/5/2023, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành triển khai 22/25 dịch vụ công thiết yếu và 3 dịch vụ công. Trong đó, đã tiếp nhận, giải quyết trực tuyến tổng số gần 146 nghìn hồ sơ dịch vụ công, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh đạt 70%, nhiều thủ tục đạt 100%;
100% công chức, viên chức đã biết khai thác, xác thực thông tin công dân trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, không yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận thông tin cư trú.
Quyết liệt việc “làm sạch” dữ liệu thông tin dân cư, đảm bảo 100% thông tin công dân trên địa bàn “đúng, đủ, sạch, sống”; đã cấp 813.003 căn cước công dân gắn chíp điện tử cho công dân trong độ tuổi cấp CCCD (đạt 98.2%); cấp 249.865 tài khoản định danh điện tử.
Cùng với đó, thực hiện hiệu quả 3 mô hình điểm của Đề án 06 là: mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, mô hình khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD, mô hình tuyên truyền cán bộ, công chức viên chức làm thủ tục hành chính cho người dân sử dụng dữ liệu khi tra cứu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc sử dụng dữ liệu của người dân tại VNEID mức độ 2…
Năm 2022 Ninh Bình là 1 trong 5 tỉnh, thành phố được vinh danh có thành tích tiêu biểu trong tổ chức triển khai chủ trương cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia; được Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam vinh danh trong Top 5 địa phương cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt nhất trong cả nước năm 2022.
Thành viên tổ công tác phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án 06 cũng như xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh như: hạ tầng công nghệ, kho dữ liệu, thiết bị kết nối phục vụ dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh; công tác rà soát, xây dựng Bộ hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính từ giấy tờ sang môi trường điện tử; công tác thực hiện dữ liệu dân cư đúng, đủ, sạch, sống; công tác đảm bảo kết nối dữ liệu dân cư giữa các ngành; công tác bố trí nguồn lực để thực hiện Đề án 06; việc nâng cao trình độ cán bộ, công chức trong thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện tốt các phần mềm qua dịch vụ công trực tuyến của từng sở, ngành…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết tâm rất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án 06. Sau gần 2 năm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, việc thực hiện Đề án 06 đã có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cũng như phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu tại buổi làm việc.
Các nội dung được các đại biểu cũng như thành viên trong Tổ công tác đưa ra tại buổi làm việc đều là những vấn đề hết sức cụ thể. Tỉnh sẽ tiếp thu và thực hiện nghiêm túc các ý kiến nhận xét, đánh giá và chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an cùng Đoàn công tác để tập trung lãnh đạo chỉ đạo.
Trọng tâm là việc đồng bộ cơ sở dữ liệu; xây dựng hạ tầng công nghệ, đảm bảo an toàn thông tin; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, phục vụ chuyển đổi số trong hệ thống các cơ quan, đơn vị; tiếp cận các mô hình điểm được đoàn công tác gợi ý để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Buổi làm việc là dịp để tỉnh nhìn nhận lại một cách tổng thể quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, những kết quả đã đạt được cũng như tìm được hướng đi, cách làm hiệu quả trong thực hiện Đề án 06.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ bày tỏ ấn tượng trước những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án 06 của tỉnh Ninh Bình.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Đồng chí cho rằng, Ninh Bình đã thẳng thắn chỉ ra những nhóm tồn tại trong quá trình thực hiện Đề án; tỉnh cần khắc phục tồn tại về chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến Đề án 06, vì vậy Ninh Bình cần phải có những bước đi đột phá mới; cần rà soát lại kế hoạch thực hiện Đề án 06 và Chỉ thị 05 đã chỉ rõ đích phấn đấu. Quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ, kết hợp tốt các đường truyền, kho dữ liệu; cần điều chỉnh mô hình sử dụng con người, trụ sở tiếp dân để đầu tư công nghệ.
Đồng chí cũng đề nghị tỉnh quan tâm triển khai xây dựng trụ sở Công an xã; tăng cường công tác phòng chống tội phạm về ma túy; quan tâm đầu tư, nâng cấp trung tâm cai nghiện cộng đồng, bắt buộc để quản lý người nghiện ma túy.
Đồng chí cũng yêu cầu Công an Ninh Bình cần hoàn thành thực hiện ứng dụng dữ liệu hệ thống trong tháng 5 tới; đồng thời, cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2, tạo lập công cụ và điều kiện để người dân, doanh nghiệp thực hiện Đề án 06 trên dịch vụ công trực tuyến.
Đồng chí khẳng định: Văn phòng Chính phủ, Trung tâm giữ liệu quốc gia dân cư sẽ đầu tư và đồng hành cùng tỉnh thực hiện các mô hình Đề án 06 mang lại lợi ích kinh tế, góp phần phòng chống tội phạm và tạo nên văn minh xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Đề án 06 là một trong những đột phá trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, là yếu tố cốt lõi để xây dựng xã hội số, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cách quản trị xã hội, quản trị địa phương. Qua buổi làm việc đã giúp Ninh Bình phát hiện những nút thắt, điểm nghẽn trong thực hiện Đề án 06, để từ đó có những điều chỉnh, cách làm phù hợp trong thời gian tới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu tại buổi làm việc.
Qua ý kiến thảo luận, gợi mở của các đồng chí trong đoàn công tác, đặc biệt là ý kiến kết luận và chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ đã giúp tỉnh có nhận thức thống nhất hơn để triển khai hiệu quả hơn Đề án 06. Trên cơ sở ý kiến của đoàn, tỉnh sẽ rà soát lại toàn bộ kế hoạch, xác định rõ lộ trình, hạng mục công việc; khắc phục các nguy cơ, thông qua việc điều chỉnh công tác tổ chức, nhân lực, nguồn lực, phương pháp, cách làm… Đồng thời, lưu ý UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh cùng các bộ phận chuyên môn cần có buổi làm việc để đưa ra những giải pháp căn cơ, bài bản hơn để phát huy tốt hơn những kết quả đã đạt được trong thời gian qua.
Đối với các ý kiến của đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an về xây dựng lực lượng Công an xã và công tác phòng chống tội phạm về ma túy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết sẽ bố trí nguồn lực để đến hết năm 2025, hoàn thành xây dựng 119/119 trụ sở Công an xã; đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp tấn công trấn áp tội phạm về ma túy trên địa bàn.
Trước đó, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến dâng hương tại đền vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) tưởng nhớ công lao của các bậc Tiên đế, các đấng tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đoàn công tác dâng hương tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng.
Kiều Ân – Đức Lam
Nguồn Báo Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/to-cong-tac-de-an-06-cua-chinh-phu-lam-viec-tai-ninh-binh/d20230505145431239.htm