Chơi hụi, họ, biêu, phường là một trong những hình thức phổ biến hiện nay ở nhiều vùng nông thôn. Về bản chất, đây là một trong những hình thức để huy động vốn, tương trợ trong Nhân dân được Nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động. Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Họ, hụi, biêu, phường là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên…”. Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19-2-2019 về họ, hụi, biêu, phường cũng đã có những quy định cụ thể.
Người dân xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) hoang mang, lo lắng trước nguy cơ mất tiền do vỡ hụi xảy ra trên địa bàn.
Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay, hình thức chơi hụi đang bị biến tướng, gây nên những cơn “lốc hụi”, “bão phường” ở các làng quê. Một số chủ hụi lợi dụng việc huy động vốn, lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người dân để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Nhiều vụ “vỡ hụi” thời gian gần đây ở một số địa phương trong tỉnh còn liên quan đến việc huy động tiền của nhiều người dân với lãi suất hấp dẫn để đầu tư làm ăn, cho vay lại kiếm lời hoặc góp vốn kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản “chững” lại, tiền vốn đầu tư không thu hồi kịp thời, nhiều người rơi vào tình huống mất khả năng thanh toán, phải tuyên bố “vỡ nợ”, kéo theo đó là hàng trăm hộ dân tham gia chơi hụi, góp vốn bị liên đới về tài chính.
Mới đây, vụ “vỡ hụi” ở xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) với số tiền hàng tỷ đồng liên quan đến hàng chục hộ dân tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về tình trạng chơi hụi rồi vỡ hụi ở các làng quê. Bà Nguyễn Thị Kim trước đây vốn làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Hải Phúc 1 kiêm tổ trưởng tổ vay vốn. Vừa làm cán bộ của thôn, bà Kim vừa tổ chức cầm hụi. Vì tin tưởng, nhiều người dân trong xã đã dành dụm tiền tiết kiệm hàng tháng để tham gia vào dây hụi do bà Kim tổ chức với mong muốn có chút vốn phòng thân, nuôi con ăn học, sửa sang nhà cửa. Người ít thì tham gia 1 – 2 chân, người nhiều tham gia đến 3 – 4 chân, có người còn cho bà Kim vay để có thêm khoản lãi trang trải cuộc sống. Khoảng từ đầu năm 2023, bà Kim không còn khả năng trả tiền cho các thành viên chơi hụi mà tìm cách lẩn tránh, khất lần. Khi bà tuyên bố “vỡ nợ”, nhiều người hoang mang, lo lắng trước nguy cơ mất tiền. Qua nắm bắt thông tin, số tiền bà Kim vay, gom hụi khoảng 7 tỷ đồng, trong đó bà cũng đã dùng khoảng 6 tỷ đồng để cho nơi khác vay lấy lãi chênh lệch. Hiện nay, số tiền này khó có khả năng thu hồi.
Một vụ việc vỡ nợ khác xảy ra ở huyện vùng cao Bá Thước từ giữa năm 2022 khiến hơn 100 hộ dân ở xã Điền Lư “mất ăn, mất ngủ” khi nghe thông tin một chủ hụi tuyên bố vỡ hụi. Theo đó, khoảng từ năm 2021 đến tháng 6-2022, lợi dụng lòng tin của người dân trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Minh đã vay tiền mặt và đứng ra tổ chức chơi hụi với khoảng 100 người dân trên địa bàn xã Điền Lư. Do thấy bà Minh là người có điều kiện kinh tế nên những người chơi hụi tin tưởng và đóng tiền hàng tháng. Ban đầu, bà Minh cũng thực hiện trả tiền đầy đủ cho những người chơi. Tuy nhiên, quá trình làm ăn và chơi hụi, do thua lỗ nên bà Minh bắt đầu vay tiền để trả nợ, đồng thời nhận tiền đóng hụi rồi sử dụng vào việc trả lãi. Từ tháng 7-2021, bà Minh mất khả năng thanh toán nhưng bà vẫn thông báo đóng tiền hụi. Do tin tưởng bà Minh nên nhiều người trên địa bàn xã Điền Lư vẫn đóng tiền hụi và đưa tiền thế hụi cho bà Minh mà không có giấy tờ giao nhận. Cầm cự đến cuối tháng 6-2022, bà Minh tuyên bố vỡ nợ do không có khả năng trả nợ, với số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền cho vay và tham gia hụi, các bị hại đã làm đơn tố giác gửi cơ quan chức năng tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một số người dân đã khởi kiện dân sự đến Tòa án Nhân dân huyện Bá Thước chỉ với hy vọng lấy lại được số tiền đã mất… Cuối tháng 6-2023, bà Nguyễn Thị Minh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Thực tế ở các địa phương hiện nay, các hoạt động hụi, họ, biêu, phường thường bị biến tướng thành các hoạt động huy động vốn trái pháp luật với nhiều rủi ro. Một số người vì “nhẹ dạ, cả tin”, ham lợi nhuận, thiếu tỉnh táo trước những dây hụi lãi suất cao nên đã dành tiền tiết kiệm, thậm chí vay lãi ngân hàng, bán đất… để đầu tư và rồi ôm “trái đắng”.
Luật sư Vũ Văn Trà, Công ty Luật TNHH Sơn Trà thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Để có thể xử lý được các vụ việc vỡ hụi thì cần phải xem xét một cách toàn diện các yếu tố. Trong trường hợp chủ hụi có hành vi, thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì có thể bị xem xét khởi tố theo quy định tại Điều 174, Điều 175 Bộ luật Hình sự hiện hành về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trường hợp không có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì chỉ có thể giải quyết các vụ việc theo pháp luật dân sự. Tuy nhiên, đối với những vụ vỡ hụi, việc xử lý để thu hồi tài sản trả lại cho người dân là hết sức khó khăn.
Vỡ hụi và câu chuyện điêu đứng của nhiều gia đình vì chủ hụi mất khả năng thanh toán không phải là chuyện mới. Cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về tình trạng này, thế nhưng nhiều người vẫn trở thành nạn nhân trong những vụ việc na ná nhau như thế. Để phòng ngừa rủi ro trong việc tích góp tài chính, người dân nên chọn lựa các kênh đầu tư, các hình thức tiết kiệm phù hợp, an toàn. Nếu chọn hình thức góp vốn dựa vào uy tín như chơi hụi thì phải hết sức cân nhắc và thận trọng trong việc lựa chọn người tham gia, đồng thời nắm vững các quy định của pháp luật liên quan để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bài và ảnh: Minh Hiền
Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tinh-tao-truoc-khi-tham-gia-hui-ho-lai-suat-hap-dan/195018.htm