Ảnh minh họa.
Cái kết dành cho anh công nhân trong câu chuyện này cũng chính là bài học xương máu cảnh tỉnh về lòng tham trong mỗi con người.
Chuyện kể rằng có một người công nhân nọ đã đi chiếc xe đạp cũ suốt mười mấy năm. Vì muốn đổi xe mới, anh đem xe cũ của mình tới chợ bán, treo biển ra giá 500 ngàn, thế nhưng suốt một ngày trời chẳng có ai hỏi mua.
Nửa tháng sau, nhà máy nơi anh làm việc tiến hành cấp phát bảo hiểm cho công nhân. Theo đó, những người làm việc tại đây nếu gặp tai nạn hay bị trộm cướp đề có thể yêu cầu tiền bồi thường từ công ty bảo hiểm.
Biết được điều này, anh công nhân vô cùng vui mừng, cũng âm thầm nghĩ cách khiến chiếc xe đạp cũ của mình bị trộm để được bồi thường tiền bảo hiểm.
Chiếc xe của anh tuy đã cũ kỹ, nhưng mẫu này vẫn được bán ra trên thị trường với giá hơn 1 triệu. Nếu được bồi thường, anh công nhân sẽ được hưởng 70% giá thị trường, tính ra cũng xấp xỉ 700 ngàn.
Từ hôm đó, anh công nhân bắt đầu cố ý để xe đạp một cách rất hớ hênh, ngày đêm chỉ khóa tạm bên vỉa hè chứ chẳng để vào sân nhà. Anh mòn mỏi trông ngóng có kẻ gian nào “dại dột” trộm đi chiếc xe của mình.
Thế nhưng 3 tháng trôi qua, chiếc xe cũ ấy vẫn kiên trì ở nguyên chỗ cũ, lặng lẽ dựng trên vỉa hè trước cửa nhà anh mà chẳng ai thèm ngó ngàng.
Ảnh minh họa.
Đông qua xuân tới, anh công nhân vẫn ngày ngày chờ đợi chiếc xe cũ của mình bị trộm. Mãi cho tới mùa xuân năm sau, “ước nguyện” của anh mới trở thành sự thật.
Buổi chiều tà ngày hôm ấy, anh đang ngồi sau cửa sổ, vén rèm nhìn ra ngoài. Bất chợt, anh vui mừng khi thấy một người đàn ông chừng 30 tuổi tới bên chiếc xe của mình, dáo dác nhìn xung quanh, sau đó âm thầm cậy khóa.
Trông thấy cảnh ấy, anh công nhân hí hửng mừng thầm. Thế nhưng ngay khi tên trộm chuẩn bị ngồi lên xe đạp đi, anh bỗng nghe thấy một tiếng kêu lớn: “Có trộm! Người đâu? Mau bắt trộm!”.
Một bà lão từ cửa nhà đối diện bất chợt lao ra, hô hoán mọi người bao vây người trộm xe. Hàng xóm xung quanh đều biết đó là chiếc xe của anh công nhân, liền gọi lớn tên anh.
Chẳng còn cách nào khác, anh công nhân dù ngần ngừ nhưng rốt cục vẫn phải ra mặt, trong lòng còn âm thầm trách móc bà lão ở nhà đối diện là kẻ nhiều chuyện.
Kế hoạch nay đã đổ bể, anh đưa tên trộm lên đồn công an trong tâm trạng bực dọc. Như nghĩ ra điều gì, anh bất chợt quay sang nói với người đó: “Cậu cạy hỏng khóa của tôi rồi, nên bồi thường cho tôi mới phải”.
Tên trộm như hiểu được hàm ý trong lời, lập tức lấy ra một từ tiền 500 ngàn nhàu nhĩ, nhét vội vào tay anh công nhân rồi nhanh chóng xoay người bỏ chạy. Nhìn tờ tiền trong tay, anh công nhân cười thầm một tiếng, hí hửng cho rằng mình vẫn lãi.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Lại qua nửa tháng, vào một ngày nọ, anh công nhân vẫn đi chiếc xe đạp cũ lên phố mua đồ.
Khi đến cửa hàng, anh thấy có một chiếc xe tải chở đồ đang dừng phía trước, xung quanh có rất nhiều công nhân đang chuyển hàng lên xe.
Thấy vậy, anh công nhân thầm tính toán: “Nếu bây giờ mình đem chiếc xe cũ này để ở chỗ bốc hàng cho họ mang lên xe, sau đó mình đến công ty báo rằng xe bị trộm để đòi tiền bảo hiểm, làm gì có ai biết mà đối chứng đây?”.
Nghĩ vậy, anh liền cố tình để xe ở nơi công nhân bốc hàng, sau đó xoay người nghênh ngang đi vào trong cửa hiệu.
Bấy giờ, một người công nhân gần đó lên tiếng nhắc nhở anh: “Anh ơi, anh không được để xe đạp ở chỗ này đâu”.
Anh công nhân cự nự: “Tôi vào cửa hàng mua đồ, không để ở đây thì để ở đâu?”.
Người kia vẫn kiên nhẫn nói: “Anh để ở đây sẽ bị cảnh sát phạt đấy! Lúc đó anh đừng trách chúng tôi không nhắc nhở trước nhé!”.
Người công nhân vẫn chống chế: “Tôi vào cửa hàng mua đồ 5 phút rồi ra ngay, đỗ tạm một lúc thôi, chẳng sao đâu!”.
Quả nhiên một lúc sau, có xe cảnh sát đi tới, đưa cho anh công nhân một phiếu phạt rồi yêu cầu anh nộp 500 ngàn vì đỗ xe sai chỗ.
Khi ấy, anh công nhân tỏ vẻ bất cần nói: “500 ngàn? Chiếc xe này của tôi có bán đi cũng chẳng được nổi từng ấy tiền đâu. Tôi không có tiền, xe thì có, các anh muốn mang thì cứ mang đi đi”.
Nói xong, anh thản nhiên bước vào cửa hàng. Chứng kiến chiếc xe cũ của mình bị cảnh sát đưa về đồn, anh không khỏi cao hứng vì nghĩ rằng đại sự đã thành.
Ngay sau đó, anh công nhân chạy tới nhà máy báo cáo rằng xe mình đã bị trộm. Người phụ trách bảo hiểm tại đây phát cho anh một giấy hẹn, mời anh về nhà chờ thông báo tới nhận tiền.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Trên đường về nhà, anh công nhân vui vẻ ra tiệm đồ ăn mua nhiều món ngon, còn cố ý lấy thêm một chai rượu để ăn mừng.
Anh vừa thưởng thức bữa tối, vừa xem ti vi. Thế nhưng khi xem tới bản tin thời sự lại không khỏi giật mình.
Bởi lẽ, cảnh tượng anh đôi co với nhân viên bốc hàng và cảnh sát giao thông về việc đỗ xe chiều nay đã bị quay lại và đăng lên bản tin.
Nhìn thấy những hình ảnh của mình trên bản tin hôm đó, anh công nhân không khỏi hốt hoảng. Ngay lúc ấy, nhà máy gọi điện thoại tới yêu cầu anh giải trình về lý do mất xe.
Thấy anh quanh co nửa ngày, người phụ trách bảo hiểm của nhà máy liền nói thẳng:
“Đồn cảnh sát đã đối soát mã số xe của anh và gửi biên bản phạt về công ty, tiền nộp phạt là 500 ngàn. Cậu nộp cho tôi sau đó lên đồn nhận lại xe. Còn giấy hẹn nhận tiền bồi thường bảo hiểm lúc nãy tôi đưa, phiền cậu trả lại”.
Anh công nhân một mực không muốn trả lại giấy hẹn. Người kia liền nói:
“Cậu không tuân thủ quy tắc giao thông, còn bị đưa lên truyền hình, giờ đây lại muốn bắt đề công ty bảo hiểm? Cậu vừa lừa gạt bên bảo hiểm, vừa gây rối trật tự trị an, cậu nên cùng tôi đi đến đồn công an tạm giữ vài ngày để lấy lời khai”.
Sau cùng, anh công nhân chẳng còn cách nào khác, đành phải lên đồn chấp nhận nộp phạt.
Vậy là chiếc xe cũ của anh vừa không bán được, mà số tiền 500 ngàn lấy được từ người trộm xe giờ đây lại phải đem đi nộp phạt, âu cũng là “của thiên trả địa”…
Lời bình
Mignon McLaughlin đã từng nói: “Tất cả chúng ta đều được sinh can đảm, tin tưởng và tham lam. Trong đó, sự tham lam ở lại với hầu hết chúng ta”.
Có lẽ, người ngốc nghếch nhất trên thế giới này chính là những người tham lam. Bởi cuộc sống của họ ngày đêm chỉ có sự tranh đấu, giành giật.
Có câu: “Tham lam mới là ngọn nguồn của bần hàn”.Một khi để cho lòng tham đeo bám và cắm rễ bên trong con người của mình, tâm hồn chúng ta rất nhanh sẽ trở nên cằn cỗi, sân si, ích kỷ, mê muội.
Mỗi người chúng ta tựa như những lữ khách đang mải miết bước trên sa mạc mang tên “cuộc đời”.
Người mang càng ít đồ đạc thì càng dễ tiến bước, còn người vác theo quá nhiều gánh nặng trên lưng thì càng nhanh chóng mỏi mệt, kiệt sức, mà lòng tham là một trong số những gánh nặng khó bỏ nhất của đời người.
Chỉ đến lúc ta buông bỏ những thứ không thuộc về mình, trân trọng những giá trị đang hiện hữu quanh ta, chúng ta mới có thể đến với ốc đảo “hạnh phúc” giữa sa mạc cuộc đời…