Ảnh minh họa.
Từng bị nghi là người chủ mưu đầu độc Hoàng đế Quang Tự, song Từ Hi Thái hậu lại phải chịu một cái chết chẳng kém phần bi thảm. Liệu đây có phải là sự báo ứng?
Trong số ít những người phụ nữ cầm quyền của lịch sử Trung Hoa phong kiến, Từ Hi Thái hậu của vương triều Mãn Thanh và Võ Tắc Thiên của vương triều Võ Chu được đánh giá là hai nhân vật nổi tiếng hơn cả.
Mặc dù không thể quang minh chính đại lên ngôi như Võ Tắc Thiên năm nào, thế nhưng Từ Hi vẫn ngồi vững trên đỉnh cao quyền lực khi trở thành người nắm quyền hành cao nhất của vương triều Đại Thanh trong suốt gần nửa thế kỷ.
Giờ đây mỗi khi nhắc tới Tây Thái hậu, người đời vẫn truyền tai nhau nhiều giai thoại liên quan tới cái chết đột ngột và có nhiều ẩn tình của bà.
Điều đáng lưu tâm nằm ở chỗ, theo tiết lộ của một nhân vật thân tín bên cạnh Từ Hi, nguyên nhân thực sự khiến bà qua đời lại khác xa so với những gì mà hậu thế từng nghe nói.
Cái chết đáng ngờ của Từ Hi Thái hậu và vua Quang Tự
Là một trong số ít những người phụ nữ được cầm quyền trong lịch sử Trung Hoa, thế nhưng Từ Hi lại bị nhiều người coi như một bạo chúa và phải chịu trách nhiệm cho sự suy tàn của nhà Thanh.
Từ Hi Thái hậu (1835 – 1908) là phi tần của Hàm Phong đế, mẹ thân sinh của vua Đồng Trị, đồng thời cũng là người nhiếp chính trong giai đoạn Hoàng đế Đồng Trị và Quang Tự còn tại vị.
Bà là người nắm đại quyền của nhà Thanh trong vòng 47 năm tính cho tới lúc qua đời, và cũng là nhân vật nhận nhiều chỉ trích khi đã khiến Thanh triều trượt dài trên con đường suy vong.
Vào tháng 10 năm Quang Tự thứ 34 (năm 1908), Từ Hi Thái hậu và Hoàng đế Quang Tự đột ngột phát bệnh cùng một lúc.
Theo ghi chép của “Thanh cung y án”, sau lần lâm bạo bệnh trước đó vào năm Quang Tự thứ 6, Từ Hi đã rất chú ý vào việc điều dưỡng cơ thể. Thế nhưng kể từ đó cho tới hơn 30 năm sau, vị Lão Phật gia này ngày càng trở nên ốm yếu, thường xuyên mắc nhiều bệnh nhỏ nhặt.
Đỉnh điểm là vào tháng 10 năm 1908, theo Y án liệt kê, Từ Hi có nhiều triệu chứng nghiêm trọng như mệt mỏi, ho khan, thân thể hư hàn, ngực thường đau nhói.
Dựa vào nhận định của các chuyên gia y khoa ngày nay, đây thực chất là dấu hiệu của chứng viêm phổi. Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng, rất có thể căn bệnh về hô hấp này chính là nguyên nhân dẫn tới cái chết đột ngột của bà vào năm đó.
Nhiều ý kiến cho rằng, Từ Hi chính là người đã đầu độc để hại chết vua Quang Tự (hình bên phải) nhằm an bài cho những nước cờ chính trị của mình sau này.
Một điểm đáng lưu tâm là vào thời điểm Từ Hi phát bệnh, Quang Tự cũng lâm bạo bệnh và qua đời một cách bí ẩn. Trước đó không lâu, vị Hoàng đế này từng viết trong cuốn nhật ký của mình những lời dưới đây:
“Ta bệnh thực sự rất nặng, nhưng lòng ta cảm thấy Lão Phật gia nhất định sẽ mất trước ta. Nếu như vậy, ta muốn hạ lệnh giết Viên Thế Khải và Lý Liên Anh”.
Không ngờ cuốn nhật ký này bị thái giám Lý Liên Anh phát hiện và đến tay Từ Hi. Tương truyền rằng sau khi xem xong, Tây Thái hậu phẫn nộ mà nói:
“Đừng hòng mà ta chết trước!”
Không lâu sau đó, vào lúc Từ Hi đang tất bật an bài thế cục trong triều thì Hoàng đế Quang Tự băng hà đột ngột vào ngày 21 tháng 10 âm lịch khi mới 37 tuổi.
Ngay ngày tiếp theo tức 22 tháng 10 năm ấy, Từ Hi Thái hậu cũng qua đời ở Nghi Loan điện sau khi đã chỉ định Phổ Nghi làm người nối ngôi.
Những cột mốc thời gian trên đây đã cho thấy, Tây Thái hậu qua đời chỉ chậm hơn đúng một ngày sau cái chết đột ngột của Hoàng đế Quang Tự. Chính điều này đã dấy lên nhiều nghi án về việc Từ Hi là người đứng sau sự việc Hoàng đế bất ngờ băng hà.
Kết quả giám định di cốt của nhà vua vào năm 2008 cũng khẳng định Quang Tự chết vì bị đầu độc bằng thạch tín. Thế nhưng người đứng sau là ai thì chưa một người nào dám chắc chắn.
Tuy nhiên Thanh triều vào thời điểm bấy giờ không chỉ có một mình Quang Tự đế qua đời vì bị đầu độc. Bởi theo tiết lộ của cung nữ thân tín bên cạnh Từ Hi, thì vị Thái hậu khét tiếng này cũng qua đời một cách ly kỳ không kém.
Không phải do bạo bệnh, đâu mới là nguyên nhân thực sự khiến Từ Hi qua đời?
Đúng một ngày sau khi trở thành Thái Hoàng Thái hậu, Từ Hi đã qua đời ở tuổi 72 sau khi truyền ngôi lại cho Hoàng đế Phổ Nghi. (Tranh minh họa)
Nguyên nhân thực sự khiến Từ Hi qua đời từng là chủ đề gây tranh cãi của nhiều người nghiên cứu lịch sử. Đa số các ý kiến đều cho rằng bà mất vì bệnh tật, thế nhưng số ít lại khẳng định cái chết của Tây Thái hậu còn có ẩn tình khác.
Khi còn tại thế, Từ Hi dù nắm đại quyền nhưng lại không có quá nhiều tâm phúc. Lý Liên Anh và người chị họ Lý thị của ông cũng là một trong số ít cận thần từng được Lão Phật gia tin tưởng.
Nếu như Lý Liên Anh được lòng Từ Hi nhờ tài chải đầu thượng thừa và khả năng ứng biến hợp ý chủ tử, thì người chị họ Lý thị của ông lại được bà yêu mến nhờ giỏi xoa bóp.
Sau khi Từ Hi qua đời, cung nữ Lý thị âm thầm trở về quê cũ để sống nửa đời còn lại trong lặng lẽ. Thế nhưng trước lúc lâm chung, người thị nữ này đã tiết lộ một bí mật kinh thiên động địa liên quan tới cái chết của Tây Thái hậu.
Tiết lộ của thị nữ thân tín bên cạnh Từ Hi vào những ngày cuối đời của bà khác xa so với các ghi chép trong chính sử. (Ảnh minh họa).
Theo lời khẳng định từ cung nữ họ Lý ấy, thể trạng Từ Hi trước lúc mất thực chất khác xa so với những gì mà Y án trong cung ghi lại.
Cụ thể là vào những ngày cuối đời, Từ Hi đã không khỏi khổ sở vì chứng tiêu chảy diễn ra liên tục. Điều kỳ lạ là các thái y cao tay trong hoàng cung khi đó đều bó tay trước chứng bệnh tưởng chừng như dễ trị của bà.
Sau đó, Từ Hi đã từng nghĩ tới việc thử dùng thuốc phiện để trị bệnh. Thế nhưng thể trạng của bà vẫn không hề có chuyển biến tốt.
Lý thị cho rằng, nếu chỉ là chứng tiêu chảy thông thường, các ngự y hoàng cung từ sớm đã có thể chữa khỏi cho Thái hậu. Tuy nhiên thực chất họ đã tra cứu và biết rằng đây là biểu hiện của tình trạng trúng độc, thế nhưng vì không có đối sách chữa trị nên liền lựa chọn cách âm thầm giấu giếm.
Cũng theo lời khẳng định của người tâm phúc này, thì việc bị đầu độc mới thực sự là nguyên nhân khiến Từ Hi đột ngột qua đời ngay trong năm ấy ở tuổi 72, còn vua Quang Tự thì mất trước đó đúng 1 ngày cũng vì trúng độc.
Nếu cái chết của Quang Tự không có liên quan tới Từ Hi, vậy thì liệu rằng ai mới là người đứng sau hạ độc cả hai nhân vật đứng đầu cao nhất của Đại Thanh lúc bấy giờ?
Phải chăng đúng như những lời truyền miệng của hậu thế, cái chết đầy ẩn khuất của Từ Hi vốn dĩ chính là báo ứng cho những việc trái với luân thường đạo lý mà bà từng làm lúc sinh thời?
Có lẽ, đáp án chính xác của câu hỏi ấy cho tới ngày nay vẫn là một bí ẩn lịch sử đang chờ hậu thế tìm lời giải mã…
*Dịch từ báo nước ngoài