Ảnh minh họa.
Nếu được hỏi tên lực lượng chống khủng bố, thì phần lớn người dân Nga, nhiều khả năng, sẽ nghĩ tới đơn vị tinh nhuệ Alpha của FSB. Nhưng Nga còn có một đơn vị khá đặc biệt khác.
Đơn vị đặc biệt tinh nhuệ SOBR
Lực lượng đặc nhiệm SOBR của Nga là đơn vị chuyên thực hiện các cuộc đàm phán trong những vụ bắt cóc con tin, cũng như giải cứu họ.
Các chiến sĩ của đặc nhiệm Alpha, được cho là nổi tiếng nhất trong các lực lượng đặc nhiệm Nga từng tham gia vào cuộc khủng hoảng hiến pháp năm 1993, vụ bắt các con tin tại nhà hát ở Dubrovka (North-Ost), cũng như vụ bắt cóc con tin tại Beslan và họ chỉ được cử đến khi có các vấn đề liên quan tới những sự kiện lớn và có ý nghĩa hơn cả.
Tuy nhiên, trong số các trường hợp liên quan tới những vụ khủng bố, nếu không có sự tham gia các chiến sĩ “Alpha” thì nhiều khả năng, đó là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của SOBR – Đội đặc nhiệm phản ứng nhanh chuyên đàm phán và như giải cứu con tin.
Các lực lượng ở cấp tỉnh giải quyết phần lớn những vụ án liên quan tới sử dụng vũ khí tại Nga, từ các phần tử khủng bố Chechnya đang ẩn náu cho tới những vụ bạo lực gia đình. Mức độ trang bị vũ trang và trình độ được đào tạo của các đơn vị này khá khác biệt và phụ thuộc vào những mối hiểm hoạ hiện hữu tại địa phương.
Nhưng lịch sử các đơn vị này như thế nào? Họ có thường xuyên nhận được sự yêu cầu trợ giúp, và có thể nói gì về họ khi so sánh với các đơn vị đặc nhiệm khác của OMON và FSB?
Lịch sử hình thành
Như tại nhiều các đơn vị cảnh sát tinh nhuệ ở châu Âu, nền tảng của SOBR bắt đầu được hình thành vào thập niên 70, sau cuộc khủng bố xảy ra tại Thế vận hội Munchen (Đức).
Ngày 08/11/1978, căn cứ vào chỉ thị số 0707, trong khuôn khổ công tác chuẩn bị cho Thế vận hội 1980 tại Moscow, những đơn vị cảnh sát đặc nhiệm đầu tiên đã được thành lập trong Bộ Nội vụ Liên Xô.
Hiện giờ, ngày này được lấy làm Ngày truyền thống của SOBR, bởi vì đây được coi là đơn vị cảnh sát tinh nhuệ đầu tiên, với chức năng giải quyết các tình huống phức tạp. Khi đó, lực lượng này được gọi là OMON – “đội cảnh sát đặc nhiệm”.
Ở Nga, nó được coi là đơn vị tiền nhiệm của SOBR. Tuy nhiên, vai trò của lực lượng này khác những đơn vị mà hiện nay được gọi là OMON ở Nga.
Lực lượng SOBR được thành lập từ những nhân viên cảnh sát bình thường, các ứng cử viên phải qua vòng tuyển chọn, và lợi thế thuộc về những ai từng phục vụ tại các đơn vị lính dù hoặc đặc nhiệm của quân đội.
Một chiến đấu viên thuộc Lực lượng đặc nhiệm Nga chuyên giải cứu con tin (SOBR).
Mặc dù, nhiệm vụ của lực lượng này trong thời gian diễn ra Olympic năm 1908 có thể gọi là thành công, nhưng sau Thế vận hội, quân số bị cắt giảm tới 30% do nhu cầu không cao.
Lần đầu tiên sau Thế vận hội, lực lượng này được giao một nhiệm vụ vào năm 1981 – các chiến sĩ SOBR đã vô hiệu hoá một kẻ tử thủ trong căn hộ của mình sau khi dùng súng săn bắn vào hai cha con một cô gái.
Vào năm 1987, vì căng thẳng sắc tộc leo thang và tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, lực lượng OMON đã được thành lập, và các nhân viên của lực lượng bắt đầu hoạt động tại các tỉnh, thành phố của Liên Xô.
Các chiến sĩ OMON tham gia vào những vụ trọng án và chống các hành động phi pháp có sử dụng vũ lực. Việc thành lập lực lượng này đã dẫn tới một vài sự hiểu lầm, bởi vì lực lượng hoạt động ở Moscow cũng được đặt tên là OMON, nhưng vào năm 1988 nó được đổi tên thành OMSN (đội cảnh sát phản ứng nhanh).
Những chức năng của OMON và SOBR chồng chéo lên nhau và tình hình này vẫn tiếp diễn đến tận bây giờ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng các chiến sĩ SOBR được huấn luyện tốt hơn, trang bị tốt hơn để chống lại tội phạm có vũ trang và chuyên hoạt động trong lĩnh vực này.
Liên quan tới OMON, các cán bộ của lực lượng này thường tham gia vào đàn áp những cuộc bạo động dân sự, chứ không liên quan tới những vụ án có sử dụng vũ khí, mặc dù họ cũng có khả năng giải quyết các đối tượng phạm tội có vũ trang.
Lực lượng đặc nhiệm Nga chuyên giải cứu con tin (SOBR).
Việc hình thành nhiều đơn vị SOBR tại các tỉnh, thành phố diễn ra sau khi Liên Xô tan rã. Vào năm 1992, các lực lượng SOBR địa phương đã được hình thành để chống lại hoạt động tội phạm có tổ chức.
Những thay đổi trong xã hội do đất nước tan rã và sự thiếu hiệu quả của lực lượng cảnh sát thông thường trước giới tội phạm đã thúc đẩy việc thành lập các đội đặc biệt chống những băng nhóm tội phạm.
Các đơn vị này được thành lập theo khuôn mẫu của OMSM Moscow, mà vào thời điểm đó đã đổi tên thành SOBR. Các nhân viên của những đơn vị này chuyển về dưới quyền kiểm soát của các phòng cảnh sát chống tội phạm có tổ chức (RUBOP/RUOP).
Trong thành phần của các đơn vị này gồm những cán bộ của những lực lượng cảnh sát đặc nhiệm. Tuy nhiên, bản thân OMON vẫn tiếp tục tồn tại và dưới quyền trực tiếp của Bộ Nội vụ.
Mặc dù ban đầu nhiệm vụ của SOBR gồm chống tội phạm có tổ chức, các chiến sĩ của họ luôn có mặt trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống các phần tử khủng bố từ Chechnya và Daghestan.
Các chiến sĩ SOBR trực tiếp can thiệp vào những vụ bắt cóc con tin tại Mineralnye Vody và Makhachkala. Trong giai đoạn cuộc chiến tranh Chechnya thứ nhất nổ ra vào tháng 12/1994, các lực lượng này đã được triển khai trên lãnh thổ nước cộng hoà Chechnya.
Tại đây, các chiến sĩ của những đơn vị đặc nhiệm khác cũng có mặt, như OMON của Bộ Nội vụ, binh sĩ của Bộ Nội vụ (VV), các đội tinh nhuệ của FSB, cũng như đặc nhiệm quân đội và Lính dù.
Lực lượng đặc nhiệm Nga chuyên giải cứu con tin (SOBR).
Các chiến sĩ SOBR từ khắp mọi nơi trên nước Nga đã tham gia vào cuộc xung đột này trong thành phần các nhóm truy quét và giải cứu con tin trong vụ bắt cóc tại bệnh viện Budenovsk, Kizlyar và Pervomaisk, cũng như trong những vụ bắt cóc con tin tại Gudermes, Beslan, nhà hát Dubrovka (North-Ost) và Grozny.
Nhiều sĩ quan chiến sĩ của SOBR được tặng thưởng huân chương của nhà nước Nga, một vài người được phong và truy tặng danh hiệu Anh hùng Nga.
Sau khi được đổi tên thành OMSN vào năm 2002 và thành OSN vào năm 2011, đến năm 2012 người ta quyết định trả lại tên ban đầu – SOBR. Vào năm 2016, các đơn vị SOBR cũng như OMON và VV được bàn giao toàn bộ từ Bộ Nội vụ cho Vệ binh Nga.
Như vậy Bộ Nội vụ Nga, về bản chất, không còn bất cứ đơn vị chống khủng bố, cũng như quân sự hoá nào.
Biên chế tổ chức và vũ khí trang bị của SOBR
Theo thông tin năm 2016, trong thành phần của SOBR gồm 87 đơn vị, tổng quân số lên tới khoảng 5200 người.
Mức độ vũ trang của các đơn vị SOBR phụ thuộc vào nguồn ngân sách của từng địa phương. Các đội SOBR tại những thành phố lớn, như SOBR “Viking” đóng tại Kaliningrad trông giống như các chiến sĩ của những đơn vị đặc nhiệm phương Tây và thậm chí họ còn được trang bị cả vũ khí và quân phục của Mỹ.
Các đội SOBR ở những nơi có nguồn ngân sách eo hẹp như SOBR “Rubin” đóng tại tỉnh Novgorod thường được trang bị súng tiểu liên AK-74M của quân đội, cũng như mũ chống đạn của thập niên 90.
Những đơn vị SOBR được trang bị tốt nhất phải kể đến SOBR “Granit” của Saint-Peterburg và SOBR “Bulat” của ngoại ô Moscow. Cả SOBR “Terek” của Chechnya cũng được trang bị vũ khí tối tân.
Cần phải lưu ý rằng những chiến sĩ của đơn vị này có phù hiệu Nước cộng hoà Chechnya trên vai áo và mũ, điều khác biệt so với những chiến sĩ của các đơn vị SOBR khác. Thêm một đặc điểm của các chiến sĩ SOBR đó là sự đa dạng trong những phương án trang bị vũ trang.
Có thể thường xuyên bắt gặp vũ khí có màu sắc lạ lùng hoặc phù hiệu với các loại khẩu hiệu, điều có thể coi là hãn hữu trong quân đội chính quy và những đơn vị cảnh sát của Nga.
Lực lượng đặc nhiệm Nga chuyên giải cứu con tin (SOBR).
Công tác đào tạo các chiến sĩ SOBR được thực hiện theo giáo trình huấn luyện dành cho những đơn vị cảnh sát tinh nhuệ. Tất cả các thành viên của SOBR đều là sĩ quan cảnh sát, và trước khi gia nhập đơn vị này, họ đều phải qua bài kiểm tra tâm lý.
Bắn súng trong không gian hẹp và phòng kín, chiến đấu tay đôi, cũng như kỹ thuật triển khai các chiến dịch truy quét trong thành phố, bao gồm đu dây xuống đất, đều là một phần của chương trình huấn luyện.
So với OMON, lực lượng mà nhiệm vụ chủ yếu là bảo đảm và kiểm soát an ninh công cộng, SOBR tập trung vào những chiến dịch tác chiến quy mô nhỏ, bao gồm giải cứu con tin, những vụ án có sử dụng vũ khí và nhiệm vụ bảo vệ nhân chứng.
Cần phải lưu ý rằng trong thành phần của SOBR gồm các nhóm đàm phán để giải quyết tình huống xung đột mà không cần phải đổ máu. Chủ yếu, đó là những nhiệm vụ giống của các đơn vị tinh nhuệ FSB, nhưng ở cấp độ địa phương.
Cùng với đó, còn có các đơn vị SOBR tinh nhuệ cấp liên bang (như “Rys”), mà hoạt động trên khắp lãnh thổ của Nga. Việc quân số không quá lớn của SOBR (5.200 người, trong khi của OMON lên tới 40 nghìn người) đã lý giải vai trò đặc thù của lực lượng này.
So với đơn vị như OSN “Vityaz” (lực lượng đặc nhiệm độc lập nằm trong VV), SOBR phần nhiều chú trọng vào việc bảo đảm an ninh công cộng và triển khai những chiến dịch quy mô giới hạn trong thành phố.
OSN “Vityaz” tập trung vào những chiến dịch truy quét mang tính quân sự hoá, như tiêu diệt các chân rết khủng bố, những chiến dịch trong rừng sâu, khi mà không cần quan tâm tới những thiệt hại xung quanh.
Tuy nhiên, các chiến dịch quy mô thường được triển khai với sự tham gia của SOBR, OSN, OMON và FSB phụ thuộc vào số lượng chiến sĩ cần thiết, và vì thế nên các nhiệm vụ thường trùng lặp.
Trong những năm gần đây, các chiến sĩ SOBR cũng tham gia vào những cuộc kiểm tra các ngân hàng và giao dịch bất hợp pháp về rửa tiền. Họ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chống tội phạm có tổ chức, mặc dù nhu cầu này đã giảm so với thập niên 90.
Bào Lam , theo Trí Thức Trẻ