(Lược trích bài phát biểu của đồng chí Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La tại Tọa đàm Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương Văn hóa Việt Nam”)
Đồng chí Tòng Thị Phóng phát biểu tại Tọa đàm Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương Văn hóa Việt Nam”
Nhận thức về sự ra đời và nội dung Đề cương Văn hóa 1943, tôi nhận thấy, đây là đường lối văn hóa của Đảng rất đúng đắn, theo các bước tiến của lịch sử. Đến nay, việc nghiên cứu, áp dụng vào thời kỳ đổi mới, các nội dung Đề cương vẫn còn nguyên giá trị. Vì tôi hiểu: Văn hóa là gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật. Vì vậy, văn hóa có mối quan hệ không tách rời với chính trị, kinh tế, văn hóa Việt Nam, phải do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện, trực tiếp. Đảng lãnh đạo mặt trận văn hóa để truyền đạt, hướng dẫn, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng.
Do đó, suốt chiều dài lịch sử Cách mạng Việt Nam, Đảng ta lãnh đạo văn hóa Việt Nam thực hiện 3 nguyên tắc: Dân tộc, đại chúng, khoa học. Từ những quan điểm đúng đắn ấy, Đảng ta đã xác định “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, “để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội Việt Nam”.
Do vậy, tuy hôm nay, tôi chưa có điều kiện hoặc cũng không đủ điều kiện, kiến thức nói về triết học, tôn giáo, đạo đức về các phong tục tập quán, hay văn học, âm nhạc, điện ảnh, về múa, nhiếp ảnh hay nghệ thuật, nhưng cá nhân tôi cùng các đồng chí, quý vị luôn khẳng định: Kiên định đường lối cách mạng do Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.
Riêng trong tôi, luôn lắng đọng sâu sắc trong tâm trí, tâm hồn mình các loại hình văn hóa dân gian riêng có của nước Việt ta. Từ những làn điệu hát chèo, hát quan họ, hát văn, hát xoan, ca trù (còn gọi là hát Ả đào) đến các điệu xòe Thái, điệu nhảy tha khềnh, điệu múa chuông, múa nón, múa khăn. Đến tuổi này mà sao tôi vẫn nhớ lời hát ru của mẹ, nhớ các huyền thoại, huyền tích, các tín ngưỡng dân gian. Phải chăng, đó chính là nguồn mạch từ cội nguồn hun đúc trong con người mình để có lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, thương nòi của mình một cách tự nhiên, chất phác như vậy.
Đồng chí Tòng Thị Phóng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự tọa đàm
Trước khi đến dự cuộc tọa đàm này, tôi ngắm đi ngắm lại nhiều lần bức ảnh Bác Hồ thổi Khèn bè tại huyện Yên Châu ngày 8/5/1959. Đây là bức ảnh rất đẹp, cuốn hút, thôi thúc tôi cần nghiên cứu tại sao Bác Hồ biết nói tiếng Thái, tại sao Bác Hồ biết thổi khèn. Vì việc Bác nói tiếng Thái, thổi khèn bè cũng chỉ có ở Sơn La thôi. Hướng về Bác, tôi thấy bức ảnh ấy đã nói lên nhân cách Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đó là điểm tựa tinh thần, là điều nhắc nhở rằng, văn hóa Việt Nam cần phát triển nhanh, cần hiện đại trong thời đại số, kỹ thuật số, chú ý phát triển công nghiệp văn hóa có phương tiện hiện đại; phải thông tin nhanh, kịp thời, chính xác đến nhân dân để nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhưng còn phải nhớ về cội nguồn, về văn hóa dân tộc của mình. Vì hình ảnh Cụ Hồ thổi khèn bè, là một nhạc cụ làm bằng cây nứa đơn sơ của núi rừng Sơn La, do chính những người dân tộc Thái Yên Châu làm ấy đã nhắc nhở chúng ta rằng: Hãy tôn trọng, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, trân trọng các nhạc cụ, các tác phẩm do dân làm, do dân sáng tạo. Hãy phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc của Việt Nam trong đa dạng thống nhất; để văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam tiếp tục khẳng định Ta vẫn là Ta.
Căn cứ vào đường lối văn hóa của Đảng soi vào chủ trương, phương pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh ta là rất đáng trân trọng. Tỉnh đã kiên trì phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa- xã hội, coi trọng việc phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, có phong trào văn hóa cơ sở vững mạnh, các thiết chế văn hóa tương đối đồng bộ, có tiếp cận tinh hoa văn hóa hiện đại nhưng vẫn giữ bản sắc Sơn La độc đáo. Các loại hình văn hóa dân gian được kiểm kê, sưu tầm, giữ gìn, phát huy, từ tiếng nói, chữ viết đến các phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc được gìn giữ, phát huy mạnh mẽ. Các thế hệ, đội ngũ làm công tác văn hóa trưởng thành nhanh chóng, kiên định đường lối của Đảng, nhiều nhà trí thức, nhà văn hóa, các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhạc sĩ, họa sĩ, đóng góp nhiệt huyết, trí tuệ của mình cho sự nghiệp văn hóa tỉnh nhà, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc cùng chung sống ở Sơn La. Phát triển sự nghiệp giáo dục, xây dựng con người mới XHCN, góp phần xây dựng quê hương Sơn La giàu đẹp.
Tôi tin rằng, với truyền thống các cách mạng anh hùng, Sơn La sẽ khắc phục những mặt còn hạn chế, thành công hơn nữa trong lĩnh vực văn hóa, thực hiện thành công kết luận của Hội nghị văn hóa toàn quốc và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.