Sử dụng pháp luật để trừng trị những kẻ bất liêm
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến đạo đức cách mạng và tự mình nêu gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng. Trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, Người vẫn đau đáu việc Đảng, việc dân. “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là bài viết sau cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1969). Những thông điệp Người nêu ra trong tác phẩm khẳng định vị trí, tầm quan trọng của đạo đức cách mạng, nhắc nhở, giáo dục cán bộ, đảng viên suốt đời rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, xứng đáng với niềm tin của nhân dân, giữ vững uy tín, thanh danh của Đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà nhân dân và dân tộc giao phó.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò lãnh đạo, trách nhiệm cầm quyền, thực hiện sứ mệnh giai cấp và dân tộc. Mấu chốt của xây dựng Đảng về đạo đức là ở thực hành đạo đức cách mạng, nói đi đôi với làm, “thi hành một nền chính trị liêm khiết”. Để có một nền chính trị liêm khiết thì cái gốc vẫn là giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức… Với Hồ Chí Minh, không còn đạo đức thanh liêm thì sẽ không còn là đảng chân chính, cách mạng, không còn được nhân dân tin tưởng. Vì thế, để “thi hành một nền chính trị liêm khiết”, cùng với giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng là sử dụng pháp luật để trừng trị những kẻ bất liêm hoặc làm trái điều liêm. Đây là vấn đề mà Đảng ta rất chú trọng và hiện nay đang triển khai thực hiện rất mạnh mẽ.
Trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, cần phát huy hơn nữa truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, ngày càng phát triển. Ông Võ Văn Thưởng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cần bám sát đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan để thực hiện tốt nội dung “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh… Phải thấy rõ tác hại khôn lường của chủ nghĩa cá nhân, nhất là đối với các cơ quan Trung ương, nơi giữ vai trò quan trọng trong tham mưu chiến lược, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong xây dựng Đảng về đạo đức, phải thực hiện đồng bộ cả hai nội dung “xây” và “chống”; “xây” là cơ bản, lâu dài, xuyên suốt; “chống” là quan trọng, cấp bách, được thực hiện bằng giải pháp tổng hợp, tác động vào nhiều khâu, nhiều mặt, nhiều nội dung…
Trước những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống diễn biến phức tạp thì phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật để sàng lọc những thành phần thoái hóa, biến chất; xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh, có tác dụng hỗ trợ cho công tác giáo dục đạo đức cách mạng. Cùng với đó, đẩy mạnh phong trào thi đua học tập và làm theo Bác phải thực chất, hiệu quả…
Phải có dũng khí tự phê phán
Tại Hội thảo, các tham luận đã phân tích, tổng kết thực tiễn, làm rõ những vấn đề lý luận và bổ sung, phát triển tư tưởng, lý luận về xây dựng Đảng nói chung, xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng. Giáo sư Hoàng Chí Bảo – chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, khi nói tới cán bộ, đảng viên, bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh đức là gốc. Phải có đủ 4 đức “cần, kiệm, liêm, chính” mới là người toàn vẹn. Thiếu một đức thì không thành người. Muốn có đạo đức cách mạng thì phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Đó là cuộc đấu tranh suốt đời, phải tự vượt lên những thiếu sót, yếu kém, thậm chí những tầm thường, xấu xa, hư hỏng của chính mình.
Nhấn mạnh vai trò và giá trị to lớn của tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Giáo sư Hoàng Chí Bảo khẳng định, tác phẩm của Người đưa ra những chỉ dẫn sâu sắc rằng, nâng cao đạo đức cách mạng là sức mạnh chống chủ nghĩa cá nhân, là sự kết hợp giữa nhận thức với hành động… Tác phẩm càng cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Người với vũ khí phê bình và tự phê bình, giữa dân chủ và tập trung; giữa trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người đối với Đảng, với dân tộc, với nhân dân; giữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng với mục đích, mục tiêu của sự nghiệp cách mạng.
Theo nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, cần hiểu rõ hai vấn đề, đó là đạo đức Hồ Chí Minh đối với báo chí là gì? Cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo làm được những gì để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đối với nội bộ và bản thân mình?
Hơn nửa thế kỷ qua, báo chí cách mạng nói chung và đội ngũ những người làm báo đã không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức báo chí, phát huy vị trí, vai trò và tác dụng của báo chí trong sự nghiệp chung. “Quy định về đạo đức báo chí Việt Nam” đã được Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng và thực hiện. Theo đó, báo chí phải phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; người làm báo hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, tôn trọng quyền con người, bảo vệ bí mật quốc gia, thực hiện quyền tự do báo chí, tự do hành nghề trong khuôn khổ pháp luật; sống lành mạnh, giữ gìn phẩm chất trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, xúc phạm nhân phẩm và lợi ích của người khác.
Theo Khánh Chi (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thuong-truc-ban-bi-thu-vo-van-thuong-phai-thay-ro-tac-hai-khon-luong-cua-chu-nghia-ca-nhan-d182003.html