“Giờ em chỉ mong có đủ tiền để thay huyết tương điều trị dứt bệnh về với con thôi. Ngày nào em cũng nhìn hình con, em nhớ con lắm” – sản phụ Tú Trinh buồn bã nói.
Những ngày qua, tại khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), sản phụ Đoàn Thị Tú Trinh (20 tuổi, quê Kiên Giang) đang phải gồng mình chống chọi với nhiều chứng bệnh cùng lúc.
Mới sinh con đầu lòng chưa lâu nhưng giờ đây, chị buộc lòng phải xa cách núm ruột của mình để đi tìm con đường sống.
Sản phụ Đoàn Thị Tú Trinh.
Mới sinh con đầu lòng đã cận kề cửa tử
Nghe tin Trinh lâm bạo bệnh, chú Đoàn Văn Sang (55 tuổi) tức tốc từ ngoài khơi vào đất liền, một mình từ Kiên Giang lên Sài Gòn lo cho con gái. Ở quê nhà, mẹ của Trinh chăm sóc cháu ngoại – điều mà khi còn khỏe, mọi người mẹ như Trinh là người đảm nhận.
4 tháng sau sinh, Trinh bắt đầu bùng phát bạo bệnh.
“Nhà nghèo nên lúc có thai con tôi đi khám không đều, nhưng khi khám thì không thấy gì bất thường hết. Tới lúc đẻ thì nó cũng khỏe mạnh bình thường nhưng vở ối sớm, con sinh ra có 2,3 kg. Khi cháu tôi được 4 tháng thì con tôi bắt đầu phát bệnh, liên tục khó thở” – người cha kể về quá trình khởi bệnh của con.
Cô liên tục khó thở, mệt mỏi.
Da bụng và nhiều nơi trên cơ thể bị rạng, vàng.
Khi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cấp cứu, các bác sĩ thông báo Trinh bị suy thận, suy tim và thiếu máu nặng. Nhiều ngày truyền máu, điều trị tích cực nhưng không đáp ứng, sản phụ được chuyển tiếp lên bệnh viện tuyến trên ngày 1/5.
Sản phụ lúc điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang. (Ảnh: FB Loan Lê).
Tại khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, sản phụ Trinh được chẩn đoán bị cơ tim chu sinh kèm thiếu máu, giảm nặng 3 dòng tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu), suy đa cơ quan.
Những ngày qua, người cha phải vào viện chăm con gái.
Bệnh nhân được lọc thận liên tục mỗi ngày.
Trong thời gian điều trị tại phòng săn sóc đặc biệt, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm lại thì phát hiện bệnh nhân bị lupus ban đỏ hệ thống.
Đây là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt biến chứng như suy thận tiến triển nhanh; viêm cơ tim; thiếu máu tán huyết tự miễn; biến chứng viêm phổi kèm nhiễm trùng tiêu hóa.
Đến nay, mọi thứ vẫn chỉ được kiểm soát tạm thời.
Bệnh nhân còn bị bệnh lý viêm mạch huyết khối, nếu không xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng lên não gây co giật hôn mê.
Bệnh nhân đang điều trị tại phòng số 2, khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau 2 ngày nằm tại khoa Nội Tim mạch, Tú Trinh được chuyển xuống khoa Nội thận. Ngay lập tức, bệnh nhân dùng kháng sinh liều rất mạnh, chạy thận nhân tạo liều tích cực mỗi ngày, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, suy tim, kiểm soát lượng nước trong người.
Bệnh nhân cũng được truyền máu, truyền huyết tương để khống chế hình thành huyết khối.
Bác sĩ cho biết nếu được thay toàn bộ huyết tương, cơ hội sống của Trinh là trên 80%.
“Duy nhất biến chứng ở gan là khống chế thành công, còn thận, tim và máu bệnh nhân đã bị tổn thương. Hiện tại tình trạng suy tim của bệnh nhân đang trong tầm khống chế nhưng vẫn phải sử dụng thuốc trợ tim.
Tình trạng nhiễm trùng phổi và nhiễm trùng tiêu hóa đang có tiến triển. Bệnh nhân vẫn trong giai đoạn vô niệu hoàn toàn.
Chúng tôi đang truyền huyết tương mỗi ngày để tạm kiểm soát tình trạng hình thành huyết khối. Chưa thể nói trước được điều gì” – Bác sĩ Nguyễn Sơn Lâm, khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin.
Hiện chỉ có vùng gan của sản phụ đã được kiểm soát hoàn toàn.
Mong có tiền thay huyết tương để về với con
Theo bác sĩ Lâm, để giải quyết triệt các tình trạng trên, sản phụ Tú Trinh phải thay toàn bộ huyết tương ít nhất là 5-7 lần. Tuy nhiên, viện phí để làm việc này là không nhỏ.
Gia đình sản phụ rất khó khăn.
“Bệnh lý vi mạch huyết khối như bệnh nhân nếu xử lý trễ khả năng tử vong lên đến 90%. Nếu có thể thay được huyết tương thì hi vọng sống sẽ khoảng 80% nhưng bệnh nhân quá nghèo. Chồng làm phụ hồ, bệnh nhân từ hồi mang bầu đã không làm gì.
Mẹ bệnh nhân hiện ở nhà chăm cháu còn ông ngoại đi biển phải lên chăm con. Trong khi đó mỗi lần thay huyết tương là 5-6 triệu đồng, thay đầy đủ cũng đến 40-50 triệu đồng chưa kể tiền thuốc” – bác sĩ cho biết.
Cha của Trinh đi biển, còn chồng làm nghề phụ hồ.
Tại giường bệnh sau những ngày đầu nguy kịch, khó thở, đến nay chị Trinh có phần tỉnh táo hơn. Mới sinh con đầu lòng và còn rất trẻ, khuôn mặt sản phụ rất ngây thơ khi chúng tôi hỏi về những gì đã trải qua.
“Mấy bữa mới vô đau lắm, khó thở nữa nhưng hôm nay em khỏe nhiều rồi. Có điều nhớ con lắm, mỗi lần nhớ con thì em gọi về cho bà ngoại. Giờ nó khỏe rồi chứ hồi mới đẻ nhỏ xíu, có hơn 2kg” – Trinh nói.
Người mẹ trẻ vẫn còn rất vô tư, chưa rành chuyện chăm sóc con.
Chỉ vào vùng bụng còn in hằn những vết rạn sau cuộc lâm bồn mấy tháng trước, Trinh cho biết lúc sinh bé mọi thứ đều bình thường. Cô không biết vì sao mình lại bệnh nặng như vậy. Ở nhà, chồng cô đang thu xếp đi phụ hồ để kiếm từng đồng lo viện phí cho vợ.
Con trai sản phụ đã 9 tháng tuổi.
“Nhà tôi không có ruộng đất gì hết, ai cũng làm mướn. Mấy ngày trước có mạnh thường quân ở Kiên Giang biết hoàn cảnh mới đứng ra vận động cho con tôi được một ít tiền, chứ không cũng không biết sao mà lo. Bây giờ lên Sài Gòn thì chỉ có mình tôi, vợ tôi ở quê lo cho cháu rồi. Thôi cứ tới đâu hay tới đó” – ông Sang tâm sự.
Người cha sản phụ rất lo lắng khi nghe nói đến viện phí.
Còn với Tú Trinh, mong muốn lớn nhất của cô không gì khác, là mau khỏi bệnh để về với con đầu lòng. Cô lấy điện thoại mở hình đứa con trai kháu khỉnh của mình cho tôi coi rồi bảo: “Lúc này em còn khỏe, bé mới hơn 3 tháng. Giờ nó 9 tháng rồi, lớn hơn và bụ bẫm hơn nhiều rồi. Em còn chưa rành cách chăm sóc con. Em mong có tiền thay huyết tương để sớm về với nó” – sản phụ tâm sự khi hành trình chữa bệnh còn rất cam go phía trước.
Độc giả muốn giúp đỡ hoàn cảnh bệnh nhân Đoàn Thị Tú Trinh vui lòng liên hệ trực tiếp cha bệnh nhân qua số điện thoại: 0706820004.
Hoặc liên hệ phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy. Số ĐT: 028.38552486.
Số tài khoản BVCR: 0071000077458, ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Sài Thành.
Ủng hộ ghi rõ: “Giúp đỡ cho hoàn cảnh bệnh nhân Đoàn Thị Tú Trinh, khoa Nội Thận”.
Xin chân thành cảm ơn!