ava XH
“Hồi đó lúc cưới, em có hỏi sao em mù mà anh vẫn lấy thì anh ấy nói sẽ làm đôi mắt cho em. Vậy anh phải mau khỏe, khỏe để về làm đôi mắt cho em, để phụ em nuôi ba đứa nhỏ…”.
Người vợ thủ thỉ điều gì vào tai anh Đào Việt Anh (38 tuổi, quê Bắc Giang). Nằm trên giường bệnh, khuôn mặt người chồng lộ rõ nét đau đớn vẫn cố gắng trả lời vợ. Nhưng hễ định gật đầu, cổ anh lại đau rát, trong khi tứ chi giờ đã gần như bất lực.
Khoa Ngoại Thần kinh, BV Chợ Rẫy.
Yêu cô gái mù, bị gia đình từ mặt
10 ngày nay, căn phòng số 7, khoa Ngoại Thần kinh có thêm một bệnh nhân đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ mỗi lần tới giờ cơm, một người đàn bà lại lò dò năn nỉ những người nuôi bệnh xung quanh phụ đút dùm chồng mình.
Chị Đinh Thu Hiền.
Lúc người chồng thông báo mắc vệ sinh, đến lượt các nhân viên y tế được người đàn bà cầu cứu.
Đó không ai khác là chị Đinh Thu Hiền (37 tuổi, quê Ninh Bình), vợ của bệnh nhân Đào Việt Anh. Mang tiếng đi nuôi bệnh nhưng chị Hiền chỉ có thể rót nước, xoa tay, bóp chân cho chồng. Mọi việc còn lại chị toàn phải nhờ người ngoài hỗ trợ, bởi đôi mắt chị không nhìn thấy gì.
Căn phòng số 7 nơi điều trị cho anh Việt Anh những ngày qua.
Nhiều người thắc mắc: “Ủa tại sao mù mà còn đi nuôi bệnh chi vậy trời?”. Nghe hoài thành quen, chị Hiền cười cười đáp nhẹ nhàng, rằng mình không nuôi thì xung quanh có còn ai lo cho anh chồng nữa.
Chị Hiền khiếm thị bẩm sinh. Đâu cách đây 16-17 năm, chị rời quê vào Sài Gòn để xin vào trường học cho người không thấy đường.
Qua được vài lớp thì trường bắt đóng học phí. Không có tiền, cô gái tên Hiền lúc ấy bèn ra đại lý lãnh vài trăm tờ vé số, leo lên xe buýt luồn mấy bến xe tìm kế mưu sinh. Cứ ban ngày đi bán rồi tối lần dò ra lớp học bổ túc.
Chị Hiền – anh Việt Anh yêu nhau 7 năm trước khi cưới. dù gia đình ngăn cản.
Cũng một lần đi bán như vậy, Hiền gặp anh Đỗ Việt Anh trên chuyến xe buýt định mệnh. Mới chạm mặt mà làm như trời định sẵn, chàng công nhân thấy mến cô vé số nên tiếng lại lân la làm quen, rồi hỏi thăm, xin số điện thoại. Họ quen nhau chóng vánh mà lạ lùng như vậy.
Sau khi cưới, một mình người chồng lo kinh tế gia đình.
Tưởng chỉ là bèo nước gặp nhau, ban đầu chị Hiền mặc cảm chuyện khiếm thị, tìm cách né tránh. Nhưng rồi vì sự chân thành của chàng trai, Hiền – Anh cứ giữ liên lạc rồi cảm mến nhau lúc nào không biết. Tình yêu của họ kéo dài suốt 7 năm trời.
Anh bị đục thủy tinh thể từ lâu nhưng giấu vợ.
“Năm 2009, anh ngỏ lời muốn cưới em. Gia đình bên anh ấy biết chuyện, ngăn cản rất gay gắt, bảo cưới xong là sẽ từ mặt. Nhưng chồng em không sợ gì cả, cương quyết muốn cưới.
Em có hỏi sao em không thấy đường mà vẫn muốn cưới, anh nói vì yêu. Yêu là yêu thôi, không có lý do gì giải thích hết. Em mù thì anh sẽ làm đôi mắt cho em” – chị Hiền kể.
Bệnh đã lâu nhưng không điều trị nên khi bộc phát đã rất nặng.
Mặc gia đình ngăn cấm, đám cưới của hai người vẫn được tiến hành. Không có gia đình chú rể, bạn bè công nhân đồng nghiệp anh Việt Anh trở thành đại diện nhà trai.
“Anh phải về làm đôi mắt cho em”
Thương vợ nên sau khi lấy nhau, người chồng không cho chị Hiền đi bán vé số nữa. Một mình anh hì hục làm công nhân trạm điện nuôi sống cả gia đình.
Con trai đầu lòng chào đời, rồi đến con gái giữa, con trai út… Gánh nặng nuôi 5 miệng ăn khiến đôi vai anh Việt Anh nặng trĩu. Làm việc lao lực, bệnh tật bắt đầu kéo đến.
Chị Hiền bên ba đứa con thơ.
“Chồng em bị đục thủy tinh thể, mắt mờ lâu rồi mà giấu em không nói, cứ ráng đi làm. Bữa đó chạy trên đường, anh bị công an bắt vì vượt đèn đỏ. Tới lúc đó em mới biết chồng không thấy đường” – người vợ mù kể tiếp.
Cha bệnh, các con phải gởi vào nhà dòng.
Khi mắt phẫu thuật xong cũng là lúc tứ chi anh Việt Anh xuất hiện vấn đề. Nhiều lần phát hiện anh đứng lên, ngồi xuống khó khăn, chị Hiền gặng hỏi nhưng chồng cứ gạt đi, bảo rằng do tập thể dục nhiều nên bị giãn cơ.
Mỗi lần nhớ con, chị Hiền lấy điện thoại mượn của người bạn la lần dò album ảnh nhưng cũng chỉ để sờ, vì không nhìn thấy gì.
Cho đến 2 tuần trước, người chồng phát bệnh nặng, đau đớn khắp người, không thể đứng lên được nữa. Đưa vào bệnh viện gần nhà, anh được chuyển gấp lên tuyến trên vì tình trạng rất nặng.
Bác sĩ Phan Quang Sơn, khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nam bệnh nhân nhập viện ngày 28/2 với chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cổ và cột sống lưng nặng, yếu liệt tứ chi, rối loạn cơ vòng, chỉ nhúc nhích được tay bên trái.
Bác sĩ cho biết tình trạng bệnh nhân rất nặng, cần phải phẫu thuật.
Sau 1 tuần điều trị, lực cơ ở tay bên trái có cải thiện, toàn thân có cảm nhận nhưng tê rần nhiều, hô hấp tốt hơn. Hiện bệnh nhân đang trong giai đoạn hồi sức, nếu qua cơn nguy kịch mới tính chuyện phẫu thuật, dùng nẹp vít cố định cổ.
“Kinh phí điệu trị dự kiến hơn 70 triệu đồng, trừ chi phí bảo hiểm bệnh nhân còn phải đóng hơn 30 triệu đồng. Tuy nhiên hoàn cảnh của bệnh nhân rất khó khăn khi là lao động chính. Bản thân người vợ bị mù lòa, trong khi còn 3 đứa con nhỏ, lớn nhất mới học lớp 1 còn nhỏ mới 4 tuổi” – bác sĩ thông tin.
Nhưng chi phí điều trị vượt ngoài tầm với của hai vợ chồng.
Theo chị Hiền, để có thể vào viện chăm chồng, những ngày qua chị phải gởi các con cho 2 nhà dòng ở thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương). Riêng con trai út ban đầu nhà dòng không nhận vì không chăm trẻ dưới 6 tuổi nhưng trước hoàn cảnh “vợ mù nuôi chồng liệt”, họ đã quyết định phá lệ.
“Anh phải về làm đôi mắt cho em…” – người vợ nghẹn ngào.
Nói đến đây, nước mắt người vợ bỗng lăn dài. Quệt vội tay lên hốc mắt từ lâu đã tối tăm, người vợ nói giờ chỉ mong chồng sớm hồi phục trở về. Chứ nếu còn ở đây ngày nào, không chỉ chồng khổ, vợ cực khi phải lò dò chăm sóc, mà tương lai các con cũng không biết tính sao…
“Anh phải mau khỏe, khỏe để về làm đôi mắt cho em, để phụ em nuôi ba đứa nhỏ…” – chị Hiền động viên chồng, trong khi xung quanh ai cũng im bặt vì xúc động.
Độc giả muốn giúp đỡ hoàn cảnh của bệnh nhân Đào Việt Anh vui lòng liên hệ trực tiếp người vợ (chị Hiền) theo số điện thoại: 0938636357.
Hoặc liên hệ phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy. Số ĐT 028.38552486 Số tài khoản của Bệnh viện Chợ Rẫy: 0071000077458. Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Sài Thành. Ủ
ng hộ ghi rõ: “Giúp đỡ cho hoàn cảnh bệnh nhân Đào Việt Anh, khoa Ngoại Thần kinh”.
Xin chân thành cảm ơn!