Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 lần này được kỳ vọng sẽ đề ra tầm nhìn, định hướng lớn, các biện pháp, hành động cụ thể về thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
Từ ngày 14 – 21/10/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Á – Âu (ASEM) lần thứ 12, Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và các Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) và thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạch, thăm làm việc tại Liên minh châu Âu.
Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 được diễn ra tại Copenhaghen (Đan Mạch). Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ đề ra tầm nhìn, định hướng lớn, các biện pháp, hành động cụ thể về thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (P4G) được hình thành trên cơ sở sáng kiến của Chính phủ Đan Mạch nhằm tạo điều kiện và giúp phát triển quan hệ đối tác công tư đóng góp, thúc đẩy tiến trình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu 2030 thông qua thực hiện tăng trưởng xanh, thể hiện và tạo điều kiện cho việc phổ biến các giải pháp, mở rộng quy mô thực hiện các giải pháp trên toàn cầu.
Đến nay, Diễn đàn P4G đã có 7 quốc gia tham dự bao gồm: Đan Mạch (sáng lập), Chile, Mexico, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya và Colombia cùng với sự tham gia của các tổ chức quốc tế: Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu, Viện Tài nguyên thế giới, State of Green, mạng lưới C40 bao gồm 91 quốc gia và lãnh đạo của các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Cổng Kết nối P4G – trụ sở hoạt động tư vấn và kết nối hợp tác trong khuôn khổ P4G được đặt tại Washington . Bên cạnh đó, một quỹ trị giá 4 triệu USD mỗi năm sẽ được dành để hỗ trợ tài chính nhằm ươm mầm và nhân rộng các chiến lược hợp tác P4G. Các dự án hợp tác P4G có thể sẽ được hỗ trợ từ nhiều quỹ liên quan đến phát triển bền vững. Một trong những ví dụ về nguồn hỗ trợ là Quỹ đầu tư SDG do Đan Mạch khởi xướng. Quỹ này sẽ đóng góp cho các dự án hợp tác liên quan đến các mục tiêu SDG và sẽ đảm bảo khoảng 5 tỉ USD tổng vốn đầu tư, thông qua sự hợp tác công – tư.
P4G tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, nước, khôi phục hệ sinh thái, sử dụng đất bền vững, hệ thống thực phẩm, thành phố bền vững và nền kinh tế tuần hoàn. P4G dựa trên ba yếu tố trọng tâm để đảm bảo sự tiến triển. Đó là những dự án hợp tác mang tính đột phá; các hội nghị cấp cao truyền cảm hứng; các cứ liệu chính xác và trách nhiệm giải trình. Các bên hợp tác sẽ thường xuyên kết nối với những nhà lãnh đạo quốc gia và quốc tế thông qua những hội nghị thượng đỉnh tổ chức hai năm một lần nhằm gợi mở ý tưởng, hỗ trợ kỹ thuật và trợ giúp tài chính nhằm khuếch đại các ý tưởng chuyển đổi theo hướng tăng trưởng xanh bền vững.
Báo cáo về “Tối ưu hóa Tăng trưởng Xanh” đã được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh P4G nhấn mạnh và tổng kết các giải pháp P4G thành công, đồng thời cung cấp các bằng chứng cơ sở để khởi động các hợp tác liên ngành mới.
Ngày 4/7/2018, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 6319/VPCP-QHQT thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc thành lập Diễn đàn quốc gia P4G và lễ công bố chính thức Diễn đàn đã được tổ chức vào ngày 5/7/2018, trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2018 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Diễn đàn P4G Việt Nam do Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Lãnh đạo Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững đồng chủ trì, có sự tham gia của các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Ngân hàng nhà nước và các nhóm doanh nghiệp tham gia Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững. Cũng trong khuôn khổ thúc đẩy các hoạt động của Diễn đàn quốc gia P4G, trong tháng 9/2018 Việt Nam đã phối hợp với các công ty trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế tổ chức hai Hội thảo: “Rác thải nhựa và Cộng đồng ven biển” (MarPlasitc) và “Thực trạng rác thải nhựa và sự cần thiết của việc phân loại rác tại nguồn” nhằm tăng cường thực thi pháp luật và thúc đẩy giải pháp hiệu quả nhằm giảm ô nhiễm rác thải nhựa.
Nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được các cơ quan Chính phủ ghi nhận và triển khai trong tương lai. Tính đến thời điểm hiện tại, trên phạm vi toàn cầu đã có 11 đối tác start-up đã được lựa chọn, tập trung vào một số lĩnh vực: lương thực và nông nghiệp, nước, năng lượng, các đô thị, và kinh tế tuần hoàn (mỗi đối tác nhận nguồn hỗ trợ 100,000 USD cho từng dự án), trong đó có 2 dự án được thực hiện cho Việt Nam (Dự án Đối tác tài chính hỗn hợp cho nước và Dự án Thị trường vật liệu thứ cấp của Việt Nam).
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (P4G), lần này khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Đồng thời truyền tải thông điệp, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, tham gia hiệu quả, đóng góp giải quyết các thách thức toàn cầu tại các tổ chức đa phương./.