Ngày 25.10.2023, Ban Bí thư T.Ư Ðảng ban hành Chỉ thị số 25 về “Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới”. Đối với địa phương khó khăn như Hà Giang, đây được xem là nguồn năng lượng mới góp phần nâng cao chất lượng y tế.
Với quan điểm y tế cơ sở là nền tảng, mạng lưới rộng khắp, gần dân; Chỉ thị số 25 có nhiều điểm mới và các giải pháp trọng tâm. Trong đó, xác định rõ ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự cần thiết nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về y tế cơ sở. Phản ánh tầm nhìn mới, các chính sách và hành động nhằm giải quyết các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, phạm vi của y tế cơ sở mở rộng hơn gồm: Y tế thôn, bản; trạm y tế xã, phường, thị trấn; trung tâm y tế cấp huyện; y tế trường học, y tế cơ quan, nông, lâm trường, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất. Khuyến khích y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân…
Trung tâm Y tế huyện Vị Xuyên sàng lọc, khám bệnh về mắt cho người dân. Ảnh: Phạm Hoan |
Thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư, BTV Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 52, xác định mục tiêu đến năm 2030: Hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở; 100% thôn, tổ dân phố có nhân viên y tế đáp ứng tối thiểu về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn; tất cả các trạm y tế xã có bác sỹ làm việc thường xuyên và luân phiên, đạt 12 bác sỹ/vạn dân; duy trì Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã, có nữ hộ sinh, cán bộ dân số và duy trì đội ngũ cộng tác viên dân số cộng đồng… Các giải pháp tập trung vào nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở. Tăng cường lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, tạo thuận lợi để người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ sở. Mở rộng, đa dạng hóa truyền thông giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức, thay đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, đưa các chỉ tiêu về y tế cơ sở vào chiến lược, kế hoạch phát triển KT – XH của từng địa phương.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 175 trạm y tế xã, phường, thị trấn; 18 phòng khám đa khoa khu vực và 869 cán bộ y tế xã. Mặc dù đã được quan tâm phát triển, nhưng chất lượng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại hầu hết các xã chưa đạt như kỳ vọng. Do đó, để góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 25, ngành Y tế Hà Giang triển khai thực hiện Đề án thí điểm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế xã, giai đoạn 2023 – 2025. Trong năm 2023, đã lựa chọn 11 trạm y tế thực hiện với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, thực hiện tốt các hoạt động về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, y tế dự phòng, quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm. Sở Y tế tích cực hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật do tuyến trên triển khai.
Cán bộ Y tế xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) thăm khám sức khỏe sinh sản cho chị Lầu Thị Máy ở thôn Hố Quáng Phìn. Ảnh: Hồng Cừ |
Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố huy động nguồn lực thực hiện đề án, chú trọng vào đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin. Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cử cán bộ trực tiếp xuống các trạm y tế để làm việc, hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc”, nâng cao kiến thức về công tác sơ, cấp cứu ban đầu, nội khoa, nhi khoa, sản khoa… Qua đánh giá ban đầu, đề án đang từng bước mang lại chuyển biến tích cực trong đổi mới phương thức hoạt động của y tế cơ sở, các hoạt động y tế dự phòng, nâng cao sức khoẻ, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật. Hiệu quả quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, mạn tính, quản lý sức khoẻ người dân theo nguyên lý y học gia đình được đẩy mạnh.
Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, ưu tiên nguồn lực, nhân lực y tế; tăng cường đào tạo, đào tạo lại, chuyển giao kỹ thuật, bồi dưỡng chuyên môn; thực hiện tốt chính sách thu hút nhân lực giỏi làm việc, gắn bó lâu dài, nhất là tại vùng khó khăn, biên giới…
PHẠM HOAN
Nguồn Báo Hà Giang: https://baohagiang.vn/xa-hoi/202408/thuc-day-chat-luong-y-te-co-so-81707fb/