Một sinh viên năm cuối của Viện Công nghệ Ấn Độ đã cảnh báo bạn bè mình không nên lãng phí cuộc sống bản thân trong ngành công nghệ thông tin, trong lá thư tuyệt mệnh trước khi quyết định treo cổ tự tự.
Mark Andrew Charles đã để lại bức thư tuyệt mệnh dài 8 trang trước khi tự sát hôm 2/7 trong ký túc xá của Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT). Ngoài việc đề cập đến cha mẹ ở Varanasi, anh còn cảnh báo bạn bè của mình một cách nghiêm túc về cuộc sống trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
“Sống một chút mỗi ngày”, Charles viết trong bức thư. “Đừng lãng phí cuộc sống của bạn để làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bạn chỉ sống một lần”.
Mark Andrew Charles
Các chia sẻ cho thấy lý do chính khiến anh thực hiện hành động cực đoan này có liên quan tới “điểm kém” và thực tế là anh sắp tốt nghiệp và không có lời mời làm việc nào.
“Tôi đã có những giấc mơ, giống như mọi người. Nhưng bây giờ, nó khá trống rỗng. Tất cả sự tích cực này, luôn luôn mỉm cười, nói với mọi người rằng tôi vẫn ổn dù thực sự tôi không phải như vậy”, Mark viết.
Cuối thư, sinh viên trẻ này cũng yêu cầu không phải chôn cất mà muốn hiến tặng cơ thể mình cho các nghiên cứu khoa học.
Đây là sự cố tự tử thứ hai tại IIT trong năm nay. Anirudhya Mummaneni, một sinh viên khoa kỹ thuật cơ khí và hàng không vũ trụ năm thứ tư, cũng đã nhảy lầu từ một tòa nhà ký túc xá hồi tháng 2.
“Quyết định kết thúc cuộc đời tôi hoàn toàn hợp lý, dựa trên ước tính của tôi về những gì sẽ phải đối mặt trong tương lai”, Mummaneni viết trong email gửi cho bạn bè trước khi chết. “Cuộc sống không còn đầy rẫy những mưu mô hay phải suy nghĩ việc nó trở nên ngày càng khó khăn nữa”.
Các chuyên gia CNTT của Ấn Độ thường phải làm việc nhiều giờ và hay phàn nàn về văn hóa làm việc tồi tệ tại các công ty. Đây cũng được cho là một trong các áp lực đối với các sinh viên đang theo học tại các tổ chức hay trường đại học về khoa học và kỹ thuật hàng đầu trong nước. Trước đó vụ tự tử tại IIT đã thu hút chú ý của công chúng khi phản ánh sự căng thẳng và áp lực quá mức của các sinh viên về việc phải có thành tích cao nếu muốn ra trường có một công việc tốt.
Tham khảo Quartz